QUY ĐỊNH VỀ MANG HÀNG HÓA XÁCH TAY VỀ VIỆT NAM

“Hàng hóa xách tay” là cụm từ được nhiều người biết đến trong hoạt động kinh doanh, tiêu dùng. Vậy, pháp luật quy định thế nào về kinh doanh hàng hóa xách tay? Bài viết dưới đây của NPLaw sẽ giúp bạn phân tích một số quy định hiện hành về hàng hóa xách tay.

I. Thực trạng việc mang hàng hóa xách tay vào Việt Nam hiện nay

Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam thường có giá cao do phải chịu thuế và bị các đối tượng làm hàng hàng giả, hàng nhái nhắm tới. Để mua được hàng chính hãng, ưu đãi hơn về giá cả, hình thức mua bán hàng hóa xách tay ra đời và ngày càng phổ biến tại Việt Nam. 

II. Hàng hóa xách tay là gì?

1. Hàng hóa xách tay là gì?

Pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể thế nào là hàng hóa xách tay. Thực tế, “hàng hóa xách tay” là cách gọi của người dân đối với những hàng hóa được mua trực tiếp từ các cửa hàng nước ngoài mang về Việt Nam theo đường hàng không. Hàng hóa này được mang về dưới dạng hành lý ký gửi hoặc hành lý mang theo người của công dân.

Người tiến hành mua những hàng hóa này có thể là học sinh; tiếp viên hàng không; người du lịch, …

Hàng hóa xách tay

Hàng hóa xách tay

2. Những loại hàng hóa nào được phép "xách tay"?

Mua hàng xách tay là một dạng nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Do đó hàng hóa được phép xách tay là những hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam. 

Hàng hóa không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu theo Phụ lục I Nghị định 69/2018/NĐ-CP (hướng dẫn bởi Thông tư 173/2018/TT-BQP và Thông tư 11/2018/TT-BTTTT). Hàng hóa thuộc dạng được nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện cần phải có giấy phép, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Hàng hóa thường được lựa chọn để “xách tay” là: giày dép, quần áo, trang sức, phụ kiện, mỹ phẩm, đồ công nghệ, thiết bị điện tử…

III. Điều kiện để mang hàng hóa xách tay vào Việt Nam

Hàng hóa mang về Việt Nam và không bị xác định là hàng hóa nhập lậu cần đáp ứng các điều kiện theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:

"- Hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

- Hàng hóa được nhập khẩu, thông quan theo quy định pháp luật;

- Hàng hóa có hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng bắt buộc phải có giấy phép hoặc đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện;

- Hàng hóa phải dán tem nhập khẩu, đóng thuế theo quy định pháp luật."

Vì vậy, hàng hóa xách tay vào Việt Nam hợp pháp cần đảm bảo các điều kiện trên.

IV. Thủ tục khai báo hải quan đối với hàng hóa xách tay

Thủ tục đối với hàng hóa xách tay phải khai báo hải quan theo quy định tại Điều 21 Luật Hải quan 2014 (quy định về thu, nộp phí làm thủ tục hải quan được hướng dẫn tại Điều 31 Nghị định 08/2015/NĐ-CP) như sau:

Bước 1: Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;

Bước 2: Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;

Bước 3: Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xách tay

V. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về hàng hóa xách tay

1. Hàng hóa xách tay có phải là hàng hóa nhập lậu không?

Hàng hóa nhập lậu là hàng hóa được quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Do đó, hàng hóa xách tay không thuộc một trong các trường hợp theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì không phải hàng hóa nhập lậu.

2. Hành lý xách tay của người xuất cảnh có thuốc tây dạng viên nén có được miễn thuế xuất khẩu không?

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP: “3. Người xuất cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi, không thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện theo quy định của pháp luật, được miễn thuế xuất khẩu không hạn chế định mức”.

Vậy, người xuất cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; hành lý không thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện thì được miễn thuế xuất khẩu.

3. Tiếp viên hàng không có phải thực hiện soi chiếu hành lý xách tay khi thực hiện chuyến bay như hành khách hay không?

Theo khoản 3 Điều 43 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT: “3. Việc soi chiếu, giám sát, lục soát an ninh đối với thành viên tổ bay và hành lý của họ được thực hiện như đối với hành khách, hành lý xách tay của hành khách xuất phát.”

Như vậy, hành lý của tiếp viên hàng không vẫn phải kiểm tra hành lý. Việc kiểm tra này được thực hiện tương tự với hành khách trên chuyến bay.

4. Quy định về thuế đối với hàng hóa xách tay như thế nào?

Hàng hóa xách tay một trong các trường hợp theo Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì được miễn thuế. Phần vượt mức hành lý miễn thuế thì phải đóng thuế theo Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.

5. Hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hàng hóa xách tay sẽ bị xử lý như thế nào?

Cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về hàng hóa xách tay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Về xử phạt vi phạm hành chính:

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, kinh doanh hàng hóa nhập lậu bị xử phạt mức thấp nhất là từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng; hình thức xử phạt bổ sung là bị tịch thu tang vật, phương tiện vận tải vi phạm theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 11 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt nếu thuộc một số trường đặc biệt nêu tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

- Về trách nhiệm hình sự: theo Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a, b khoản 38 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017) về tội buôn lậu, khung hình phạt thấp nhất đối với cá nhân là: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

VI. Dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục liên quan đến hàng hóa xách tay

Hãng luật NPLaw cung cấp các dịch vụ liên quan đến hàng hóa xách tay như sau:

- Tư vấn quy định pháp luật về hàng hóa xách tay;

- Tư vấn, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan về hàng hóa xách tay;

- Giải đáp các thắc mắc của khách hàng liên quan đến hàng hóa xách tay.

Tùy từng vụ việc cụ thể, NPLaw sẽ báo phí chi tiết, trọn gói cho khách hàng. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan