Ngày nay, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, để ngăn chặn và quản lý tốt vấn đề này, các cơ quan ban ngành đã ban hành các bộ quy chuẩn quốc gia để đánh giá chất lượng sản phẩm. Chứng nhận hợp quy cho hàng hóa là một bước bắt buộc của một số loại sản phẩm nhất định. Doanh nghiệp cần lưu ý để thực hiện đúng quy định pháp luật.
Các quy chuẩn cho sản phẩm được các cơ quan chức năng ban hành nhằm góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc việc đăng ký chứng nhận hợp quy cho hàng hóa để càng tăng thêm uy tín cho sản phẩm của mình. Vậy việc chứng nhận này được thực hiện như thế nào? Quý Khách hàng hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
2. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006;
3. Nghị định 132/2008/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
4. Nghị định số 74/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 5 năm 2018 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
5. Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 12 tháng 12 năm 2012 Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
6. Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN của của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 31 tháng 3 năm 2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận một đối tượng hoạt động trong lĩnh vực có quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với các quy chuẩn đó. Một khi lĩnh vực có quy chuẩn kỹ thuật nghĩa là đối tượng bắt buộc phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật bao gồm:
- Sản phẩm, hàng hoá;
- Dịch vụ;
- Quá trình;
- Môi trường;
- Các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội.
Tùy vào loại của đối tượng cần đánh giá, hiện nay có 8 phương thức để đánh giá chứng nhận hợp quy.
Như đã đề cập, chứng nhận hợp quy là bắt buộc đối với các lĩnh vực đã được ban hành và áp dụng các quy chuẩn về kỹ thuật, chất lượng. Doanh nghiệp cần phải thực hiện chứng nhận hợp quy cho hàng hóa vì:
- Thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật đối với một trách nhiệm bắt buộc;
- Khẳng định chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp, đáp ứng các quy chuẩn để có thể lưu hành trên thị trường;
- Nâng cao uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp trên thị trường;
- Góp phần tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, ổn định thị trường và thể hiện sự tôn trọng với quyền lợi của người tiêu dùng.
Giấy chứng nhận hợp quy cho hàng hóa gồm một số nội dung chính được thể hiện bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc song ngữ như sau:
1. Tên Giấy chứng nhận;
2. Đối tượng được đánh giá đạt chứng nhận hợp quy;
3. Doanh nghiệp sản xuất/cung cấp đối tượng được đánh giá;
4. Nội dung đánh giá bao gồm: chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật nào, phương thức chứng nhận, cơ sở pháp lý;
5. Một số thông tin về số, thời hạn có giá trị của Giấy chứng nhận;
6. Chữ ký xác nhận của Hội đồng chứng nhận.
Thủ tục đăng ký hợp quy cho hàng hóa được thực hiện theo các nội dung dưới đây:
- 01 Bản công bố hợp quy theo mẫu;
* Đối với trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân:
- Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau:
+ Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax;
+ Tên sản phẩm, hàng hóa; + Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật;
+ Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật;
+ Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.
* Đối với trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định: Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng kèm theo mẫu dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân.
- Thủ tục đăng ký chứng nhận hợp quy cho hàng hóa được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân chuẩn bị và nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền;
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền nhận và xử lý hồ sơ;
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bổ sung hoặc điều chỉnh hồ sơ cho đầy đủ và hợp lệ;
+ Trường hợp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy đầy đủ và hợp lệ, Chi cục ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy;
+ Trường hợp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy đầy đủ nhưng không hợp lệ, Chi cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về lý do không tiếp nhận hồ sơ;
Bước 4: Tiếp nhận kết quả.
- Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
- Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh.
- Thời gian thực hiện thủ tục:
+ Trường hợp thiếu hồ sơ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ theo quy định tới tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan chuyên ngành gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp quy không được bổ sung đầy đủ theo quy định, cơ quan chuyên ngành có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố hợp quy.
- Kết quả nhận được: Giấy chứng nhận hợp quy.
Xoay quanh vấn đề chứng nhận hợp quy cho hàng hóa có một số câu hỏi thường gặp được NPLaw giải đáp như sau:
Công bố hợp quy là việc cá nhân, tổ chức tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tuy nhiên, việc công bố này không dựa trên sự tự nguyện mà là bắt buộc vì pháp luật Việt Nam về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành có quy định danh mục các loại sản phẩm, hàng hóa mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố chứng nhận hợp quy. Ngoài ra, bắt buộc tổ chức, cá nhân công bố hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy phù hợp với quy chuẩn của sản phẩm, hàng hóa và được gắn dấu hợp quy (dấu CR).
Dấu CR gắn trên sản phẩm là dấu hiệu để nhận biết hàng hóa, sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận hợp quy theo quy định của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật.
Để mua được sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận hợp quy (đạt yêu cầu về chất lượng), người tiêu dùng có thể kiểm tra xem sản phẩm đã được gắn dấu CR chưa (nếu có dấu CR tức là sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận hợp quy; nếu không có thì có thể sản phẩm chưa được kiểm tra, chứng nhận hợp quy), người tiêu dùng có thể tự nhận biết hoặc hỏi người bán hàng hoặc chủ cửa hàng. Người tiêu dùng quyết định việc có mua sản phẩm hay không.
Như đã đề cập, chứng nhận hợp quy là bắt buộc đối với hàng hóa, sản phẩm đã có ban hành quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng cho loại hàng hóa, sản phẩm đó. Việc chưa có Giấy chứng nhận hợp quy chứng tỏ hàng hóa chưa có sự kiểm định và chứng nhận có đủ chất lượng theo quy chuẩn để được lưu hành trên thị trường hay không. Tuy nhiên, so với khái niệm về hàng cấm đó là hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam người nào vi phạm Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 190 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Trường hợp hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy, không gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chất lượng theo quy định tức là hàng hóa được phép lưu hành nhưng chỉ là chưa có chứng nhận thì không đủ cơ sở để xem nó là hàng cấm.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) hiện có cung cấp dịch vụ tư vấn về thủ tục đăng ký chứng nhận hợp quy cho hàng hóa. Quý Khách hàng có mong muốn được cấp Giấy chứng nhận trên vui lòng liên hệ với NPLaw để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các thủ tục. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn