ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ

Kinh doanh vận tải đường bộ là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là một dạng của kinh doanh vận tải đường bộ nên cũng cần đáp ứng đủ các điều kiện luật định.

I. Nhu cầu xin kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

Nhu cầu xin kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô ngày càng tăng cao do sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng. Hoạt động này mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ, việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô cần được quản lý chặt chẽ bởi Nhà nước. Do đó, doanh nghiệp/cá nhân có nhu cầu kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo quy định.

Nhu cầu xin kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

II. Quy định pháp luật liên quan kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

1. Hiểu như thế nào về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP định nghĩa như sau:

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

2. Điều  kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

+ Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

+ Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

+ Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

+ Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

- Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008;

+ Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;

+ Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.

- Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008.

3. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có những hình thức nào

Theo Điều 66 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm hình thức kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có những hình thức nào

III. Một số thắc mắc về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

1. Không đánh số thứ tự ghế ngồi xe chở khách, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có bị phạt hành chính?

Hành vi không đánh số thứ tự ghế ngồi trên xe chở khách của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 15 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) theo đó, không đánh số thứ tự ghế ngồi trên xe chở khách, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

2. Khi bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô thì doanh nghiệp có được hoạt động không?

Theo điểm d khoản 7 Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh thì đơn vị kinh doanh vận tải trong vòng 07 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh. Đồng thời phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

3. Trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, nhân viên phục vụ trên xe có quyền từ chối vận chuyển hành khách không?

Theo Điều 27 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tuyến cố định trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, nhân viên phục vụ trên xe có quyền từ chối vận chuyển hành khách khi người này có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Hoặc trong trường hợp hành khách có hình vi gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm; hành khách mang hàng cấm hoặc hàng dễ cháy, nổ, động vật sống.

Trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, nhân viên phục vụ trên xe có quyền từ chối vận chuyển hành khách không?

4. Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô sẽ không được cấp lại đối với trường hợp nào?

Căn cứ Khoản 6 Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung tại Nghị định 41/2024/NĐ-CP trường hợp không được cấp lại giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như sau: 

Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

- Không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên Giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 06 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên Giấy phép kinh doanh trong thời gian 06 tháng liên tục trở lên;

- Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;

- Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu;

- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền;

- Trong thời gian 01 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu.

Trên đây là những thông tin xoay quanh đề tài kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan