Tinh thần là nhân tố quan trọng đối với sự sống của con người, vì vậy, đây là đối tượng được pháp luật bảo vệ. Những hành vi tác động xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, … làm cho tinh thần của con người trở nên tiêu cực có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành.
Trong xã hội hiện nay, khi mà các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển thì vấn nạn đe dọa khủng bố tinh thần cũng gia tăng, đồng thời tinh vi và phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Đối mặt với tình trạng này, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời xử lý có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều cá nhân, tổ chức, đôi khi để lại hậu quả nghiêm trọng. Để rõ hơn về thực trạng, cũng như hậu quả khi thực hiện hành vi đe dọa khủng bố tinh thần, các bạn hãy cùng NPLaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Đe dọa khủng bố tinh thần là hành vi tác động xấu đến hình ảnh, nhân phẩm, uy tín của một người nhằm mục đích trấn áp, kích động đến tinh thần của họ. Hành vi này được thực hiện dưới nhiều hình thức như gọi điện thoại hoặc nhắn tin đe dọa; gửi thư nặc danh khiến người khác sợ hãi; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín; đe dọa sẽ công khai thông tin mật, … nhằm ép buộc người khác phải thực hiện các yêu cầu của họ.
Hiện nay, thực trạng đe dọa khủng bố tinh thần đang diễn ra ở khắp nơi, nhắm đến mọi đối tượng và thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cố gắng xử lý hầu hết những hành vi đó nhưng với chiêu trò tinh vi thì cũng không thể kiểm soát và giải quyết triệt để. Đối tượng bị đe dọa khủng bố tinh thần không chỉ những học sinh, sinh viên mà giáo viên, giảng viên, công chức vẫn có thể rơi vào chiêu trò này. Chẳng hạn, thời gian gần đây, ban giám hiệu, hiệu trưởng của nhiều trường học từ mầm non đến THPT tại TP.HCM bị “khủng bố” bởi hàng trăm cuộc gọi điện thoại lạ và hình ảnh, thông tin cá nhân của họ bị tung lên mạng xã hội. Các đối tượng đứng sau những cuộc gọi này đã gây áp lực, yêu cầu giáo viên, nhân viên của trường, phụ huynh học sinh phải trả nợ dù họ không gây nợ với ai. Ngoài ra còn có các trường hợp nhắn tin đe dọa đến nhân phẩm, tính mạng vì tình yêu, vì trả thù, … Các hành động trên dù chưa tác động đến của cải, vật chất của người khác nhưng cũng đủ làm họ rơi vào tình trạng sợ hãi, lo lắng, rối loạn tâm lý ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Chính vì vậy, nhà nước ta đề cao việc nghiêm túc xử lý để chấm dứt tình trạng trên. Trong các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực hành chính và hình sự đã quy định rõ ràng về hình thức xử phạt đối với hành vi đe dọa khủng bố tinh thần.
Theo Khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, bất kỳ ai có hành vi đe dọa đến các đối tượng tác động trên nhằm khủng bố tinh thần sẽ bị xử phạt tùy mức độ theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Hành vi đe dọa khủng bố tinh thần có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nếu hành vi hội tụ đủ các yếu tố cấu thành thì có thể bị xử lý hình sự vào Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội đe dọa giết người hoặc Tội làm nhục người khác theo Bộ luật hình sự 2015.
Đối với hành vi vi phạm hành chính, theo Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cá nhân nào có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đối với hành vi vi phạm hình sự, tùy vào nội dung đe dọa và đối tượng tác động, người phạm tội có thể bị xử lý vào Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân với khung hình phạt từ 05 đến 10 năm tù theo Khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Nếu người phạm tội đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bị xử lý về Tội đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật hình sự 2015. Hoặc hành vi đe dọa khủng bố tinh thần cũng có thể phạm vào Tội làm nhục người khác nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của họ theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.
Khi hành vi đe dọa khủng bố tinh thần xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền không thể biết được ngay để lập tức giải quyết. Vì vậy, người bị đe dọa cần biết những việc phải làm để tự bảo vệ mình khi rơi vào tình huống như thế.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình và những người thân, khi bị đe dọa khủng bố tinh thần, bạn cần lưu lại các thông tin thể hiện sự vu khống, bôi nhọ nhân phẩm, đe dọa đáp ứng yêu cầu một cách vô cớ qua tin nhắn, hình ảnh, … để làm chứng cứ và tố cáo hành vi này tới cơ quan điều tra để họ xem xét, điều tra và xử lý kịp thời. Nếu không được thông báo nhanh chóng tới các cơ quan có thẩm quyền, hành vi này sẽ tiếp tục diễn ra không chỉ với bạn mà còn nhiều trường hợp khác, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần và rối loạn trật tự xã hội.
Hiện nay, các công ty luật và văn phòng luật sư làm việc khá chuyên nghiệp và uy tín để tư vấn về vấn đề đe dọa khủng bố tinh thần cho khách hàng. Trong đó, hãng luật NPLaw cũng cam kết có đội ngũ luật sư và nhân viên giàu năng lực, kinh nghiệm, đã từng tiếp cận nhiều vấn đề tương tự có thể hỗ trợ, tư vấn và tham gia bào chữa đối với vấn đề trên.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn