GIẢ MẠO CON DẤU - HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT

Con dấu là một phần không thể thiếu của mỗi cơ quan, tổ chức trong giá trị pháp lý của các văn bản được ban hành. Tuy nhiên, hành vi giả mạo con dấu với nhiều mục đích đã không còn là điều xa lạ nhưng vẫn liên tục tiếp diễn gây ra nhiều hậu quả. Quý Khách hàng cần nắm rõ quy định pháp luật về con dấu để tránh trở thành nạn nhân của những con dấu giả mạo.

Tìm hiểu quy định pháp luật về hành vi giả mạo con dấu cùng NPLaw

Giả mạo con dấu là hành vi được các đối tượng thực hiện để trục lợi. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi này? Người thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với các chế tài nào? Con dấu của cơ quan, tổ chức được quy định về quản lý, sử dụng ra sao? Quý Khách hàng sẽ có câu trả lời qua nội dung bài viết dưới đây.

A. Cơ sở pháp lý

1. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự);

2. Nghị định số 144/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2021 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là Nghị định 144/2021/NĐ-CP);

3. Nghị định số 30/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 05 tháng 3 năm 2020 về công tác văn thư (sau đây gọi là Nghị định 30/2020/NĐ-CP).

B. Nội dung tư vấn

I. Thế nào là hành vi giả mạo con dấu?

Hành vi giả mạo con dấu chưa được định nghĩa cụ thể trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Tuy nhiên về mặt từ ngữ, giả mạo con dấu có thể được hiểu là hành vi làm giả con dấu của bất kỳ tổ chức, cơ quan nào nhằm mục đích lừa dối cá nhân, tổ chức, cơ quan.

Con dấu giả có thể nhận biết qua một số đặc điểm so với con dấu thật như sau:

  • Màu mực in kém chất lượng, không rõ nét, nét mực không đều, dễ nhòe, mờ khi sử dụng;

  • Chữ trên con dấu có thể sai chính tả, kiểu chữ không chuẩn so với font chữ bình thường, quốc huy không đều mực khi dùng, thiếu nét, dễ bị nhòe, mờ, một số chi tiết của chữ hoặc quốc huy bị thiếu, đứt răng cưa, bố cục hình và chữ không đều;

  • Bao bì đựng không chắc chắn, dễ rách, hộp đựng xê dịch, lỏng lẻo;

  • Giấy chứng nhận giá trị pháp lý của con dấu nếu có dấu hiệu tẩy xóa chứng tỏ đó là giấy tờ giả, các dòng kẻ cũng như chữ trên giấy không rõ ràng là có thể xác định đó là con dấu giả.

II. Giả mạo con dấu bị phạt bao nhiêu tiền?

Các hành vi liên quan đến giả mạo con dấu bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3, điểm a, b khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước; làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả.

III. Hành vi giả mạo con dấu có bị phạt tù không?

Hành vi giả mạo con dấu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội như mục đích, số tiền thu lợi bất chính,... mà người làm giả con dấu có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù với khung thấp nhất là từ 06 tháng đến 02 năm, khung cao nhất là từ 03 năm đến 07 năm.

IV. Giải đáp thắc mắc về giả mạo con dấu

Xoay quanh vấn đề về hành vi giả mạo con dấu có một số câu hỏi được NPLaw giải đáp như sau:

1. Trong công tác văn thư, con dấu của cơ quan, tổ chức phải được quản lý như thế nào?

Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, có quy định:

  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giao cho Văn thư cơ quan quản lý, sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức theo quy định.

  • Văn thư cơ quan có trách nhiệm như sau:

    • Bảo quản an toàn, sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức tại trụ sở cơ quan, tổ chức.

    • Chỉ giao con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức cho người khác khi được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền. Việc bàn giao con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức phải được lập biên bản.

    • Phải trực tiếp đóng dấu, ký số vào văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành và bản sao văn bản.

    • Chỉ được đóng dấu, ký số của cơ quan, tổ chức vào văn bản đã có chữ ký của người có thẩm quyền và bản sao văn bản do cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì Văn thư cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cơ quan quản lý, sử dụng con dấu khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó giao. Vậy nên việc quy trách nhiệm quản lý con dấu của cơ quan, đơn vị thuộc về ai còn phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.

2. Tố cáo hành vi giả mạo con dấu như thế nào?

Cá nhân phát hiện hành vi giả mạo con dấu có thể tố cáo bằng lời nói hoặc văn bản đến cơ quan công an hoặc cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cần xác định rõ dấu hiệu, tính chất của hành vi và có trách nhiệm trước pháp luật khi tố cáo tội phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về giả mạo con dấu. Đây là một hành vi trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân là nạn nhân của các tài liệu có in con dấu giả. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Trong trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn và hướng dẫn giải quyết. Xin chân thành cảm ơn Quý Khách hàng.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan