Trong mọi giao dịch để an toàn cần soạn thảo hợp đồng và ký kết giữa hai bên. Trên thực tế, nhiều trường hợp các bên không chỉ giao kết với nhau bằng hợp đồng chính mà còn có hợp đồng phụ. Tuy nhiên, khi thực hiện giao kết hợp đồng phụ, các bên không tìm hiểu các quy định về điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, dẫn đến hợp đồng phụ bị vô hiệu. Trong bài viết dưới đây, NPLaw xin gửi tới quý khách hàng nội dung pháp lý liên quan đến hợp đồng phụ và điều kiện để hợp đồng phụ có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Trong cuộc sống ngày nay, hợp đồng là giao kết được thực hiện với một số lượng rất lớn, thông dụng và phổ biến. Hơn thế nữa, trong thực tiễn giao lưu dân sự, nhu cầu về giao kết hợp đồng đang trở thành vấn đề cấp thiết, phong phú về nội dung, đa dạng về đối tượng. Hàng ngày có vô số các hợp đồng dân sự được thỏa thuận ký kết, từ những hợp đồng sinh hoạt đơn giản thường thấy đến những hợp đồng phức tạp, hợp đồng dịch vụ về các đối tượng phức tạp, là thành quả của kỹ thuật công nghệ cao, hay những hợp đồng qua fax, thư điện tử,...
Chính vì lẽ đó, việc giao kết hợp đồng phụ cũng trở nên phổ biến hơn, không còn là khái niệm xa lạ đối với người dân. Hợp đồng phụ là một loại hợp đồng, bản chất của nó là thỏa thuận có thể làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các nghĩa vụ của chủ thể. Ví dụ như hợp đồng vay tài sản kèm với hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo việc trả tài sản vay đúng hạn thì hợp đồng thế chấp tài sản là hợp đồng phụ.
Song trên thực tế, không phải ai cũng hiểu và nắm rõ được các quy định về hợp đồng phụ, dẫn đến hợp đồng phụ bị vô hiệu. Pháp luật đề cao tinh thần tự thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên, khi các bên không hiểu rõ quy định nên áp dụng sai, hợp đồng bị vô hiệu, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên chủ thể, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích cá nhân, lợi ích xã hội. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam cần có những quy định rõ ràng, chi tiết hơn về hợp đồng phụ, tránh gây khó khăn cho việc nhận thức cũng như áp dụng các quy định pháp luật về hợp đồng phụ.
Bộ luật dân sự 2015 không định nghĩa hay đưa ra khái niệm nội hàm của hợp đồng phụ, mà chỉ khái quát quy định tại khoản 4 Điều 402 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“ Hợp đồng phụ là hợp đồng có hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.”
Như vậy, dựa theo khái niệm về hợp đồng quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015, có thể hiểu hợp đồng phụ là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính.
Để hợp đồng phụ có hiệu lực thì phải tuân thủ các điều kiện sau:
- Hợp đồng phụ phải tuân đầy đủ điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng về chủ thể, nội dung, hình thức,..theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015) và không thuộc các trường hợp quy định từ Điều 123 đến Điều 133 Bộ luật dân sự 2015.
- Hợp đồng chính của hợp đồng phụ phải có hiệu lực, hợp đồng phụ phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính.
Điều kiện để hợp đồng phụ có hiệu lực
Nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Khoản 1 Điều 398 Bộ luật dân sự 2015 quy định, các bên có quyền thỏa thuận nội dung trong hợp đồng. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc tự do cam kết, thỏa thuận (khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015).
Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích của công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định một số trường hợp hạn chế quyền tự do của các bên trong việc thiết lập hợp đồng. Theo đó:
- Nội dung và mục đích của hợp đồng (giao dịch dân sự) “không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội” (Điểm c, khoản 1 Điều 117)
- Hợp đồng (giao dịch dân sự) có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu (Điều 123).
Hợp đồng có thể có các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 398 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm:
- Đối tượng của hợp đồng;
- Số lượng, chất lượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
Hình thức của hợp đồng là sự thể hiện ra bên ngoài ý chí chung của các bên tham gia giao kết hợp đồng, về nguyên tắc, các bên có thể tự do lựa chọn hình thức của hợp đồng.
Khoản 2 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”
Hình thức giao kết hợp đồng tuân theo quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015:
- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Hợp đồng phụ nếu vi phạm điều kiện có hiệu lực về hình thức có thể bị vô hiệu. Giao kết hợp đồng bằng văn bản là hình thức chủ yếu trong các giao dịch thương mại phức tạp và các bên thông thường không giao kết bằng lời nói hoặc bằng hành vi.
NPLaw xin giải đáp thắc mắc của quý đọc giả về các nội dung liên quan đến hợp đồng phụ như sau:
Việc phân biệt hợp đồng chính và hợp đồng phụ dựa trên tính độc lập của hiệu lực hợp đồng.
Khoản 4, khoản 5 Điều 402 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
- Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
- Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
Điều 407 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định:
- Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
- Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.
Như vậy, có thể thấy, trong quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ, sự vô hiệu, chấm dứt hoặc hủy bỏ của hợp đồng chính về cơ bản làm chấm dứt hợp đồng phụ nhưng ngược lại sự vô hiệu, chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Hiệu lực của hợp đồng chính là độc lập, không phụ thuộc và hợp đồng phụ nếu các bên không thỏa thuận về việc hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.
2. Khi hợp đồng chính hết hiệu lực thì hợp đồng phụ có hết hiệu lực không?
Khoản 4 Điều 402 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “ Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.”
Khoản 2 Điều 407 cũng quy định: “Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Như vậy, có thể thấy, hiệu lực của hợp đồng phụ phụ thuộc vào hợp đồng chính. Khi hợp đồng chính hết hiệu lực thì hợp đồng phụ cũng sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, điều này không phải mặc nhiên áp dụng trong mọi trường hợp mà loại trừ hai trường hợp:
- Các bên có thỏa thuận về việc hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính.
- Đối với quan hệ giữa hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm và biện pháp bảo đảm sẽ áp dụng theo quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Khoản 3 Điều 402 quy định: “Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.”
Khoản 3 Điều 407 quy định: “Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.”
Như vậy, có thể thấy rằng trong quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ thì hiệu lực của hợp đồng chính là độc lập và không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Tức là, hợp đồng chính chỉ vô hiệu khi nó vi phạm các quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về quy định của pháp luật về hợp đồng phụ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 0913449968 để được giải đáp.
Trân trọng!
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn