ÁP DỤNG THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ SAO CHO HIỆU QUẢ? ĐIỀU KIỆN KHI ÁP DỤNG THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ LÀ GÌ?

Bán phá giá là việc bán hàng hóa, dịch vụ ở mức giá quá thấp so với giá thông thường nhằm giành thị phần, loại bỏ đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Hành vi bán phá giá ngày càng trở nên phổ biến làm đe dọa hoặc gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế trong nước. Một trong các biện pháp chống bán phá giá hiện nay đó chính là áp dụng thuế chống bán phá giá. Vậy việc áp dụng thuế chống bán phá giá sao cho hiệu quả? Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá là gì? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu các nội dung dưới đây.

I/ Áp dụng thuế chống bán phá giá sao cho hiệu quả?

Thuế chống bán phá giá là một trong các biện pháp phòng vệ thương mại. Thuế chống bán phá giá (tên tiếng anh là Anti-dumping duties) là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Áp dụng thuế chống bán phá giá

Để áp dụng thuế chống bán phá giá một cách hiệu quả thì đầu tiên cơ quan Nhà nước cần ban hành một khung pháp lý chặt chẽ về việc áp dụng thuế chống bán phá giá. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả việc áp dụng thuế chống bán phá giá để bảo vệ hàng hóa trong nước thì cơ quan Nhà nước cần tăng cường phổ biến pháp luật về áp dụng thuế chống bán phá giá đặt biệt là đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải chủ động nắm vững và hiểu rõ các quy định của pháp luật về việc áp dụng thuế chống bán phá giá để việc áp dụng thuế chống bán phá giá đạt hiệu quả tối ưu.

II/ Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá

Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật, không phải trong bất cứ trường hợp nào cũng được áp dụng thuế chống bán phá giá. Các điều kiện áp dụng thuế chống bán phá được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 gồm hai điều kiện sau:

Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá

Thứ nhất, hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể.

Thứ hai, việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Như vậy, khi có đủ hai điều kiện trên thì việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong trường hợp này là phù hợp. Nếu áp dụng biện pháp chống phá giá khi không đủ một trong hai điều kiện trên thì được xem là trái với quy định của pháp luật.

III/ Giải đáp các thắc mắc về áp dụng thuế chống bán phá giá

NPLaw xin phép giải đáp một số thắc mắc mà quý khách hàng thường gặp phải sau đây:

1. Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn bao lâu?

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thì thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

Giải đáp các thắc mắc về áp dụng thuế chống bán phá giá

Như vậy, trong trường hợp này thì Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước và áp dụng trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

2. Cam kết khắc phục việc bán phá giá thì có bị đánh thuế chống bán phá giá hay không?

Trong trường hợp đã cam kết khắc phục việc bán phá giá vẫn có thể bị đánh thuế chống bán phá giá trong trường hợp cam kết bị hủy bỏ.

Bởi căn cứ theo quy định tại Điều 43 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại quy định áp dụng biện pháp chống bán phá giá sau khi hủy bỏ thực hiện cam kết như sau:

- Trường hợp việc hủy bỏ cam kết do bên đề nghị cam kết có hành vi vi phạm cam kết thì Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

- Trường hợp việc hủy bỏ cam kết do cơ quan điều tra đề nghị hủy bỏ thực hiện hoặc bên đề nghị cam kết yêu cầu hủy bỏ cam kết thì Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định hủy bỏ thực hiện cam kết và thông báo cơ quan hải quan áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Do đó, vẫn có thể đánh thuế chống bán phá giá trong trường hợp đã có cam kết khắc phục việc bán phá giá nếu rơi vào các trường hợp nêu trên.

3. Áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu như thế nào?

Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu nếu đáp ứng đầy đủ hai điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

Bên cạnh đó, nguyên tắc áp dụng thuế chống bán giá đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định gồm:

- Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành điều tra và phải căn cứ vào kết luận điều tra theo quy định của pháp luật;

- Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là không quá 05 năm kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn.

4. Cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng thuế chống bán phá giá?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 thì Bộ Công thương là cơ quan có thẩm quyền áp dụng thuế chống bán phá giá.

5. Sorbitol dạng bột có mã HS Code 29054400 có bị áp thuế chống bán phá giá hay không?

Sorbitol dạng bột có mã HS Code 29054400 không bị áp thuế chống bán phá giá. Bởi căn cứ theo quy định tại điểm 1 Thông báo áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm sorbitol có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Cộng hòa nhân dân Trung hoa (ban hành kèm Quyết định số 2644/QĐ-BCT) thì sorbitol dạng lỏng mới là đối tượng bị áp dụng thuế chống bán phá giá. Do đó, sorbitol dạng bột không bị áp thuế chống bán phá giá.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan