Đại lý độc quyền theo pháp luật Việt Nam

Thị trường giao thương, mua bán các hàng hóa, dịch vụ ngày càng phát triển nhộn nhịp. Chính vì thế xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh khác nhau và đại lý độc quyền là một trong những mô hình nhượng quyền nổi bật được nhiều thương hiệu, doanh nghiệp lớn lựa chọn. Sau đây hãy cùng NPLaw tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này nhé.

I. Tìm hiểu về đại lý độc quyền

1. Đại lý độc quyền là gì?

Đại lý độc quyền được định nghĩa tại khoản 2 Điều 169 Luật thương mại 2005, là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.

Như vậy, đây được xem là một mô hình phân phối mà bên giao chỉ ký hợp đồng với một bên đại lý duy nhất để đưa sản phẩm của họ ra thị trường trong một khu vực địa lý nhất định. 

2. Các hình thức đại lý độc quyền

Pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể về các loại hình thức của đại lý độc quyền mà chỉ đề cập đến các hình thức đại lý nói chung, trong đó đại lý độc quyền là một trong những hình thức đại lý.

II. Quy định pháp luật về đại lý độc quyền

1. Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến đại lý độc quyền

Khi ký kết hợp đồng đại lý, bên giao đại lý và bên đại lý nên thỏa thuận rõ các quyền lợi và nghĩa vụ mà các bên phải thực hiện để đảm bảo về mặt pháp lý và rủi ro tranh chấp sau này.

(Hình ảnh minh họa: đại lý độc quyền)

Đại lý độc quyền

Căn cứ Điều 172, 173 Luật thương mại 2005, bên giao đại lý có các quyền sau:

  • Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng;
  • Ấn định giá giao đại lý;
  • Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;
  • Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;
  • Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.

Bên giao đại lý có nghĩa vụ:

  • Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng;
  • Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;
  • Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;
  • Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
  • Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.

Căn cứ tại Điều 174, 175 Luật thương mại 2005, bên đại lý có quyền sau:

  • Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định;
  • Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng;
  • Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng;
  • Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.

Nghĩa vụ bên đại lý phải thực hiện:

  • Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;
  • Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
  • Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo luật định;
  • Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;
  • Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;
  • Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động với bên giao đại lý;
  • Nếu luật quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ.

Như vậy, hai bên có quyền và nghĩa vụ cơ bản như trên hoặc có thể thỏa thuận các điều khoản khác không trái pháp luật để phù hợp mục đích giao kết.

2. Quy định về đại lý độc quyền

Để trở thành đại lý độc quyền thì phải giao kết Hợp đồng đại lý độc quyền. Pháp luật quy định về việc ký kết hợp đồng đại lý tại các Điều 168, 170, 171, 176 và Điều 177 Luật Thương mại 2005 như sau:

Hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, bao gồm các điều khoản thỏa thuận về thù lao đại lý, thanh toán tiền và thời hạn đại lý giữa các bên.

 

Thù lao đại lý: Về nguyên tắc sẽ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.

  • Bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ nếu giá đã được bên giao đại lý ấn định.
  • Bên đại lý được hưởng chênh lệch giá nếu bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.

Nếu cả hai bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính dựa trên:

  • Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó;
  • Khi không xác định được mức thù lao thực tế thì lấy mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;
  • Mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường khi cả hai cách xác định mức thù lao trên đều không áp dụng được.

Việc thanh toán tiền được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định, nếu  không có thỏa thuận khác.

Thời hạn đại lý: chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

III. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến đại lý độc quyền

1. Làm thế nào để trở thành đại lý độc quyền?

Để trở thành đại lý phân phối độc quyền cần phải đáp ứng các điều kiện:

  • Đăng ký kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh hay doanh nghiệp;
  • Ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với bên giao đại lý (nhà sản xuất hay nhãn hàng).
  • Ngoài ra tùy theo yêu cầu của bên giao đại lý mà bên đại lý cần phải đáp ứng thêm các yêu cầu về nguồn vốn, kho bãi, nhân sự,...

2. Đặc điểm của đại lý độc quyền là gì?

Bên giao đại lý không được phép bán sản phẩm cho các đại lý khác ngoại trừ đại lý độc quyền trong phạm vi khu vực địa lý xác định.

Bên độc quyền phân phối cũng không được phép phân phối hoặc bán sản phẩm của những đối thủ với bên giao đại lý.

3. Muốn ký kết thỏa thuận đại lý độc quyền với doanh nghiệp nước ngoài thì thỏa thuận này nên đặt là hợp đồng đại lý độc quyền hay hợp đồng phân phối độc quyền?

Hiện nay pháp luật không có quy định nào của pháp luật về tên của hợp đồng khi ký kết thỏa thuận đại lý độc quyền hoặc hợp đồng phân phối độc quyền. Vì vậy, việc đặt tên trên hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực hợp đồng, nên dựa trên tình hình cụ thể và mong muốn của hai bên.

4. Bên giao đại lý có phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của đại lý độc quyền hay không?

Tại khoản 5 Điều 173 Luật Thương mại 2005, bên giao đại lý có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của đại lý độc quyền, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm đó có một phần do lỗi của bên giao đại lý gây ra.

Như vậy, bên giao đại lý phải liên đới chịu trách nhiệm khi hành vi vi phạm có phần lỗi của mình.

IV. Dịch vụ tư vấn và soạn thảo các văn bản liên quan đến đại lý độc quyền

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về đại lý độc quyền mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan