Bảo hộ bí mật kinh doanh là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về điều kiện và các biện pháp bảo hộ bí mật kinh doanh?
I. BẢO HỘ BÍ MẬT KINH DOANH LÀ GÌ?
1. Bí mật kinh doanh là gì?
Theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Theo đó, bí mật kinh doanh có các đặc điểm sau:
- Là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ.
- Là thông tin chưa được bộc lộ.
- Là thông tin có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

2. Bảo hộ bí mật kinh doanh là gì?
Bảo hộ bí mật kinh doanh là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu bí mật kinh doanh khi bí mật kinh doanh đó đáp ứng các điều kiện bảo hộ và bị xâm phạm bởi chủ thể khác.
II. ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ BÍ MẬT KINH DOANH
Theo quy định tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ thì bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng không bảo hộ các thông tin sau đây là bí mật kinh doanh:
- Bí mật về nhân thân;
- Bí mật về quản lý nhà nước;
- Bí mật về quốc phòng, an ninh;
- Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
III. ĐĂNG KÝ BẢO HỘ BÍ MẬT KINH DOANH
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Quyền đối với bí mật kinh doanh không được xác lập trên cơ sở đăng ký như các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp.
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

IV. QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT KINH DOANH
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể cân nhắc lựa chọn bảo vệ bí mật kinh doanh dưới 02 hình thức là đăng ký bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế hoặc áp dụng các biện pháp bảo mật để bảo vệ dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh.
Để có sự lựa chọn phù hợp, chủ sở hữu bí mật kinh doanh cần biết ưu và nhược điểm của mỗi hình thức bảo hộ này, cụ thể như sau:
Bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế
Ưu điểm:
- Chủ sở hữu sáng chế được độc quyền khai thác và sử dụng sáng chế trong suốt thời gian bảo hộ (20 năm kể từ ngày nộp đơn).
- Khi có tranh chấp, chủ sở hữu có thể chứng minh quyền của mình một cách đơn giản bằng việc cung cấp bằng độc quyền sáng chế đã được cấp.
- Không tốn kém công sức và chi phí bảo mật.
Nhược điểm:
- Bí mật kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ sáng chế (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp).
- Sáng chế được công bố công khai và chi tiết bí quyết kỹ thuật, bất kỳ chủ thể nào trong xã hội cũng có thể dễ dàng tiếp cận được và bắt chước làm theo.
- Bằng độc quyền sáng chế chỉ có hiệu lực 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký. Hết thời hạn này, bất kỳ ai cũng được quyền khai thác và sử dụng sáng chế.
- Cần thời gian và chi phí xin cấp bằng độc quyền sáng chế và phí duy trì hàng năm.
Bảo hộ tự động dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh:
Ưu điểm:
- Được bảo hộ tự động, không cần phải thông qua thủ tục đăng ký với nhà nước.
- Vì không đăng ký nên bí mật kinh doanh không bị công khai.
- Được bảo hộ vô thời hạn cho đến khi bí mật kinh doanh bị công khai.
Nhược điểm:
- Cơ chế bảo hộ lỏng lẻo, khi xảy ra tranh chấp, chủ sở hữu bí mật kinh doanh có nghĩa vụ chứng minh thông tin đáp ứng điều kiện bảo hộ là bí mật kinh doanh.
- Chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền ngăn cấm chủ thể khác sử dụng bí mật kinh doanh do họ tạo ra một cách độc lập hoặc do phân tích ngược mà có.
- Tốn kém công sức và chi phí cho việc bảo mật bí mật kinh doanh.
V. MỤC ĐÍCH CỦA BẢO MẬT BÍ MẬT KINH DOANH
Như đã nêu ở trên, một trong những điều kiện để Nhà nước bảo hộ bí mật kinh doanh là bí mật kinh doanh phải được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp bảo mật bí mật kinh doanh nhằm các mục đích sau:
- Để ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh và các chủ thể khác trong xã hội tìm cách tiếp cận và sử dụng bí mật kinh doanh, làm mất lợi thế của chủ sở hữu bí mật kinh doanh trên thị trường.
- Để chứng minh bí mật kinh doanh đáp ứng điều kiện được bảo hộ theo quy định của pháp luật trong trường hợp có xảy ra tranh chấp.
- Để duy trì thời hạn bảo hộ đối với bí mật kinh doanh vì một khi bí mật kinh doanh bị bộc lộ thì thời hạn bảo hộ bí mật kinh doanh đó chấm dứt.
VI. BIỆN PHÁP BẢO MẬT BÍ MẬT KINH DOANH
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi tiếp cận trái phép đối với bí mật kinh doanh. Ví dụ: Bảo mật bí mật kinh doanh trong két sắt của ngân hàng hoặc tại trụ sở của công ty có lực lượng chuyên nghiệp canh gác, …
- Ban hành các quy chế, quy định về bảo mật bí mật kinh doanh và yêu cầu người lao động ký cam kết bảo mật, nếu vi phạm sẽ bị áp dụng chế tài tương ứng. Ví dụ: Ban hành quy định về một số đối tượng hạn chế được tiếp cận bí mật kinh doanh, quy trình tiếp cận bí mật kinh doanh, chế tài bồi thường trong trường hợp tiết lộ bí mật kinh doanh, …

VII. BÍ MẬT KINH DOANH ĐƯỢC BẢO HỘ VÔ THỜI HẠN KHI NÀO / TRƯỜNG HỢP?
Bí mật kinh doanh sẽ được bảo hộ vô thời hạn khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
- Chủ sở hữu bí mật kinh doanh lựa chọn bảo vệ bí mật kinh doanh theo cơ chế tự động và áp dụng các biện pháp bảo mật để bảo vệ bí mật kinh doanh đó.
- Bí mật kinh doanh chưa bị bộc lộ công khai
VIII. KHI NÀO CẦN CHẤM DỨT BẢO HỘ BÍ MẬT KINH DOANH?
Việc bảo hộ bí mật kinh doanh cần chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Chủ sở hữu mong muốn bộc lộ bí mật kinh doanh cho toàn xã hội khai thác và sử dụng, thường là vì các mục đích nhân đạo, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, …
- Bí mật kinh doanh đã bị các chủ thể khác độc lập tìm ra hoặc bị bộc lộ qua quá trình phân tích ngược.
IX. CHẤM DỨT BẢO HỘ BÍ MẬT KINH DOANH NHƯ THẾ NÀO?
Trường hợp bảo hộ tự động, bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn cho đến khi bị công khai.
Trường hợp bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế thì thời hạn bảo hộ của bí mật kinh doanh là 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn