BAO BÌ ĐỰNG HÓA CHẤT

Bao bì là một trong những yếu tố hàng đầu mà người tiêu dùng lựa chọn một sản phẩm, nhất là đối với những sản phẩm có tính chất đặc biệt như hóa chất. Khi nền công nghiệp hóa chất đã và đang phát triển rất mạnh, nhưng cũng trở thành ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì các quy định bắt buộc sử dụng bao bì để đựng hóa chất nhằm đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường càng được chú trọng. Bao bì đựng hóa chất là một loại bao bì đặc biệt, được sử dụng để đựng hóa chất, được quy định chặt chẽ về chất lượng, quá trình sản xuất, ghi nhãn hiệu,... Cùng NPLaw tìm hiểu quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề bao bì đựng hóa chất trong bài viết dưới đây. 

 Thực trạng về bao bì đựng hóa chấtI. Thực trạng về bao bì đựng hóa chất

Ngành công nghiệp hóa chất đã đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng và của xã hội loài người nói chung. Hóa chất tồn tại ở các trạng thái rắn, lỏng, khí khác nhau, vì vậy trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển nếu không thực hiện những biện pháp an toàn nghiêm ngặt rất dễ xảy ra nguy hiểm cho sức khỏe con người. Hiện nay, bao bì hóa chất được sử dụng phổ biến trong tất cả các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp hóa chất, bảo đảm an toàn cho hóa chất. Hầu hết các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã sử dụng các loại bao bì đựng hóa chất theo quy định, nhằm giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe con người cũng như các ảnh hưởng xấu đến môi trường do hóa chất gây ra. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, lợi dụng việc phát triển của ngành hóa chất, mà các cơ sở sản xuất bao bì giả mạo cũng ngày càng gia tăng, cho ra những bao bì đựng hóa chất kém chất lượng nhằm trục lợi cá nhân, bao bì không đảm bảo yêu cầu theo quy định về nhãn, không có độ bền, dẻo chắc chắn trong quá trình vận chuyển, không có khả năng chống mốc, chống ẩm. dễ bị ảnh hưởng từ môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người… 

Nhu cầu của người tiêu dùng càng cao, kéo theo mức độ trầm trọng của hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bao bì đựng hóa chất đang ngày càng nhiều với mức độ tinh vi. Điều này đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định chặt chẽ hơn về xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức của chính người tiêu dùng. 

II. Quy định pháp luật về bao bì đựng hóa chất

Mỗi loại hóa chất cần có bao bì khác nhau, phù hợp với đặc tính của nó, tuy nhiên, tất cả phải phù hợp theo quy định pháp luật. Việc phân loại bao bì, yêu cầu đối với bao bì đựng hóa chất cũng như ghi nhãn bao bì đựng hóa chất được NPLaw phân tích dưới đây:

Bao bì đựng hóa chất gồm những loại nào?

1. Bao bì đựng hóa chất gồm những loại nào?

Theo khoản 5 Điều 2 Thông tư 32/2017/TT-BCT quy định về bao bì đựng hóa chất như sau:

“ Bao bì thương phẩm của hóa chất là bao bì chứa đựng hóa chất, lưu thông cùng với hóa chất và gồm hai loại:

- Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hóa chất, tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hóa chất;

- Bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hóa chất có bao bì trực tiếp."

Căn cứ quy định trên, có thể thấy bao bì đựng hóa chất còn được hiểu là bao bì thương phẩm của hóa chất và gồm hai loại là bao bì trực tiếp và bao bì ngoài.

2. Bao bì đựng hóa chất phải đáp ứng yêu cầu nào

Bao gói hóa chất lưu thông trên thị trường phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 28 Luật hóa chất 2007 như sau:

- Đáp ứng yêu cầu về phân loại, ghi nhãn hóa chất quy định tại Điều 27 của Luật hóa chất 2007.

- Không rò rỉ, phát tán hóa chất ra ngoài trong vận chuyển, bảo quản, cất giữ.

- Không bị hóa chất chứa bên trong ăn mòn, phá huỷ.

- Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về bao gói do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc tiêu chuẩn quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố áp dụng.

- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định về quy cách, vật liệu và các yêu cầu kiểm tra, kiểm định bao gói cho từng loại hóa chất.

3. Quy định về việc phân loại và ghi nhãn trên bao bì đựng hóa chất

Các quy định về phân loại và ghi nhãn trên bao bì đựng hóa chất được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 113/2017/NĐ-CP như sau:

- Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển. Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất. Các vật chứa, bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất phải có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định về ghi nhãn hóa chất tuân thủ Điều 6 Thông tư 32/2017/TT-BCT hướng dẫn Luật hóa chất và Nghị định hướng dẫn Luật hóa chất, sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 17/2022/TT-BCT:

+ Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất có nghĩa vụ phân loại và ghi nhãn hóa chất, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại hóa chất và thông tin thể hiện trên nhãn hóa chất.

+ Việc phân loại hóa chất được thực hiện theo quy tắc và hướng dẫn kỹ thuật của GHS từ Phiên bản 2 năm 2007 trở đi. Hướng dẫn chung và tiêu chí phân loại hóa chất theo GHS được quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.

+ Việc ghi nhãn hóa chất được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa và được hướng dẫn tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này. (khoản 4 Điều 1 Thông tư 17/2022/TT-BCT). Đối với hóa chất, ngoài các quy định chung về ghi nhãn hàng hóa, còn phải ghi các nội dung bắt buộc khác trên nhãn theo tính chất hàng hóa quy định tại Phụ lục I Nghị định 111/2021/NĐ-CP(được hướng dẫn bởi Thông tư 18/2022/TT-BKHCN)  bao gồm:

  •  Định lượng;
  • Ngày sản xuất;
  • Hạn sử dụng (nếu có);
  • Thành phần hoặc thành phần định lượng;
  •  Mã nhận dạng hóa chất (nếu có);
  •  Hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ (nếu có);
  •  Biện pháp phòng ngừa (nếu có);
  •  Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

4. Bao bì đựng hóa chất không đúng quy định bị xử phạt như thế nào?

Điều 6 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BCT 2022 Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp quy định mức xử phạt đối với các vi phạm quy định về vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh hóa chất:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không bảo quản riêng bao bì hóa chất đã qua sử dụng mà còn tiếp tục được sử dụng để bảo quản hóa chất.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật chứa, bao bì của hóa chất không đảm bảo kín, chắc chắn khi bốc, xếp vận chuyển.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra, làm sạch bao bì, vật chứa hóa chất đã qua sử dụng trước khi nạp hóa chất.

Như vậy, đối với các bao bì đựng hóa chất không đúng quy định, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Theo đó, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân thực hiện. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BCT 2022.

Bên cạnh đó,  chủ thể vi phạm phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nếu xảy ra tình trạng mất an toàn về môi trường..

III. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến bao bì đựng hóa chất

NPLaw xin giải đáp một số câu hỏi liên quan đến bao bì đựng hóa chất của quý độc giả như sau:

Quy định ghi nhãn bao bì trên hoá chất1. Bao bì hóa chất đã qua sử dụng có được bảo quản chung với bao bì chưa qua sử dụng không?

Điểm a, khoản 3, Điều 5 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định:

“... Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất....”

Như vậy, bao bì đã qua sử dụng phải được bảo quản riêng, không được bảo quản chung với bao bì chưa qua sử dụng. Đối với bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Ghi nhãn hàng hóa trên bao bì đựng hóa chất để làm gì?

Hóa chất là ngành có nhiều đặc tính riêng biệt, tùy thuộc từng loại sản phẩm sẽ có loại bao bì thích hợp để chứa đựng cũng như bảo quản. Việc ghi nhãn trên bao bì đựng hóa chất là bắt buộc theo quy định của pháp luật. 

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về ghi nhãn hàng hóa như sau:

“ Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát."

Bên cạnh đó, nhãn hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau:

“ Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa."

Như vậy, ghi nhãn hàng hóa trên bao bì hóa chất sẽ làm căn cứ để người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh và các cơ quan chức năng biết những nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa, phục vụ cho việc tiêu dùng và quản lý.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến bao bì đựng hóa chất

Có thể thấy tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu đối với bao bì đựng hóa chất theo quy định. Việc tuân thủ pháp luật về bao  bì hóa chất không những giúp cá nhân, tổ chức phát triển mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người. 

Trên đây là nội dung giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng về bao bì đựng hóa chất. Mọi thắc mắc, vui lòng liên hệ với NPLaw để được hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw 

Hotline: 0913449968 

Email: legal@nplaw.vn

 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan