Hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin được thực hiện khá phổ biến trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Và đấu giá tài sản trực tuyến là một trong những hình thức đấu giá tài sản. Bài viết này, hãy cùng NP LAW tìm hiểu những quy định pháp luật về đấu giá trực tuyến và trình tự thực hiện đấu giá tài sản trực tuyến.
Trong tiếng Anh đấu giá trực tuyến được gọi là Online Auction.
Đấu giá tài sản trực tuyến là hình thức cho phép người tham gia đấu giá các sản phẩm hoặc các dịch vụ thông qua Internet. Đấu giá tài sản trực tuyến góp phần cho các tổ chức, cá nhân có tài sản gặp gỡ khách hàng và trao đổi buôn bán một cách nhanh chóng, tiện lợi thông qua hình thức đấu giá.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật đấu giá tài sản 2016 thì đấu giá tài sản trực tuyến là một hình thức đấu giá tài sản.
Việc đấu giá tài sản trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích, cụ thể như sau:
- Góp phần làm đa dạng hình thức đấu giá, nhiều lựa chọn cho bên có tài sản và cả bên mua.
- Giúp đáp ứng được việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành nghề đấu giá, tiếp cận với xu thế phát triển của thế giới;
- Bên cạnh đó còn góp phần làm hạn chế việc thông đồng, dìm giá.
- Giúp tiết kiệm được thời gian và cũng như công sức, tiền bạc khi tổ chức các buổi đấu giá tài sản trực tiếp. Ngoài ra, tránh được trường hợp tụ tập đông người, khi đấu giá trực tuyến thì chỉ cần mạng Internet thì dù ở đâu vẫn có thể tham gia được.
Để đảm bảo buổi đấu giá tài sản trực tuyến có hiệu quả và đúng quy định pháp luật, thì cần đáp ứng các nguyên tắc sau đây:
- Tổ chức buổi đấu giá trực tuyến phải tuân thủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
- Bảo mật thông tin bao gồm: về tài khoản truy cập, thông tin về người tham gia đấu giá và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm tính khách quan, minh bạch, an toàn, an ninh mạng.
- Ngoài ra, buổi đấu giá tài sản trực tuyến phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Cơ sở pháp lý: Điều 8 Nghị định 62/2017/NĐ-CP.
IV. Điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến
Để thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, thì tổ chức đấu giá tài sản phải thiết lập Trang thông tin điện tử và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá trực tuyến và có các chức năng tối thiểu sau:
+ Đảm bảo tính an toàn, bảo mật về tài khoản truy cập và toàn vẹn dữ liệu, việc tham gia trả giá, giá đã trả và các thông tin về người tham gia đấu giá;
+ Ghi nhận và lưu trữ tất cả mức giá được trả trong cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá trực tuyến;
+ Hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; trích xuất được lịch sử việc trả giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến;
+ Hiển thị mức giá cao nhất được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận 30 giây một lần để những người tham gia đấu giá có thể xem được.
- Có đội ngũ nhân viên điều hành hệ thống kỹ thuật Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến;
- Có phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành an toàn hệ thống kỹ thuật Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Cơ sở pháp lý: Điều 13 Nghị định 62/2017/NĐ-CP.
Cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được thực hiện theo trình tự như sau:
- Tổ chức đấu giá tài sản đăng tải Quy chế cuộc đấu giá trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
- Khi đăng ký tham gia, người tham gia đấu giá sẽ được cấp một tài khoản truy cập; được hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung cần thiết khác trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để thực hiện việc đấu giá trực tuyến.
- Người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản của mình và thực hiện việc trả giá theo phương thức đấu giá, thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá và thời điểm kết thúc đấu giá, bước giá đã được công bố.
- Tại thời điểm kết thúc cuộc đấu giá, đấu giá viên được tổ chức đấu giá tài sản, thành viên được Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến xác định người trúng đấu giá như sau:
+ Đối với trường hợp trả giá lên thì người trúng đấu giá là người có mức trả giá cao nhất được hệ thống thông tin đấu giá trực tuyến ghi nhận tại thời điểm kết thúc việc trả giá;
+ Trường hợp việc trả giá được thực hiện bằng phương thức đặt giá xuống thì người trúng đấu giá là người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc giá đã giảm được hệ thống thông tin đấu giá trực tuyến ghi nhận.
- Dựa theo phương thức trả giá nêu trên mà công bố người trúng đấu giá tại hệ thống đấu giá trực tuyến ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
- Kết quả cuộc đấu giá trực tuyến được đăng công khai trên hệ thống đấu giá trực tuyến và được gửi vào địa chỉ điện tử của người tham gia đấu giá đã đăng ký với tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ngay sau khi công bố người trúng đấu giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến.
Cơ sở pháp lý: Điều 10 Nghị định 62/2017/NĐ-CP.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 62/2017/NĐ-CP thì tổ chức đấu giá tài sản có thể đấu giá trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của tổ chức mình hoặc ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản khác có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.
“Điều 9. Tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến
…..
2. Tổ chức đấu giá tài sản sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình hoặc ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản khác có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.
Trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện hoặc trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá thì Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá”.
Tóm lại qua phân tích trên, thì hình thức đấu giá trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập, khó khăn trong việc đầu tư thiết lập một trang website đấu giá trực tuyến. Và pháp luật quy định về hình thức đấu giá trực tuyến còn chưa chặt chẽ, nhiều thiếu sót.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn