Hiện nay, mẫu hợp đồng thuê nhà ở cá nhân được sử dụng phổ biến bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại cho cá nhân. Vậy hợp đồng thuê nhà ở cá nhân là gì? Hợp đồng thuê nhà ở cá nhân chi tiết gồm những nội dung nào? Hãy cùng NPlaw tìm hiểu thông qua các nội dung dưới đây.
Hiện nay, việc thuê nhà ở ngày càng phổ biến hơn bao giờ hết đặc biệt là ở các thành phố lớn. Với nền kinh tế thị trường phát triển kèm theo đó là mở rộng thị trường việc làm giúp thu hút lượng lớn người lao động, công nhân từ các nơi do đó dẫn đến về nhu cầu nhà ở cho người lao động trở nên cần thiết. Trong đó, một trong các hình thức phổ biến mà người lao động lựa chọn đó chính là việc thuê nhà ở bởi chi phí thấp và thuận tiện. Số lượng hợp đồng thuê nhà ở cá nhân được ký kết tăng qua các năm.
Bên cạnh những lợi ích mà hợp đồng thuê nhà ở cá nhân mang lại thì vẫn còn tồn tại một số bất cập liên quan đến việc thực hiện hợp đồng như tăng giá thuê, mua bán hợp đồng thuê,... Do đó, cá nhân khi ký kết hợp đồng thuê nhà ở cá nhân cần phải lưu ý các điều khoản trong hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Hợp đồng thuê nhà ở cá nhân là một trong các hình thức của hợp đồng thuê tài sản theo quy định của pháp luật. Do đó, các bên trong hợp đồng thuê nhà ở cá nhân có trách nhiệm thanh toán và cho thuê nhà trong thời hạn nhất định theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Như vậy, hợp đồng thuê nhà ở cá nhân là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho thuê nhà giao nhà cho bên thuê sử dụng trong một thời gian nhất định và bên thuê phải có nghĩa vụ thanh toán chi phí thuê nhà cho bên cho thuê.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2023 thì cá nhân đáp ứng đủ điều kiện được xem là một trong các chủ thể trong hợp đồng thuê nhà ở. Bên cạnh đó, tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023 cũng quy định hợp đồng thuê nhà ở do các bên thỏa thuận và phải lập thành văn bản. Như vậy, đối với chủ thể là cá nhân thuê nhà cần phải ký hợp đồng và hình thức của hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023 quy định các nội dung của hợp đồng thuê nhà ở cá nhân gồm:
- Họ và tên của cá nhân và địa chỉ của các bên;
- Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.
- Giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
- Thời hạn và phương thức thanh toán tiền cho thuê nhà ở;
- Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho thuê;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Cam kết của các bên;
- Thỏa thuận khác;
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên.
Trong các nội dung trên, nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên được xem là điều khoản quan trọng trong hợp đồng thuê nhà ở cá nhân. Thông qua việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình giúp cho các chủ thể trong hợp đồng thực hiện đúng theo những gì đã cam kết, tránh được các tranh chấp phát sinh trong khi thực hiện hợp đồng thuê nhà ở do vi phạm quyền và nghĩa vụ làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên còn lại.
NPlaw xin phép giải đáp một số câu hỏi có liên quan về hợp đồng thuê nhà ở cá nhân dưới đây.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 có quy định như sau: “Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu”. Như vậy, hợp đồng thuê nhà ở cá nhân không bắt buộc phải công chứng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận công chứng hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 161 Luật Nhà ở 2023 thì chủ thể tham gia vào giao dịch nhà ở phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Chính vì vậy, khi ký kết hợp đồng thuê nhà ở thì phải có cả chữ ký của cả hai vợ chồng.
Căn cứ tại Điều 160 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch thì nhà đang thế chấp tại ngân hàng không thuộc các trư ờng hợp không được phép giao dịch và vẫn được phép cho thuê nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên thế chấp được cho thuê tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê biết về việc tài sản cho thuê đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết. Như vậy, nhà đang thế chấp tại ngân hàng thì vẫn được cho thuê nhưng bên cho thuê phải thông báo đồng thời cho bên thuê và ngân hàng nhận thế chấp biết.
Trên đây là một số nội dung có liên quan đến hợp đồng thuê nhà ở cá nhân mà NPLaw đã phân tích cụ thể. Ngoài ra, nếu bạn có thắc mắc về một trong số các nội dung trên thì có thể liên hệ ngay với NPLaw để kịp thời được giải đáp. Với đội ngũ luật sư có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm trong nghề thì chúng tôi cam đoan rằng sẽ giải quyết tất cả các thắc mắc của bạn và sẽ hỗ trợ bạn trong việc giải quyết các vấn đề về hợp đồng thuê nhà ở cá nhân. Xin chân thành cảm ơn!
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn