CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ VỀ CỬA THOÁT HIỂM TRONG NHÀ XƯỞNG?

Nhiều vụ tai nạn, sự cố cháy, nổ gây thiệt hại lớn tại các chung cư, nhà xưởng,... mà nguyên nhân là do cửa và lối thoát hiểm không được bố trí hợp lý đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc thiết kế cửa thoát hiểm của các công trình. Để phát huy tối đa vai trò thì việc bố trí cửa thoát hiểm trong nhà xưởng cần nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tìm hiểu quy định về cửa thoát hiểm trong nhà xưởng cùng NPLaw

Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về cửa thoát hiểm trong nhà xưởng? Các tiêu chuẩn hoặc các chế tài đối với các hành vi vi phạm về quy định cửa thoát hiểm là gì? Quý Khách hàng hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết sau đây.

A. Cơ sở pháp lý

1. Nghị định 144/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2021 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;

2. Nghị định số 136/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2020 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy;

3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021.

B. Nội dung tư vấn

I. Vai trò của cửa thoát hiểm trong nhà xưởng

Cửa thoát hiểm là lối ra chuyên dụng, được thiết kế là khu vực dùng để thoát ra khỏi công trình khi có sự cố như cháy, nổ. Cửa thoát hiểm thường được bố trí cạnh cầu thang máy và là một bộ phận của cầu thang bộ. Cửa thoát hiểm có thể dẫn ra lối thoát bằng thang bộ bên trong hoặc bên ngoài tòa nhà.Vai trò của cửa thoát hiểm nói chung và trong nhà xưởng nói riêng như sau:

  • Trường hợp trong điều kiện bình thường, cửa thoát hiểm có vai trò như một sự ngăn cách giữa các bộ phận của tòa nhà, có thể được lựa chọn như một lối đi thông thường (nếu muốn);
  • Trường hợp xảy ra các sự cố, cửa thoát hiểm sẽ dẫn ra lối thoát cho toàn bộ con người đang làm việc tại nhà xưởng. Với thiết kế riêng biệt và thông thoáng, lối thoát hiểm này giúp con người không bị ảnh hưởng bởi lửa, khí độc,...

Không chỉ là dẫn ra lối thoát của những người bên trong công trình mà cửa thoát hiểm là nơi lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tiếp cận sự cố và làm nhiệm vụ.

  • Cửa được thiết kế tự động đóng giúp cô lập đám cháy, ngăn lửa và khói lan ra lối thoát hiểm, tạo điều kiện cho người trong công trình thoát ra ngoài.

II. Quy định về đóng, mở cửa thoát hiểm trong nhà xưởng

Việc đóng, mở cửa thoát hiểm tại nhà xưởng cần chú ý một số điều như sau:

  • Các cửa của các lối thoát hiểm từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Trong một số loại nhà đặc biệt, cửa phải được trang bị có chất liệu kính cường lực hoặc cửa đặc;
  • Các cửa thoát hiểm từ các gian phòng hay các hành lang được bảo vệ chống khói cưỡng bức phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự động đóng khi có cháy và khe cửa phải được chèn kín;
  • Đối với các buồng thang bộ, các cửa thoát hiểm thuộc bộ phận này phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài cho phép không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa. Các cửa thoát hiểm phải là loại phù hợp với bậc chịu lửa của công trình.

III. Các tiêu chuẩn của cửa thoát hiểm trong nhà xưởng

Một số tiêu chuẩn cơ bản về cửa thoát hiểm trong nhà xưởng được quy định như sau:

Các cửa của lối ra thoát nạn và các cửa khác trên đường thoát nạn (cửa thoát hiểm) phải được mở theo chiều lối thoát từ trong nhà ra ngoài.

Không quy định chiều mở của các cửa đối với:

  • Các gian phòng nhóm F1.3 và F1.4;
  • Các gian phòng có mặt đồng thời không quá 15 người, ngoại trừ các gian phòng hạng A hoặc B;
  • Các phòng kho có diện tích không lớn hơn 200m2 và không có chỗ cho người làm việc thường xuyên;
  • Các buồng vệ sinh;
  • Các lối ra dẫn vào các chiếu thang của các cầu thang bộ loại 3.

Khoảng cách xa nhất từ chỗ làm việc đến cửa thoát hiểm tại khu sản xuất trong nhà xưởng tùy thuộc vào loại nhà, mức độ chịu lửa mà dao động từ 10m đến 100m;

Số cửa thoát hiểm tương ứng với số lối thoát nạn. Số lối ra thoát nạn từ một tầng không được ít hơn hai nếu tầng này có gian phòng với yêu cầu số lối ra thoát nạn không ít hơn hai;Các cửa cho phép quay trở lại phía trong nhà phải được đánh dấu trên mặt cửa phía trong buồng thang bằng dòng chữ “CỬA CÓ THỂ ĐI VÀO TRONG NHÀ” với chiều cao các chữ ít nhất là 50mm, chiều cao bố trí không thấp hơn 1,2m và không cao hơn 1,8m;

Các cửa không cho phép quay trở lại phía trong nhà phải có thông báo trên mặt cửa phía trong buồng thang để nhận biết được vị trí của cửa quay trở lại phía trong nhà hoặc lối ra thoát nạn gần nhất theo từng hướng di chuyển.

IV. Vi phạm các quy định về cửa thoát hiểm trong nhà xưởng bị xử lý như thế nào?

Các hành vi vi phạm về quy định cửa thoát hiểm nói chung và trong nhà xưởng nói riêng sẽ bị xử phạt hành chính thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 25.000.000 đồng. Một số hành vi vi phạm thường gặp như sau:

  • Lắp đặt cửa thoát hiểm không mở theo chiều thoát nạn;
  • Bố trí, sắp xếp các vật dụng làm cản trở mở cửa thoát hiểm;
  • Cửa thoát hiểm không đạt tiêu chuẩn về vị trí, kích thước, chất liệu,...;
  • Làm mất tác dụng của cửa thoát hiểm,...

Trường hợp vì vi phạm các quy định về cửa thoát hiểm mà khi có cháy, nổ gây thiệt hại về người, tài sản thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả gây ra,... mà người thực hiện hành vi có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù thấp nhất là 02 năm và cao nhất là 12 năm theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

V. Giải đáp một số thắc mắc về cửa thoát hiểm trong nhà xưởng

Xoay quanh vấn đề về cửa thoát hiểm trong nhà xưởng có một số câu hỏi được NPLaw giải đáp như sau:

1. Chặn cửa thoát hiểm có bị xử phạt không?

Người thực hiện hành vi chặn, chèn, khóa cửa thoát hiểm có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Nếu hành vi này gây ra các hậu quả là làm chết người hoặc gây thiệt hại về tài sản thì tùy mức độ của hành vi và hậu quả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng.

2. Có thể đình chỉ hoạt động của nhà xưởng không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy không?

Câu trả lời là có. Tuy nhiên, việc đình chỉ hoạt động nhà xưởng chỉ diễn ra khi trước đó nhà xưởng đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động nhưng không khắc phục lý do tạm đình chỉ. Một số trường hợp tạm đình chỉ hoạt động của nhà xưởng khi không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy có thể kể đến là:

  • Trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ (sau đây gọi là nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ);
  • Vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện như làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản;
  • Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng một số quy định khác về phòng cháy và chữa cháy.

3. Khi xảy ra sự cố liên quan đến cửa thoát hiểm trong nhà xưởng dẫn đến chết người thì nhà xưởng có bị phạt không? Ai là người chịu trách nhiệm?

Khi xảy ra sự cố liên quan đến cửa thoát hiểm trong nhà xưởng dẫn đến chết người thì chủ nhà xưởng và người có hành vi gây ra sự cố ảnh hưởng trực tiếp đến cửa thoát hiểm dẫn đến hậu quả đáng tiếc phải chịu trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự.

VI. Dịch vụ tư vấn các vấn đề pháp lý cho nhà xưởng

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) hiện có cung cấp dịch vụ pháp lý nói chung và tư vấn về vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy cho nhà xưởng nói riêng. Xét thấy đây là một vấn đề cần được dành sư quan tâm lớn nhằm phòng tránh các sự cố về cháy, nổ đáng tiếc có thể xảy ra. Quý Khách hàng có mong muốn được nghe tư vấn cũng như được Luật sư hướng dẫn giải quyết các vụ việc có liên quan đến nội dung này vui lòng liên hệ với NPLaw để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các quy định pháp luật cụ thể. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về cửa thoát hiểm trong nhà xưởng. Đây là bộ phận quan trọng đối với tất cả các công trình xây dựng nói chung và nhà xưởng nói riêng. Do đó, các chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà xưởng cần chú ý thực hiện nghiêm túc nhằm tránh các thiệt hại đáng tiếc. Trong trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn và hướng dẫn giải quyết. Trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan