DOANH NGHIỆP KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Việc quản lý và khai thác nước dưới đất một cách bền vững và hiệu quả là rất quan trọng đối với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn nước sạch, tăng hiệu suất sản xuất và bảo vệ môi trường. Vậy hiểu thế nào là doanh nghiệp khai thác nước dưới đất và những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp khai thác nước dưới đất? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này nhé.

I. Nhu cầu doanh nghiệp khai thác nước dưới đất

Nhu cầu khai thác nước dưới đất của các doanh nghiệp có thể xuất phát từ các lý do sau:

  • Nước dưới đất là nguồn tài nguyên quan trọng để cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt trong các nhà máy, công ty, khu công nghiệp, trang trại, hoặc các khu dân cư.
  • Nhu cầu sử dụng nước dưới đất tăng cao do tình hình khí hậu biến đổi, gây ra sự cạn kiệt nguồn nước mặt và tăng cường nguy cơ hạn hán.
  • Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm, sản xuất chất lượng nước uống, chế biến thực phẩm cần sử dụng nước sạch cho quá trình sản xuất và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
  • Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành khoáng sản, công nghiệp hóa chất, sản xuất nông nghiệp cần sử dụng nước để làm mát thiết bị, xử lý chất thải, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất.
  • Nhu cầu khai thác nước dưới đất cũng đến từ việc sử dụng cho mục đích du lịch, giải trí, hay xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho môi trường sống.

Chính vì vậy, việc quản lý và khai thác nước dưới đất một cách bền vững và hiệu quả là rất quan trọng đối với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn nước sạch, tăng hiệu suất sản xuất và bảo vệ môi trường.

Nhu cầu doanh nghiệp khai thác nước dưới đất

II. Quy định pháp luật về doanh nghiệp khai thác nước dưới đất

1. Doanh nghiệp khai thác nước dưới đất là gì

Doanh nghiệp khai thác nước dưới đất là các công ty hay tổ chức hoạt động để tìm và khai thác nguồn nước ngầm từ các tầng đất sâu dưới mặt đất để sử dụng cho các mục đích khác nhau như cung cấp nước cho dân cư, hệ thống cấp nước công nghiệp hoặc nông nghiệp. Các doanh nghiệp này thường điều chỉnh hệ thống kỹ thuật để đào sâu giếng nước và đảm bảo nguồn nước ngầm được bảo quản và sử dụng hiệu quả.

Doanh nghiệp khai thác nước dưới đất là gì

2. Khu vực nào doanh nghiệp phải đăng ký khai thác nước dưới đất?

Khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT về việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, theo đó:

  • Khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất bao gồm:
  • Khu vực có mực nước dưới đất đã bị thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm ba (03) năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép;
  • Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu;
  • Khu vực bị xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ;
  • Khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn một (01) km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;
  • Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.
  • Căn cứ đặc điểm của các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, yêu cầu quản lý của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mực nước hạ thấp cho phép, nhưng không vượt quá một nửa bề dày của tầng chứa nước đối với tầng chứa nước không áp, không vượt quá mái của tầng chứa nước và không được sâu hơn 50 m tính từ mặt đất đối với các tầng chứa nước có áp.
  • Tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều này và có chiều sâu lớn hơn 20 m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.

3. Trình tự phê duyệt Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất được thực hiện như thế nào?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 167/2018/NĐ-CP quy định trình tự phê duyệt Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất diễn ra như sau:

  • Bước 1: Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Phương án để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước trong Phương án. Trường hợp, Phương án có công trình khai thác nước dưới đất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thì còn phải gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để cho ý kiến về biện pháp áp dụng và kế hoạch, lộ trình thực hiện;
  • Bước 2: Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên có trách nhiệm cho ý kiến bằng văn bản về biện pháp áp dụng và kế hoạch, lộ trình thực hiện và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp;
  • Bước 3: Căn cứ ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn chỉnh Phương án trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của Nghị định 167/2018/NĐ-CP, các quy định khác của pháp luật có liên quan, đồng thời đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến việc cấp nước, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
  • Bước 4: Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo tới các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi Phương án tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thực hiện.

4. Quy trình doanh nghiệp đăng ký khai thác nước dưới đất được đăng ký như thế nào?

a) Hồ sơ

Căn cứ tại Điều 31 Nghị định 02/2023/NĐ-CP quy định Hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất bao gồm các hồ sơ như sau:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép (Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 02/2023/NĐ-CP);
  • Sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất;
  • Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên hoặc báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm trong trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động;
  • Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

b) Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Căn cứ tại Điều 35 Nghị định 02/2023/NĐ-CP quy định về Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thực hiện như sau:

Bước 1: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

  • Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định;
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

Bước 2: Thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong hồ sơ đề nghị cấp phép (sau đây gọi chung là đề án, báo cáo):

  • Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;
  • Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là 18 ngày làm việc;
  • Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.

Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để nhận giấy phép.
  • Cơ quan có thẩm quyền: thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định 02/2023/NĐ-CP.

Theo đó, quy trình thủ tục xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất được thực hiện theo quy định nêu trên.

III.  Giải đáp một số câu hỏi về doanh nghiệp khai thác nước dưới đấ t

1. Doanh nghiệp bị hạn chế khai thác nước dưới đất tại những khu vực nào?

Doanh nghiệp bị hạn chế khai thác nước dưới đất được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 167/2018/NĐ-CP như sau:

Mỗi vùng hạn chế quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm một hoặc một số khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất (sau đây gọi tắt là khu vực hạn chế) quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước và được quy định như sau:

  • Vùng hạn chế 1, bao gồm các khu vực quy định tại các điểm c, điểm d khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước được khoanh định theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
  • Vùng hạn chế 2, bao gồm các khu vực quy định tại điểm b khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước được khoanh định theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
  • Vùng hạn chế 3, bao gồm các khu vực quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước, được khoanh định theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này;

2. Cơ quan nào ra quyết định cho doanh nghiệp đăng ký khai thác nước dưới đất?

Theo khoản 1 và khoản 4 Điều 6 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT quy định về trách nhiệm cơ quan:

  • Cơ quan đăng ký khai thác nước dưới đất là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
  • Cơ quan đăng ký có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn; hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả đăng ký tới Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp cơ quan đăng ký là Ủy ban nhân dân cấp xã thì gửi báo cáo kết quả đăng ký tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Nếu doanh nghiệp không tiếp tục khai thác, sử dụng nước doanh nghiệp cần làm gì

Căn cứ khoản 4 Điều 38 Nghị định 02/2023/NĐ-CP có quy định:

“Trình tự, thủ tục đăng ký khai thác nước dưới đất

...

4. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã đăng ký khai thác nước dưới đất, nếu không tiếp tục khai thác, sử dụng thì phải thông báo và trả tờ khai (đã được xác nhận) cho cơ quan xác nhận đăng ký hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để báo cho cơ quan đăng ký và thực hiện việc trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định.”

Theo đó, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đã đăng ký khai thác nước dưới đất. Nhưng không tiếp tục khai thác, sử dụng nước dưới đất thì phải thông báo và trả tờ khai cho cơ quan xác nhận đăng ký hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để báo cho cơ quan đăng ký.

Đồng thời các chủ thể này phải thực hiện việc trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định.

4. Doanh nghiệp khai thác nước dưới đất có bị hạn chế khai thác ở khu vực xảy ra dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý hay không?

Doanh nghiệp khai thác nước dưới đất có bị hạn chế khai thác ở khu vực xảy ra dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý hay không, căn cứ theo điểm d khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2012 quy định:

Hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực sau đây:

  • Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước;
  • Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức;
  • Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất;
  • Khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng;
  • Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.

Các hình thức hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm:

  • Hạn chế về đối tượng, mục đích khai thác;
  • Hạn chế về lưu lượng, thời gian khai thác;
  • Hạn chế về số lượng công trình, độ sâu, tầng chứa nước khai thác.

Theo quy định hạn chế khai thác nước dưới đất tại khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng.

Theo đó doanh nghiệp khai thác nước dưới đất sẽ bị hạn chế khai thác ở khu vực xảy ra dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về doanh nghiệp khai thác nước dưới đất

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề doanh nghiệp khai thác nước dưới đất. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan