ĐẤU GIÁ TÀI SẢN LÀ GÌ? NGUYÊN TẮC ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Hiện nay, việc tổ chức các buổi đấu giá diễn ra khá nhiều và phổ biến. Khi một tổ chức lựa chọn bán công khai một tài sản, hoặc một khối tài sản thì sẽ có chủ thể đăng ký mua và các bên tham gia trả giá về tài sản đó, người trả giá cao nhất sẽ là người mua được tài sản đấu giá. Vậy hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về đấu giá tài sản? Đấu giá tài sản được thực hiện dựa vào nguyên tắc nào? Hãy cùng NPLAW tìm hiểu thông qua bài viết sau đây. 

I. Đấu giá tài sản là gì?

Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật đấu giá tài sản 2016, trừ trường hợp đấu giá chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá.

Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 5 Luật đấu giá tài sản 2016.

1. Các loại tài sản đấu giá

Theo quy định tại Điều 4 Luật đấu giá tài sản 2016 thì tài sản đấu giá có các loại như sau:

- Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm các loại tài sản sau đây:

+ Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

+ Được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;

+ Quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

+ Tài sản bảo đảm của giao dịch bảo đảm;

+ Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

+ Là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

+ Là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

+ Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

+ Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản;

+ Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

+ Quyền khai thác khoáng sản;

+ Quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

+ Quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

+ Nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

+ Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

- Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định.

II. Nguyên tắc đấu giá tài sản

Theo quy định tại Điều 6 Luật đấu giá tài sản 2016 thì đấu giá tài sản phải thực hiện dựa theo các nguyên tắc sau đây:

- Tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

- Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch nên ngày 8/02/2022 Bộ tư pháp đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BTP về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

- Quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên được bảo vệ theo quy định pháp luật.

- Cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện.

III. Có những tổ chức đấu giá tài sản nào theo quy định hiện nay?

Tổ chức bán đấu giá tài sản có hai loại: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản.

- Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đấu giá viên. Được thành lập do quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Doanh nghiệp đấu giá tài sản: sẽ được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ sở pháp lý: khoản 12 Điều 5, Điều 22, khoản 1 Điều 23 Luật đấu giá tài sản 2016.

1. Các hành vi bị cấm đối với người tham gia đấu giá

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên, cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản, thì người tham gia đấu giá không được thực hiện các hành vi sau đây:

- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;

- Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;

- Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;

- Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Cơ sở pháp lý: khoản 5 Điều 9 Luật đấu giá tài sản 2016.

IV. Quy chế cuộc đấu giá tài sản được quy định như thế nào?

Quy chế cuộc đấu giá tài sản do tổ chức đấu giá tài sản ban hành trước ngày niêm yết đấu giá tài sản, được áp dụng cho từng cuộc đấu giá.

Việc công khai quy chế cuộc đấu giá tài sản thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản.

Quy chế cuộc đấu giá tài sản sẽ bao gồm các nội dung sau đây:

- Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;

- Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;

- Thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá;

- Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm;

- Tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước;

- Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá;

- Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá;

- Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá;

- Các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá; các trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước.

Cơ sở pháp lý: Điều 34 Luật đấu giá tài sản 2016.

V. Hướng dẫn chi tiết cách soạn thảo mẫu biên bản đấu giá tài sản

Biên bản đấu giá tài sản phải được thành lập tại cuộc đấu giá tài sản, ghi lại diễn biến của cuộc đấu giá, phải có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá, người ghi biên bản, người trúng đấu giá, người có tài sản đấu giá, đại diện của những người tham gia đấu giá. Nếu người trúng đấu giá từ chối ký biên bản thì được coi như không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc không chấp nhận mua tài sản đấu giá.

Biên bản đấu giá tài sản được sử dụng theo mẫu TP-ĐGTS-20 được ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BTP, bao gồm các nội dung sau đây:

- Căn cứ lập Biên bản;

- Thành phần tham dự;

- Diễn biến cụ thể của cuộc đấu giá;

- Thời gian kết thúc cuộc đấu giá;

- Chữ ký của các bên đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, khi ghi biên bản đấu giá tài sản cần lưu ý các vấn đề sau:

- Biên bản phải được đóng dấu giáp lai của tổ chức đấu giá tài sản hoặc Hội đồng đấu giá tài sản.

- Trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì biên bản đấu giá phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng.

Cơ sở pháp lý: Điều 44 Luật đấu giá tài sản 2016, mẫu TP-ĐGTS-20 được ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BTP.

VI. Giải đáp thắc mắc về đấu giá tài sản

1. Đấu giá tài sản khi chỉ có 1 hồ sơ tham dự thì có được tham dự hay không?

Đấu giá tài sản mà chỉ có 1 hồ sơ tham dự, mà thuộc các trường hợp sau đây thì sẽ không được tham dự hay nói cách khác là đấu giá không thành:

- Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

- Quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Tài sản khác mà pháp luật quy định không đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Như vậy, việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá thuộc các trường hợp nêu trên thì sẽ không được tham dự (đấu giá không thành).

Còn nếu không thuộc các tài sản nêu trên thì sẽ được tham dự dù chỉ có một hồ sơ tham gia, ví dụ như: tài sản đấu giá thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá thì nếu có 1 hồ sơ tham dự vẫn được tiến hành đấu giá.

Cơ sở pháp lý: điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật đấu giá tài sản 2016.

2. Người có tài sản đấu giá phải thông báo công khai số điểm chấm như thế nào khi tham gia hoạt động đấu giá tài sản?

 Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, sẽ thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản với đầy đủ tiêu chí theo quy định pháp luật.

Người có tài sản đấu giá tự đánh giá hoặc thành lập tổ đánh giá hoặc lựa chọn hình thức khác để đánh giá các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc đánh giá này.

Người có tài sản đấu giá căn cứ thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn của tổ chức đấu giá tài sản chấm điểm theo tất cả các tiêu chí quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTP.

Tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn là tổ chức có tổng số điểm cao nhất của tất cả các tiêu chí cộng lại. Trường hợp có từ hai tổ chức đấu giá tài sản trở lên có tổng số điểm cao nhất bằng nhau thì người có tài sản đấu giá xem xét, quyết định lựa chọn một trong các tổ chức đó.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 4, khoản 1, 2, 3 Điều 5 Thông tư 02/2022/TT-BTP.

3. Người trúng đấu giá tài sản không nộp tiền vào tài khoản cũng không thể liên lạc với người trúng đấu giá thì xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 48 Luật đấu giá tài sản 2016 thì người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP thì trong trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác.

Khi người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng thì tiền thanh toán mua tài sản đấu giá được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá và quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán tài sản.

Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên trong trường hợp đặt biệt được quy định tại điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP): Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý liên quan đến việc đấu giá tài sản hoặc các dịch vụ pháp lý khác về: Doanh nghiệp; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con….Quý bạn đọc vui lòng liên hệ NP LAW để được tư vấn và giải đáp kịp thời, nhanh chóng.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan