Chủ tịch Hội đồng thành viên là một trong những chức danh quan trọng, xuất hiện tại loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hợp danh. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ đồng hành cùng Quý bạn đọc tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đứng đầu Hội đồng thành viên và đại diện cho Hội đồng thành viên thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Chưa xét đến các quy định chi tiết tại Điều lệ của từng doanh nghiệp, trên cơ sở quy định pháp luật, Chủ tịch Hội đồng thành viên giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hành Hội đồng thành viên cũng như điều hành, quản lý doanh nghiệp. Thông thường, Chủ tịch Hội đồng thành viên đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ có thời hạn. Điều này là cơ sở đảm bảo đánh giá được quá trình hoạt động của Chủ tịch hội đồng thành viên nhằm có những can thiệp, thay đổi kịp thời.
Chủ tịch Hội đồng thành viên là chức danh xuất hiện tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nếu lựa chọn cơ cấu tổ chức có Hội đồng thành viên.
Nhìn chung, chủ tịch Hội đồng thành viên là người do Hội đồng thành viên bầu, đại diện Hội đồng thành viên ký kết các văn bản, quyết định trong thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Chủ tịch Hội đồng thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành công ty và đưa ra những định hướng chiến lược, quyết định chủ chốt của công ty.
Khoản 2 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020 về Chủ tịch Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
“2. Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên;
b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên;
c) Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên;
d) Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
đ) Thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
e) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.
Khoản 2 Điều 95 quy định về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như sau:
“2. Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng quý và hằng năm của Hội đồng thành viên;
b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;
c) Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thành viên;
d) Tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và nghị quyết Hội đồng thành viên;
đ) Tổ chức giám sát, trực tiếp giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của công ty, kết quả quản lý, điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
e) Tổ chức công bố, công khai thông tin về công ty theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực và tính hệ thống của thông tin được công bố”.
Khoản 4 Điều 184 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong Công ty hợp danh như sau:
“4. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nghĩa vụ sau đây:
a) Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh;
b) Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
c) Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh;
d) Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật;
đ) Đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
e) Nghĩa vụ khác do Điều lệ công ty quy định”.
Như vậy, quyền và nghĩa vụ của chủ tịch Hội đồng thành viên ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau không có sự khác biệt quá lớn nhưng đã được quy định riêng một cách rõ ràng và chi tiết như trên.
Khoản 1 Điều 71 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như sau:
“1. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên của công ty có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;
b) Trung thành với lợi ích của công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối;
d) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”.
Điều 97 quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như sau:
“1. Tuân thủ Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty và quy định của pháp luật.
2. Thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm tối đa lợi ích hợp pháp của công ty và Nhà nước.
3. Trung thành với lợi ích của công ty và Nhà nước; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
4. Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo này được tập hợp và lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
5. Chấp hành nghị quyết Hội đồng thành viên.
6. Chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng danh nghĩa công ty thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
b) Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác;
c) Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn khi nguy cơ rủi ro tài chính có thể xảy ra đối với công ty.
7. Trường hợp thành viên Hội đồng thành viên phát hiện có thành viên Hội đồng thành viên khác có hành vi vi phạm trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao thì có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với cơ quan đại diện chủ sở hữu; yêu cầu thành viên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả”.
Như vậy, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, trách nhiệm của chủ tịch Hội đồng thành viên cũng được quy định khác nhau.
Trong trường hợp có sự thay đổi chủ tịch hội đồng thành viên, doanh nghiệp cần tiến hành bổ nhiệm lại chủ tịch Hội đồng thành viên. Các trường hợp bổ nhiệm lại chủ tịch Hội đồng thành viên cụ thể như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 của Luật Doanh nghiệp 2020, chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên có thể bị miễn nhiệm trong nhiều trường hợp khác nhau, bao gồm: không đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 93 Luật này; có đơn xin từ chức và được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận bằng văn bản; có quyết định điều chuyển, bố trí công việc khác hoặc nghỉ hưu; không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao; không đủ sức khỏe hoặc uy tín để giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên.
Điều 94 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ việc cách chức Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên trong các trường hợp theo khoản 2:
- Công ty không đạt được các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, không đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu mà không thể giải thích được lý do khách quan hoặc giải thích được lý do nhưng không được chấp thuận bởi cơ quan đại diện chủ sở hữu;
- Bị kết án và có bản án của Tòa án, hoặc có quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp lý;
- Không trung thực trong thực hiện quyền và nghĩa vụ hoặc lạm dụng địa vị và chức vụ, sử dụng tài sản của công ty để đạt lợi ích riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác; cung cấp thông tin không trung thực về tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Sau khi Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng thành viên bị miễn nhiệm hoặc bị cách chức, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ xem xét và quyết định bổ nhiệm người khác để thay thế trong vòng 60 ngày kể từ ngày quyết định miễn nhiệm hoặc cách chức được đưa ra.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54, khoản 1 Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ tịch Hội đồng thành viên là đối tượng bắt buộc cần có trong cơ cấu tổ chức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty hợp danh.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc có chủ tịch Hội đồng thành viên hay không không phải yếu tố bắt buộc mà phụ thuộc vào lựa chọn cơ cấu tổ chức của công ty:
“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”.
Như vậy, tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức công ty, chủ tịch Hội đồng thành viên có thể bắt buộc có hoặc không.
Căn cứ theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ tịch Hội đồng thành viên.
Mặt khác, căn cứ theo điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị định số 159/2020/NĐ-CP thì chủ tịch Hội đồng thành viên là người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tức là người quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 159/2020/NĐ-CP quy định về người quản lý doanh nghiệp nhà nước như sau:
“1. Việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của người quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:
a) Thành viên Hội đồng thành viên không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp mình, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
b) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kế toán trưởng không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp khác; Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp mình nhưng không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp khác;
c) Trừ Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên có thể kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp mình hoặc doanh nghiệp khác không phải là doanh nghiệp thành viên theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu;
d) Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc được kiêm nhiệm các chức danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty ở doanh nghiệp thành viên, nhưng không quá 03;
đ) Người quản lý doanh nghiệp nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức.”
Như vậy, chủ tịch Hội đồng thành viên là một trong những người quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước.
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2020 thì việc ký và chấm dứt hợp đồng lao động với Tổng giám đốc công ty TNHH 2 thành viên thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên.
“2. Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
...
đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;”
Như vậy, chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH 2 thành viên không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Tổng Giám đốc mà Hội đồng thành viên mới là chủ thể có thẩm quyền này.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định về Chủ tịch Hội đồng thành viên của Quý Khách hàng, Hãng Luật NPLaw sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về Chủ tịch Hội đồng thành viên. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thủ tục pháp lý của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn