BÍ MẬT KINH DOANH LÀ GÌ?

Đối với một doanh nghiệp, muốn tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh cần phải có năng lực tự tạo ra hoặc tiếp nhận được các thông tin hữu ích, cần thiết để tạo ra và/hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra thị trường. Các thông tin như vậy trở thành bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và thường xuyên bị các đối thủ cạnh tranh tìm cách tiếp cận. Vậy, pháp luật Việt Nam điều chỉnh vấn đề này như thế nào?

BÍ MẬT KINH DOANH LÀ GÌ?

Theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Theo đó, bí mật kinh doanh có các đặc điểm sau:

  • Là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ.
  • Là thông tin chưa được bộc lộ.
  • Là thông tin có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

BÍ MẬT KINH DOANH LÀ GÌ?

BÍ MẬT KINH DOANH TRONG SỞ HỮU TRÍ TUỆ? BÍ MẬT KINH DOANH THUỘC ĐỐI TƯỢNG NÀO?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ thì bí mật kinh doanh là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

VÍ DỤ VỀ BÍ MẬT KINH DOANH

Ví dụ 1: Bí mật kinh doanh “Công thức đồ uống Coca-cola”

Một trong những bí mật kinh doanh nổi tiếng nhất trên thế giới chính là công thức nước uống Coca-cola. Thay vì đăng ký để được cấp bằng sáng chế, Coca-cola đã quyết định giữ bí mật về công thức này và bảo vệ nó dưới dạng bí mật kinh doanh.

Theo các thông tin được lan truyền thì các tài liệu dạng giấy mô tả công thức bí mật được giữ trong kho bảo đảm tại Ngân hàng SunTrust ở Atlanta và kho này chỉ có thể được mở khi có một Nghị quyết của Ban Giám đốc Công ty. Chính sách của Công ty là vào bất cứ thời điểm nào cũng chỉ có hai người trong Công ty biết được công thức này và chỉ những người đó mới có thể giám sát việc chuẩn bị hàng hóa trên thực tế. Danh tính của những người này được giữ kín và Công ty cũng không cho phép họ được bay trên cùng một chuyến bay.

Do quyết giữ bí mật bằng được công thức của mình mà năm 1970, Coca-Cola đành phải rút khỏi Ấn Độ - thị trường đông dân thứ nhì thế giới, chỉ vì chính quyền sở tại dùng luật ép hãng phải cung cấp công thức. 

Ví dụ 2: Bí mật kinh doanh “Thành phần hương liệu của KFC”

Cũng giống như Coca-Cola, công thức tẩm 11 loại hương liệu thảo mộc và gia vị ướp làm nên một món gà KFC đặc trưng bao nhiêu năm nay cũng chỉ có 02 giám đốc điều hành của tập đoàn thay phiên nhau nắm giữ cho đến cuối đời. Theo thông tin được lan truyền thì việc bảo mật công thức được thực hiện tại trụ sở chính của KFC ở Louisville, Kentucky. Tường và trần căn phòng bảo mật được xây bằng gạch dày 61 cm, có hệ thống camera và thiết bị phát hiện bằng cảm ứng siêu hiện đại. Nhân viên được trang bị vũ khí túc trực canh giữ 24/24 giờ.

Ví dụ 3: Bí mật kinh doanh “Công thức nước tẩy rửa WD – 40”

WD - 40 là chất tẩy rửa, dung môi và phương pháp phòng chống tẩy nhờn WD - 40 cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Tên gọi của sản phẩm này xuất phát từ thành công của cuộc thử nghiệm thứ 40 tiến hành vào năm 1953 để tìm ra sản phẩm “nước thay thế”. Không chỉ công thức thu được mà cả kết quả và cách tiến hành 39 lần thử nghiệm trước đó cũng được giấu kín. Điều này là bởi nếu đối thủ cạnh tranh chỉ biết những lần nỗ lực thất bại, họ vẫn có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm tương tự.

Hiện nay, WD-40 được sử dụng vào nhiều mục đích từ việc loại bỏ nhựa, nhựa đường và chất kết dính trên các bề mặt khác nhau đến việc làm sạch các công cụ và thiết bị.

Theo thông tin được lan truyền thì công thức tạo ra chất WD-40 được bảo mật trong một kho tiền ngân hàng trong nhiều năm qua. Để bảo vệ bí mật của công thức, công ty này đã trộn hỗn hợp tạo nên chất WD-40 tại 03 thành phố khác nhau trên toàn cầu, sau đó chuyển nó cho các đối tác sản xuất.

QUY ĐỊNH VỀ BÍ MẬT KINH DOANH

Xác lập quyền sở hữu bí mật kinh doanh

Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Quyền đối với bí mật kinh doanh không được xác lập trên cơ sở đăng ký như các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
  • Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
  • Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Pháp luật Việt Nam không bảo hộ các thông tin sau đây là bí mật kinh doanh:

  • Bí mật về nhân thân;
  • Bí mật về quản lý nhà nước;
  • Bí mật về quốc phòng, an ninh;
  • Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

Sử dụng bí mật kinh doanh

Sử dụng bí mật kinh doanh là việc thực hiện một trong các hành vi sau đây:

  • Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hóa;
  • Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.

Chỉ có chủ sở hữu bí mật kinh doanh mới có quyền sử dụng bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:

  • Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;
  • Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng;
  • Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ không nhằm mục đích thương mại. Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Trong trường hợp pháp luật có quy định người nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hóa phẩm phải cung cấp kết quả thử nghiệm hoặc bất kỳ dữ liệu nào khác là bí mật kinh doanh thu được do đầu tư công sức đáng kể và người nộp đơn có yêu cầu giữ bí mật các thông tin đó thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp cần thiết để các dữ liệu đó không bị sử dụng nhằm mục đích thương mại không lành mạnh và không bị bộc lộ, trừ trường hợp việc bộc lộ là cần thiết nhằm bảo vệ công chúng”
  • Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;
  • Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thỏa thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng (hay còn gọi là quá trình phân tích ngược)

QUY ĐỊNH VỀ BÍ MẬT KINH DOANH

XÂM PHẠM BÍ MẬT KINH DOANH LÀ GÌ?

Theo quy định tại Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó; 
  • Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
  • Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
  • Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
  • Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi nêu trên;
  • Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 của Luật Sở hữu trí tuệ. Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Trong trường hợp pháp luật có quy định người nộp đơn xin cấp phép kinh doanh, lưu hành dược phẩm, nông hóa phẩm phải cung cấp kết quả thử nghiệm hoặc bất kỳ dữ liệu nào khác là bí mật kinh doanh thu được do đầu tư công sức đáng kể và người nộp đơn có yêu cầu giữ bí mật các thông tin đó thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp cần thiết để các dữ liệu đó không bị sử dụng nhằm mục đích thương mại không lành mạnh và không bị bộc lộ, trừ trường hợp việc bộc lộ là cần thiết nhằm bảo vệ công chúng”.

Người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh bao gồm chủ sở hữu bí mật kinh doanh, người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh, người quản lý bí mật kinh doanh

CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ XÂM PHẠM BÍ MẬT KINH DOANH

Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/09/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh thì người xâm phạm bí mật kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 300 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh và/hoặc tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Khởi kiện dân sự

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh theo yêu cầu của chủ sở hữu bí mật kinh doanh, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động

Theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động thì hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động là một trong các căn cứ để xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động đang làm việc cho doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp.

CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ XÂM PHẠM BÍ MẬT KINH DOANH

CHUYỂN GIAO BÍ MẬT KINH DOANH ĐƯỢC KHÔNG? NHƯ THẾ NÀO?

Việc chuyển giao bí mật kinh doanh không thuộc các trường hợp hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ và cũng không thuộc các trường hợp hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể chuyển giao bí mật kinh doanh cho chủ thể khác.

Việc chuyển giao bí mật kinh doanh được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu bí mật kinh doanh phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng, căn cứ chuyển nhượng, giá chuyển nhượng, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng bí mật kinh doanh phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền, căn cứ chuyển giao quyền sử dụng, dạng hợp đồng, phạm vi chuyển giao (gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ), thời hạn hợp đồng, giá chuyển giao quyền sử dụng, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

TIẾT LỘ BÍ MẬT KINH DOANH SAU KHI NGHỈ VIỆC BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động quy định về hợp đồng lao động thì nếu người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

Trong trường hợp này, nếu người lao động sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp mà có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo như cam kết đã ký với doanh nghiệp.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan