Sự phát triển của xã hội đất nước thể hiện qua các cơ sở hạ tầng, các công trình xây dựng, các khu đô thị. Vì vậy, việc thi công xây dựng công trình là việc quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Vậy làm sao để hiểu thế nào là an toàn trong thi công công trình xây dựng và những vấn đề liên quan xoay quanh về an toàn trong thi công công trình xây dựng như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.
Hiện nay, việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng là một trong những ưu tiên hàng đầu khi chủ đầu tư thực hiện thi công dự án xây dựng bởi ngành xây dựng có nguy cơ cao về tai nạn lao động do tính chất công việc đòi hỏi sử dụng máy móc, thiết bị nặng, làm việc ở độ cao và tiếp xúc với các vật liệu nguy hiểm. Việc không tuân thủ quy trình an toàn, thiếu trang thiết bị bảo hộ và không đảm bảo kỹ thuật an toàn khiến nguy cơ tai nạn tăng cao.
Ngành xây dựng vẫn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến an toàn lao động như sự sụp đổ của công trình, tai nạn lao động, dầu mỏ và các nguồn gốc nhiễm độc khác và hiện nay một số công trình xây dựng vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của an toàn lao động và không đảm bảo các quy định an toàn cần thiết. Việc quy định một cơ chế chặt chẽ về đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng là cần thiết để đảm bảo môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu tai nạn lao động trong ngành này.
Theo Khoản 20 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định như sau: “An toàn trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm đảm bảo không gây thương tật, tử vong, không làm suy giảm sức khỏe đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, trong quá trình xây dựng công trình mà nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng mà không phải là người quyết định đầu tư, người quản lý, sử dụng công trình khi thực hiện hành vi vi phạm về an toàn trong thi công xây dựng sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt sau đây:
a)Mức phạt tiền đối với tổ chức
Hành vi |
Mức phạt tiền |
Không có sổ nhật ký an toàn lao động hoặc sổ nhật ký không ghi chép đầy đủ quy định. |
Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. |
Thực hiện một trong các hành vi sau đây: - Để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân tham gia lao động trong thi công xây dựng công trình. - Không lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định, không lập các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao. - Sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành, vận hành theo quy định, không kiểm định hoặc đã hết thời gian kiểm định, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung ghi trong giấy tờ lưu hành, vận hành, kiểm định. - Không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường. - Không bố trí hoặc bố trí người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động không được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. - Không hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường. - Không lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình. - Không có quy định cụ thể biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công. |
Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. |
Thực hiện một trong các hành vi sau đây: - Vi phạm quy định về phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng. - Không mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba theo quy định. |
Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. |
b)Mức phạt tiền đối với cá nhân
Khi cá nhân thực hiện một trong các hành vi nêu tại Mục 1.1 thì mức phạt đối với cá nhân vi phạm sẽ bằng 1/2 mức phạt vi phạm của tổ chức nêu tại Mục 1.1 (căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng quy định về trình tự thực hiện đánh giá an toàn công trình cụ thể như sau:
-Lập và phê duyệt đề cương đánh giá an toàn.
-Tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình.
-Lập báo cáo kết quả đánh giá an toàn.
-Gửi báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định này.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của tổ chức đánh giá an toàn công trình như sau:
-Lập đề cương đánh giá an toàn công trình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và các quy định của hợp đồng xây dựng, trình chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phê duyệt;
-Thực hiện đánh giá an toàn công trình theo đề cương được phê duyệt;
-Lập báo cáo kết quả đánh giá an toàn và trình chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình theo quy định;
-Chịu trách nhiệm về chất lượng công tác đánh giá an toàn do mình thực hiện. Việc xác nhận báo cáo kết quả đánh giá an toàn của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thay thế và không làm giảm trách nhiệm về công tác đánh giá an toàn do tổ chức kiểm định thực hiện.
Tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP xem xét và thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình thì Thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn trong thi công công trình xây dựng như sau:
-Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình xây dựng nằm trên địa bàn tỉnh;
-Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với công trình chuyên ngành nằm trên địa bàn 02 tỉnh trở lên theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định này;
-Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.
Theo Điều 40 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng như sau:
-Khi phát hiện hạng mục công trình, công trình có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm:
-Kiểm tra lại hiện trạng công trình;
-Tổ chức kiểm định chất lượng công trình (nếu cần thiết);
-Quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn nếu công trình có nguy cơ sập đổ;
-Báo cáo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất;
-Sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành của công trình hoặc phá dỡ công trình khi cần thiết.
-Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin hạng mục công trình, công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì chính quyền địa phương có trách nhiệm:
-Tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu và hướng dẫn chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình (nếu cần thiết);
-Yêu cầu chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thực hiện các biện pháp khẩn cấp quy định tại điểm (3) và thời gian thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không chủ động thực hiện để đảm bảo an toàn;
-Trường hợp hạng mục công trình, công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm có thể dẫn tới nguy cơ sập đổ thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thực hiện ngay các biện pháp an toàn, bao gồm hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn (nếu cần thiết);
-Xử lý trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật khi không thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại mục 2.
-Đối với chung cư cũ, chung cư có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thực hiện các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về nhà ở.
-Mọi công dân đều có quyền thông báo cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các cơ quan thông tin đại chúng biết khi phát hiện hạng mục công trình, công trình xảy ra sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng để xử lý kịp thời.
-Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại mục 2 khi tiếp nhận thông tin về hạng mục công trình, công trình xảy ra sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp an toàn quy định tại điểm (3). Trường hợp không xử lý kịp thời, gây thiệt hại về người và tài sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề an toàn trong thi công công trình xây dựng. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn