Buôn bán sách giả bị xử lý như thế nào?

Sách luôn là một mặt hàng được ưa chuộng vì tri thức cung cấp dồi dào, trình bày đẹp. Lợi dụng nhu cầu đọc sách của tất cả mọi người, nhất là đối với các cuốn sách có số lượng giới hạn, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi buôn bán sách giả nhằm thu về lợi nhuận lớn. Đây là hành vi gây phương hại đến tác giả, nhà xuất bản cũng như người tiêu dùng.

Hiện nay, sách giả xuất hiện trên thị trường với số lượng không nhỏ. Vậy làm sao để nhận biết và báo cáo với cơ quan chức năng? Pháp luật có chế tài như thế nào đối với hành vi buôn bán sách giả? Quý Khách hàng hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết sau đây.

A. Cơ sở pháp lý

1. Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và 2022;

2. Nghị định số 131/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 10 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;

3. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 07 tháng 10 năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

B. Nội dung tư vấn

I. Như thế nào gọi là hành vi buôn bán sách giả?

Sách giả là các loại ấn phẩm được phát hành trái pháp luật. Sách giả không có văn bản chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giả mạo sách thật với chất lượng kém nhưng bán với giá giống như sách thật mang lại nguồn thu lớn cho các đối tượng kinh doanh sách giả.

Hiện nay, thị trường sách đang bị các đối tượng tung ra nhiều sản phẩm sách giả mạo. Những quyển sách được làm giả rất tinh vi, khó nhận biết nếu chỉ nhìn từ bên ngoài. Các đối tượng còn gắn các logo của các thương hiệu xuất bản sách nổi tiếng làm tăng độ tin cậy. Không chỉ xuất hiện tràn lan tại thị trường mua bán trực tiếp như ở vỉa hè, cửa hàng sách nhỏ lẻ mà sách giả đang được rao bán tại nhiều hội nhóm trên mạng xã hội hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Lợi nhuận thu được từ sách giả lại rất lớn, nhất là từ khi mạng xã hội và thương mại điện tử phát triển dẫn đến việc kiểm soát, quản lý khó khăn hơn. Trong khi chỉ vào một số dịp đặc biệt, các nhà phát hành sách mới giảm giá (thông thường từ 10% đến 20%) thì nhiều loại sách giả, sách lậu chạy quảng cáo "đại hạ giá" lên đến 50%, thậm chí 70% khiến cho sách thật càng khó cạnh tranh, đến được tay độc giả.

II. Buôn bán sách giả sẽ bị xử phạt như thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, số lượng ấn phẩm sách giả mạo mà tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi buôn bán sách giả sẽ bị xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền thấp nhất là 3.000.000 đồng và cao nhất là 70.000.000 đồng đối với các hành vi như: phát hành sách không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp có tùy vào số lượng đối với từng loại, bán xuất bản phẩm thuộc loại không kinh doanh, tàng trữ hoặc bán thành phẩm xuất bản phẩm không có hóa đơn chứng từ, hợp pháp tùy số lượng đối với từng loại, tàng trữ hoặc phát hành sách nhập khẩu trái phép,...

Bên cạnh đó, hành vi bán sách giả ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì còn có thể bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm hoặc đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy sách giả và nộp lại số lợi nhuận bất chính.

Ngoài ra hành vi buôn bán sách giả còn vi phạm về lĩnh vực sở hữu trí tuệ khi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan. Hành vi này có thể bị xem xét về tính chất và xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

III. Một số câu hỏi về buôn bán sách giả

Xoay quanh vấn đề buôn bán sách giả có một số câu hỏi thường gặp được NPLaw giải đáp như sau:

1. Bán sách giả trên mạng có vi phạm pháp luật không?

Buôn bán sách giả trên mạng cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật không phân biệt việc buôn bán hàng giả nói chung và sách giả nói riêng được thực hiện trực tiếp hay thông qua không gian mạng. Bản chất của việc buôn bán sách giả là cung cấp sách giả mạo, gây nhiễu loạn thị trường sách, thu lợi bất chính, xâm phạm quyền và lợi ích của tác giả, tổ chức sở hữu quyền tác giả và đặc biệt là người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dù buôn bán sách giả bằng bất kỳ phương thức nào thì sách giả cũng được đưa đến tay người tiêu dùng. Do đó, hành vi buôn bán sách giả qua mạng cũng trái pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Phân biệt sách giả và sách thật như thế nào?

Sách thật và sách giả đôi khi khó có thể phân biệt được thông qua nhìn vào bên ngoài vì mức độ làm giả chuyên nghiệp và tinh vi. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể áp dụng một số cách sau để phân biệt được sách giả:

- Cầm sách giả nhận thấy có khối lượng nhẹ, mềm, đóng sơ sài, dễ sứt trang;

- Nhận biết sách in sai khổ, ảnh bìa bị lệch, mực nhòe, chất lượng giấy kém font chữ bị lỗi;

- Quan sát kỹ tem chống giả, mã vạch không sắc nét;

- Cẩn thận với sách được bán với giá quá rẻ;...

3. Người dân có thể tố cáo hành vi buôn bán sách giả ở đâu?

Người tiêu dùng khi phát hiện hàng giả nói chung và sách giả nói riêng có thể liên hệ Tổng cục Quản lý thị trường qua hotline 0945131911 và email là hotlineTCQLTT@dms.gov.vn hoặc liên hệ với cơ quan có chức năng quản lý thị trường tại địa phương. Đây là kênh để mọi người phản ánh trực tiếp về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan