ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KINH DOANH VÀNG MIẾNG

Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng là gì? Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng theo quy định mới nhất? Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm những gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp.

I. Thực trạng kinh doanh vàng miếng hiện nay

Thị trường vàng miếng Việt Nam: Biến động và thách thức

Thị trường vàng miếng Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy biến động với nhiều yếu tố tác động, bao gồm:

  • Giá vàng tăng cao: Giá vàng liên tục leo dốc trong những tháng đầu năm 2024, đạt đỉnh kỷ lục vào giữa tháng 4 do ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị quốc tế, lạm phát gia tăng và sự suy yếu của đồng USD.
  • Chênh lệch giá lớn: Khoảng cách giá vàng giữa Việt Nam và thế giới nới rộng hơn bao giờ hết, lên đến hơn 3 triệu đồng/lượng. Điều này khiến hoạt động đầu tư vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực trạng kinh doanh vàng miếng hiện nay

II. Kinh doanh vàng miếng được hiểu như thế nào?

1. Kinh doanh vàng miếng được hiểu như thế nào?

Kinh doanh vàng miếng được hiểu là hoạt động mua bán vàng miếng dưới dạng thỏi, lingot có in ký hiệu, logo của doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép sản xuất hoặc do ngân hàng nhà nước tổ chức sản xuất.

2. Vàng miếng được phép kinh doanh trên thị trường gồm những loại nào?

Theo Điều 6 Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 

Theo đó loại vàng miếng nào được giao dịch giữa tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 01 (một) lượng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ.

 III. Điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh vàng miếng

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

IV. Hồ sơ, trình tự thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi hoạt động kinh doanh vàng miếng

1. Hồ sơ cần chuẩn bị

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với doanh nghiệp:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 03/2017/TT-NHNN);

b) Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm kinh doanh);

c) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và văn bản thể hiện địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo danh sách tại điểm b khoản này đã được đăng ký kinh doanh hoặc đã được thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

d) Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 (hai) năm liền kề trước đó.

2. Trình tự, thủ tục thực hiện

Căn cứ quy định tại Phần II Thủ tục ban hành kèm theo Quyết định 1529/QĐ-NHNN năm 2017 công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết, thủ tục cấp giấy phép như sau:

- Bước 1: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối).

- Bước 2: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn kiểm tra về giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm kinh doanh và tình hình trang thiết bị cần thiết để triển khai hoạt động mua, bán vàng miếng tại địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng.

- Bước 3: Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối).

- Bước 4: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về kinh doanh vàng miếng

 V. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về kinh doanh vàng miếng

1. Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng tại đâu 

Căn cứ quy định tại Phần II Thủ tục ban hành kèm theo Quyết định 1529/QĐ-NHNN năm 2017 công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết, thủ tục cấp giấy phép thì nộp hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

2. Mua bán vàng miếng tại tiệm vàng có được không?

Hoạt động mua bán vàng miếng của tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Do đó, không được phép bán vàng miếng tại tiệm vàng chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Để đảm bảo việc mua bán vàng miếng đúng pháp luật, bạn cần bán tại những nơi mà đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép (dựa trên danh sách của Ngân hàng Nhà nước công bố; hoặc yêu cầu họ cung cấp giấy phép được mua, bán vàng miếng trước khi bán cho họ...).

3. Doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng không niêm yết giá giao dịch có được không?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định: "Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ."

Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định  hành vi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng tại địa điểm giao dịch sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức sẽ bị xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng phải niêm yết giá giao dịch.

Doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng không niêm yết giá giao dịch có được không?

4. Có được dùng vàng miếng thay thế cho tiền đồng Việt Nam khi tiến hành hoạt động mua bán nhà đất không?

Theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng như sau:

- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Như vậy, vàng miếng không được dùng để thay thế cho tiền mặt khi tiến hành mua bán nhà đất. Đây là hành vi vi phạm pháp luật

Trên đây là những thông tin xoay quanh đề tài kinh doanh vàng miếng. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về kinh doanh vàng miếng, Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan