CẦN LƯU Ý GÌ KHI MUỐN KHAI THÁC CÁT Ở SÔNG?

Tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện quản lý. Do đó, ngày nay việc khai thác khoáng sản, tài nguyên đã không còn là điều xa lạ đối với người dân khi có nhu cầu sử dụng, kinh doanh,... Cát ở sông cũng không là ngoại lệ. Việc khai thác tài nguyên nói chung và khai thác cát ở sông nói riêng cần tuân theo một số quy định nhất định. Tuy tài nguyên cát cũng thuộc sở hữu toàn dân nhưng không có nghĩa ai cũng có quyền khai thác vô hạn mà không có trách nhiệm hoặc không đặt dưới sự quản lý của một chủ thể nào đó. Vậy pháp luật có những quy định gì đối với việc khai thác cát ở sông? Quý Khách hàng hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây. 

A. Cơ sở pháp lý

1. Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2018 (sau đây gọi là Luật Khoáng sản 2010);

2. Nghị định 23/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 02 năm 2020 Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (sau đây gọi là Nghị định 23/2020/NĐ-CP);

3. Nghị định số 158/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2016 Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Khoáng sản (sau đây gọi là Nghị định 158/2016/NĐ-CP);

4. Nghị định 36/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 3 năm 2020 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (sau đây gọi là Nghị định 36/2020/NĐ-CP);

5. Nghị định 04/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 06 tháng 01 năm 2022 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ (sau đây gọi là Nghị định 04/2022/NĐ-CP).

B. Nội dung tư vấn

I. Khai thác cát ở sông có cần giấy phép không?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 định nghĩa khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.                                                                                                          Chiếu theo định nghĩa trên, cát ở sông cũng là một loại khoáng sản. Do đó, theo quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản 2010 thì muốn khai thác khoáng sản cần được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

  • Giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia;
  • Không chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho nhiều tổ chức, cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ.

II. Quyền và nghĩa vụ của chủ thể khai thác cát ở sông

Chủ thể khai thác cát ở sông khi đã được cấp phép sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 55 Luật Khoáng sản 2010 như sau:

1. Quyền của chủ thể khai thác cát ở sông

Chủ thể được phép khai thác cát ở sông sẽ có một số quyền sau:

  • Sử dụng thông tin về cát liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được phép khai thác;
  • Tiến hành khai thác cát theo Giấy phép khai thác khoáng sản;
  • Được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép khai thác, nhưng phải thông báo khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi thực hiện;
  • Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu cát đã khai thác theo quy định của pháp luật;
  • Đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác cát;
  • Chuyển nhượng quyền khai thác cát;
  • Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt; 

2. Nghĩa vụ của chủ thể khai thác cát ở sông

Đi kèm quyền lợi, chủ thể khai thác cát ở sông phải thực hiện những nghĩa vụ sau:

  • Nộp tiền cấp quyền khai thác cát, lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật;
  • Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ;
  • Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;

  • Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường;
  • Thu thập, lưu giữ thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng cát và khai thác cát;
  • Báo cáo kết quả khai thác cát cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  • Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác cát gây ra;
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học được Nhà nước cho phép trong khu vực khai thác cát;
  • Đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực;

III. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác cát ở sông

Về việc cấp Giấy phép khai thác cát ở sông cần tuân theo điều kiện về hồ sơ và quy trình thực hiện thủ tục quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP như sau:

1. Hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác cát ở sông

Hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác cát ở sông chính là hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản được sử dụng cho việc khai thác mọi loại khoáng sản trong đó có cát ở sông, gồm một số tài liệu như sau:

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản;

(2) Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản;

(3) Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt;

(4) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu của:

  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Đối với doanh nghiệp thành lập trên 01 năm tính đến ngày nộp hồ sơ phải có bản sao Báo cáo tài chính của năm gần nhất);
  • Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Văn bản xác nhận trúng đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đã có kết quả thăm dò;
  • Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo quyết định phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
  • Quyết định chủ trương đầu tư (đối với trường hợp nhà đầu tư trong nước), Giấy đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài);
  • Các văn bản chứng minh vốn chủ sở hữu.  

2. Quy trình thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác cát ở sông

Thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác cát ở sông gồm các bước:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp 01 bộ hồ sơ gồm các tài liệu như trên đến cơ quan có thẩm quyền;

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ:

Trong thời gian không quá 05 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra văn bản, tài liệu có trong hồ sơ. Trường hợp văn bản, tài liệu trong hồ sơ bảo đảm đúng theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đề nghị khai thác khoáng sản chưa đầy đủ văn bản, tài liệu theo quy định hoặc đủ nhưng nội dung văn bản, tài liệu trong hồ sơ chưa bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị chủ thể nộp hồ sơ bổ sung, điều chỉnh, giải trình theo quy định pháp luật.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ:

(1) Trong thời gian không quá 25 ngày, kể từ ngày có phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hoàn thành việc kiểm tra tọa độ, diện tích khu vực đề nghị khai thác khoáng sản và kiểm tra thực địa; Trường hợp phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì thực hiện như sau:

  • Trong thời gian không quá 06 ngày, kể từ ngày hoàn thành công việc kiểm tra, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản lấy ý kiến đến các cơ quan có liên quan về việc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản
  • Trong thời gian không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề liên quan. Sau thời hạn nêu trên mà không có văn bản trả lời thì được coi như cơ quan được lấy ý kiến đã đồng ý. Thời gian lấy ý kiến đến các cơ quan có liên quan không tính vào thời gian thẩm định;

 (2) Trong thời gian không quá 40 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ và các nội dung khác có liên quan đến việc khai thác khoáng sản và xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Bước 4: Trình hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản:

(1) Trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hoàn chỉnh và trình hồ sơ cấp phép cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép;

(2) Trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép quyết định việc cấp hoặc không cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Trong trường hợp không cấp phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 5: Thông báo và trả kết quả hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản:

Trong thời gian không quá 07 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ từ cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định. Thời gian nêu trên không kể thời gian tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm thủ tục nộp tiền cấp quyền khai thác lần đầu.                                                                                            Như vậy, doanh nghiệp có đầy đủ năng lực tài chính, năng lực chuyên môn và đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật khoáng sản có thể chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác cát. Tùy vào mục đích và quy mô khai thác sẽ được thực hiện tại Sở Tài Nguyên Môi trường nơi có dự án hoặc tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian thực hiện thủ tục không quá 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

IV. Giải đáp thắc mắc về khai thác cát ở sông

Xoay quanh nội dung về vấn đề khai thác cát ở sông có một số câu hỏi thường gặp như sau:

1. Cát, sỏi khai thác ở sông là khoáng sản hay vật liệu xây dựng?

Cát, sỏi được hình thành từ tự nhiên, được con người khai thác để làm nên vật liệu xây dựng. Cát, sỏi có đủ yếu tố để xác định là khoáng sản đó là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. Sau khi được khai thác, cát, sỏi mới được xem là vật liệu xây dựng khi phục vụ quá trình xây dựng cơ sở vật chất theo nhu cầu của con người.  

2. Khai thác cát ở sông trái phép bị xử phạt hành chính như thế nào?

Căn cứ Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP), quy định về vi phạm khai thác cát trái phép, sỏi lòng sông, suối hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau:

Phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau:

  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10m3;
  • Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10m3 đến dưới 20m3;
  • Từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20m3 đến dưới 30m3;
  • Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 30m3 đến dưới 40m3;
  • Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40m3 đến dưới 50m3;
  • Từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50m3 trở lên.

Về hình thức xử phạt bổ sung theo khoản 2 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) đó là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng (kể cả phương tiện khai thác trực tiếp và phương tiện tham gia gián tiếp) để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Về biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 3 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) bao gồm:

  • Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm nêu trên;
  • Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
  • Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

Lưu ý: Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP), quy định mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Khai thác cát ở lòng sông phải đáp ứng những yêu cầu gì?

Theo Điều 15, Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông phải đáp ứng các yêu cầu sau:

(1) Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi ở lòng sông:

  • Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quyết định;

  • Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quyết định;
  • Trường hợp đoạn sông ở khu vực trung du, miền núi bị bồi, lắng theo mùa, căn cứ diễn biến của tình hình bồi, lắng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quyết định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, bảo đảm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ sạt, lở bờ, bãi sông.

(2) Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi trên bãi sông:

  • Cao độ đáy khu vực khai thác không vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác, trừ trường hợp kết hợp với việc khơi thông dòng chảy, tăng cường khả năng thoát lũ của đoạn sông;
  • Trường hợp đối với bãi nổi bán ngập, bãi hình thành theo mùa, bãi mới hình thành thì căn cứ tình hình thực thực tế, yêu cầu về phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quyết định cụ thể về phạm vi, độ sâu khu vực khai thác.

(3) Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực khai thác, thì phải tạm dừng việc khai thác, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan