Đồng phạm tham ô tài sản là gì?

Tham ô tài sản là một trong những tội phạm tham nhũng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến tài sản công và niềm tin của xã hội vào sự minh bạch, công bằng. Đặc biệt, khi tội phạm này được thực hiện bởi nhiều người với vai trò đồng phạm, mức độ phức tạp và hậu quả của hành vi càng nghiêm trọng hơn. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về khái niệm, quy định pháp luật và các vấn đề liên quan đến đồng phạm tham ô tài sản.

I. Tìm hiểu về đồng phạm tham ô tài sản

1. Đồng phạm tham ô tài sản là gì?

Tham ô tài sản là một tội phạm tham nhũng và được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: ...”

Khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.

Như vậy, đồng phạm tham ô tài sản là hành vi của hai người trở lên cố ý cùng thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

2. Đồng phạm tham ô tài sản được hiểu như thế nào?

Theo quy định hiện nay, có thể hiểu đồng phạm tham ô tài sản là hành vi của hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm tham ô tài sản. Các cá nhân tham gia vào hành vi đồng phạm có sự phối hợp ý chí và hành động, nhằm chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hoặc tổ chức.

Đồng phạm tham ô tài sản được xác định dựa trên bản chất hành vi của từng cá nhân và mức độ tham gia của họ trong việc thực hiện tội phạm, từ đó làm căn cứ áp dụng các quy định pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự.

II. Quy định pháp luật về đồng phạm tham ô tài sản

1. Quyết định hình phạt trong trường hợp là đồng phạm tham ô tài sản

Khi quyết định hình phạt trong vụ án đồng phạm tham ô tài sản, căn cứ Điều 58 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó”.

Như vậy, khi xét xử các vụ án đồng phạm tham ô tài sản, Tòa án sẽ cân nhắc vai trò cụ thể của từng cá nhân trong vụ án để quyết định hình phạt tương ứng. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự được xem xét một cách độc lập, đảm bảo nguyên tắc công bằng và cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong việc xử lý vụ án.

2. Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm tham ô tài sản

Theo quy định pháp luật hình sự hiện nay, việc xác định trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trên cơ sở hành vi tham gia thực hiện của mình.
  • Chịu trách nhiệm độc lập về cùng thực hiện vụ án đồng phạm. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Như vậy, khi xác định trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm trong tội tham ô tài sản cần dựa trên các nguyên tắc nêu trên.

III. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến đồng phạm tham ô tài sản

1. Đồng phạm tham ô tài sản có bị đi tù không?

Theo Điều 353 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau: “1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: ...”

Như vậy, trong vụ án tham ô tài sản, người phạm tội bị xử phạt với khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Trường hợp đồng phạm tham ô tài sản đã khắc phục hậu quả thì có bị đi tù không?

Theo Điều 59 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.

Khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51.
  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Trong đó, việc người phạm tội khắc phục hậu quả được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự hiện hành. Như vậy, trong vụ án đồng phạm tham ô tài sản, nếu người phạm tội đã khắc phục hậu quả và có các tình tiết khác thuộc Khoản 1, khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì có thể được xem xét miễn hình phạt.

3. Đồng phạm tội tham ô tài sản có bị tử hình? 

Theo khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội tham ô tài sản: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”.

Như vậy, đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản có thể bị xử phạt với khung hình phạt cao nhất là tử hình theo quy định trên.

4. Nộp lại toàn số tài sản đã tham ô có được giảm án hay không?

Khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.”.

Theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bao gồm: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;”

Như vậy, việc người phạm tội nộp lại toàn số tài sản đã tham ô trong vụ án tham ô tài sản được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và sẽ được Tòa án xem xét, cân nhắc khi quyết định hình phạt. 

IV. Dịch vụ tư vấn và giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng phạm tham ô tài sản

Trên đây là bài viết của NPLaw về đồng phạm tham ô tài sản hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan