Các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng hiện nay?

Tính đến năm 2020, Việt Nam đã có hơn 98 vụ việc điều tra chống bán phá giá do nước ngoài khởi xướng, so với các vụ việc Việt Nam tự khởi xướng thì lớn hơn rất nhiều. Từ đó có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề pháp luật chống bán phá giá chưa có sự hiểu biết sâu rộng. Vậy thực trạng áp dụng pháp luật chống bán phá giá của Việt Nam hiện nay đang diễn ra như thế nào? Trong bài viết dưới đây NP Law sẽ giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc.

1. Chống bán phá giá là gì?

Bán phá giá là một khái niệm cơ bản của thương mại quốc tế, được hiểu là việc bán sản phẩm ra nước ngoài với giá thấp hơn giá thông thường của nó, mà trong hầu hết các trường hợp là giá tại thị trường nội địa của nhà xuất khẩu.

Theo đó, chống bán phá giá là một trong các biện pháp phòng vệ thương mại được nhà nước áp dụng nhằm đối phó với những ảnh hưởng xấu của các sản phẩm được bán phá giá trong thị trường. Một biện pháp thượng được áp dụng nhất là đánh thuế nhằm phá bỏ lợi thế về giá “không công bằng” của những sản phẩm này.

Trong đó, tại khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định biện pháp chống bán phá giá là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

- Thực trạng việc bán phá giá hiện nay:

Tính đến năm 2020, Việt Nam đã kháng kiện thành công 65/151 vụ điều tra về phòng vệ thương mại, chấm dứt việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm tỷ lệ 43%. Nhờ đó, nhiều loại hàng hóa xuất khẩu không còn bị áp thuế hoặc áp thuế thấp.

Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ với tổng số 34 vụ việc, Ấn Độ với 26 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ việc, Canada và Australia với lần lượt 15 và 11 vụ việc.

Những vụ kháng kiện thành công đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada…

Tính đến hết tháng 9-2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ đô la Mỹ. Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Trong cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới nhưng chỉ 9 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc).

Một số mặt hàng nhập khẩu đang bị điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá ở Việt Nam gần đây như: sản phẩm Sorbitol dạng lỏng (siro Sorbitol) với hàm lượng D-Sorbitol tính theo chất khô không nhỏ hơn 50% thuộc các mã HS 2905.44.00 và 3824.60.00 có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia (Quyết định số 3298/QĐ-BCT ); một số sản phẩm đường mía có mã HS 1701.13.00, 1701.14.00 và 1701.99.10 xuất xứ từ Thái Lan (Quyết định số 2466/QĐ-BCT);…

- Ví dụ về chống bán phá giá ở Việt Nam:

Một số các vụ kiện chống bán phá giá tiêu biểu có liên quan đến Việt Nam như: vụ kiện sợi- vụ điều tra chống bán phá giá do Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng đối với sản phẩm sợi Việt Nam(18/10/2012); vụ kiện thép cuộn không gỉ- vụ điều tra chống bán phá giá do Brasil khởi xướng 14/03/2012 nhập khẩu từ Việt Nam, Nam Phi, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Phần Lan, Đài Loan; …Trong đó không thể không kể đến vụ kiện “Tôm đông lạnh nước ấm”- Vụ giải quyết tranh chấp đầu tiên của Việt Nam tại WTO.

- Tại sao chống bán phá giá lại quan trọng:

Chống bán phá giá là cách thức do cơ quan có thẩm quyền đặt ra nhằm chống lại các hành vi bán phá giá. Khi áp dụng các biện pháp chống bán phá giá lên sản phẩm nào đó phải dựa trên các căn cứ khoa học pháp lý rõ ràng, phải phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế, vừa mang tính răn đe vừa tạo điều kiện thúc đẩy các quan hệ kinh tế lành mạnh đồng thời không làm mất đi tính lưu thông của sản phẩm đó trên thị trường.

Biện pháp này mang tính chất hành chính, không đòi hỏi nguồn lực tài chính trực tiếp từ các doanh nghiệp nội địa cũng như những trợ cấp ngân sách từ chính phủ nước nhập khẩu. Thêm vào đó, nước nhập khẩu có thể thông qua việc đánh thuế chống bán phá giá để thu được những khoản tiền nhất định, từ đó điều tiết ngược trở lại cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa bị ảnh hưởng tiêu cực do sản phẩm nhập khẩu.

2. Các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng hiện nay

Tại khoản 2 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017, các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:

(1) Áp dụng thuế chống bán phá giá

Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:

- Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;

- Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

(2) Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.

3. Các vụ kiện chống bán phá giá trên thế giới

Vụ tôm đông lạnh nước ấm (WT/DS404)

Ngày 20/1/2004 Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Việc điều tra được tiến hành đối với 3 doanh nghiệp bị đơn có lượng xuất khẩu lớn nhất (bao gồm: Minh Phú, Minh Hải và Camimex – gọi là bị đơn bắt buộc). Tháng 2/2005, DOC chính thức áp thuế chống bán phá giá với các thuế suất: “(i)từ 4,3% đến 5,24% đối với từng bị đơn bắt buộc; (ii) mức 4,57% (là mức bình quân gia quyền của thuế suất áp dụng cho 3 bị đơn bắt buộc) đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn điều tra; và (iii) mức thuế suất toàn quốc 25,76% cho tất cả các doanh nghiệp còn lại”[20]. Theo nội luật Hoa Kỳ về chống bán phá giá, sau tròn mỗi năm kể từ ngày lệnh áp thuế chống bán phá giá của DOC được ban hành, DOC sẽ tiến hành rà soát hành chính để xét lại mức thuế chính thức mà mình đã áp đối với khoảng thời gian 1 năm liền trước đó. Theo đó, tính tới thời điểm tháng 2/2010 (thời điểm Việt Nam đệ đơn yêu cầu tham vấn Hoa Kỳ), DOC đã tiến hành 3 cuộc rà soát hành chính (POR) (bên nguyên đơn đã không yêu cầu rà soát hành chính năm đầu tiên sau khi đã thống nhất với phía Việt Nam). Tuy nhiên, vào thời điểm đó mới chỉ có kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ hai và lần thứ ba.Ngày 11/7, WTO đã ra phán quyết, theo đó, Mỹ đã xâm phạm luật thương mại toàn cầu khi tính toán thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. WTO cho rằng Mỹ đã hành động thiếu nhất quán với những điều khoản của Thỏa thuận chống bán phá giá và Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch. Do đó, phán quyết công bố Mỹ đã  thực hiện trái với quy định của WTO (thua kiện) ở 2/3 vấn đề chính mà Việt Nam đưa ra trước Ban hội thẩm. Hai vấn đề này liên quan đến việc Mỹ áp dụng phương pháp quy về không trong khi tính biên độ phá giá trong các đợt rà soát hành chính lần thứ 2 và 3 và việc Mỹ áp đặt thuế suất toàn quốc. Tuy nhiên, về việc Mỹ hạn chế số lượng các công ty được điều tra riêng lẻ thì Ban hội thẩm kết luận Bộ Thương mại Mỹ không trái với quy định của WTO. Về nội dung “tiếp tục hành vi bị khiếu kiện” Ban hội thẩm đã không xem xét nội dung này với lý do không nằm trong phạm vi thẩm quyền. Phán quyết nói trên đã được chính thức thông qua tại cuộc họp của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) vào ngày 2/9/2011.

4. Cơ quan nào phụ trách kiểm soát và nhận khiếu nại về các trường hợp chống bán phá giá

4.1. Nếu bán phá giá thì có bị xử lý gì không? Phạt như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định áp dụng biện pháp chống bán phá giá như sau:

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là không quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực. Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa tương tự vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá 60 ngày.

Như vậy, thẩm quyền áp dụng biện pháp chống bán phá giá thuộc Bộ trưởng Bộ Công thương.

4.2. Nếu bán phá giá thì có bị xử lý gì không? Phạt như thế nào?

Căn cứ Điều 8 và Điều 9 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định một số hành vi lạm dụng như sau:

- Phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc từng doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường đối với một trong các hành vi vi phạm tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định 75/2019/NĐ-CP

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;

+ Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

- Phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp có vị trí độc quyền đối với một trong các hành vi lạm dụng sau đây:

+ Các hành vi quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 8 của Nghị định này;    

+ Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng;

+ Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;

+ Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí độc quyền;

+ Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;

+ Buộc khôi phục các điều kiện phát triển kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở;

+ Buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng;

+ Buộc khôi phục lại các điều khoản hợp đồng, hợp đồng đã thay đổi hoặc hủy bỏ mà không có lý do chính đáng.

Như vậy, hành vi bán phá giá có thể xem là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc hành vi lạm dụng vị trí độc quyền. Tùy từng trường sẽ có chế tài cụ thể khác nhau.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan