GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Trong môi trường lao động, tranh chấp tập thể là một vấn đề phức tạp và thường xảy ra. Các tranh chấp này có thể xuất phát từ sự không đồng ý về quyền lợi, tiền lương, điều kiện làm việc hay sự không hài lòng về quyết định của nhà quản lý. Trong bối cảnh này, việc giải quyết tranh chấp tập thể là một thách thức đối với cả hai bên và đòi hỏi sự công bằng, linh hoạt và sự thỏa thuận để đạt được sự hài lòng và đồng thuận. Trong bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp cho bạn cụ thể thực trạng về tranh chấp lao động tập thể tại Việt Nam; thẩm quyền và và trình tự giải quyết tranh chấp lao động; các quy định của pháp luật về tranh chấp lao động tập thể…. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé! 

I. Thực trạng về tranh chấp lao động tập thể tại Việt Nam

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể với 1.619 người tham gia. Trong đó, Quận 7 và Bình Tân xảy ra 2 vụ/quận; huyện Bình Chánh và thành phố Thủ Đức xảy ra 1 vụ/quận.

 Thực trạng về tranh chấp lao động tập thể tại Việt Nam

Thực trạng tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2023 cho thấy một số diễn biến quan trọng. Số vụ tranh chấp không tăng so với cùng kỳ năm 2022, thêm vào đó, quy mô của các tranh chấp cũng giảm. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2023, thành phố ghi nhận 6 vụ tranh chấp với 1.619 người tham gia, trong khi cùng kỳ năm 2022 có 6 vụ với 2.786 người tham gia. Đáng chú ý, không có tranh chấp nào xảy ra sau Tết nguyên đán Quý Mão cho đến thời điểm hiện tại, chỉ tập trung xảy ra trong thời gian trước Tết năm 2023.

Các vụ tranh chấp chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may và da giày, và nguyên nhân chính là liên quan đến mức tiền lương và tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, các vụ tranh chấp này đã được xử lý trong thời gian ngắn và có sự tiếp cận và hỗ trợ từ các tổ công tác. Điều này đã giúp các bên liên quan thương lượng và giải quyết tranh chấp mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.

Như vậy, việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại thành phố trong năm 2023 cho thấy một sự cải thiện đáng kể trong quy mô và thời gian giải quyết. Tuy vẫn cần tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ và quan tâm đến quyền lợi lao động, nhưng những nỗ lực này đã đóng góp vào việc duy trì môi trường làm việc ổn định và bền vững cho các doanh nghiệp.

II. Tranh chấp lao động là gì?

Căn cứ vào Điều 179 Bộ luật lao động 2019, tranh chấp lao động được định nghĩa như sau:

Tranh chấp lao động tập thể là những tranh chấp lao động phát sinh từ mâu thuẫn, xung đột về quyền, nghĩa vụ, và lợi ích của tập thể người lao động trong quá trình thương lượng với người sử dụng lao động.

Tranh chấp lao động tập thể bao gồm: tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức người sử dụng lao động pháp sinh trong các trường hợp sau:

  • Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện các quy định của nội quy lao động, thỏa ước lao động, quy chế và các thỏa thuận khác.
  • Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật lao động.
  • Trường hợp người sử dụng lao động có các hành vi như phần biệt đối xử với người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động, hoặc vi phạm về nghĩa vụ thương lượng thiện chí.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là việc tranh chấp về những vấn đề chưa được quy định hoặc chưa từng được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc dưới hình thức khác, bao gồm các trường hợp sau:

  • Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể.
  • Khi một bên từ chối thương lượng, hoặc không tiến hành thương lượng trong nội dung quy định.

1. Phân biệt tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể

Tiêu chí

Tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động tập thể

Chủ thể tham gia

– Tranh chấp giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động,

 

– Tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

– Tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;

Tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động

Mục đích tranh chấp

Mục tiêu cá nhân, đòi quyền lợi cho cá nhân người lao động hoặc người sử dụng lao động

Mục tiêu là những quyền lợi gắn liền với tập thể lao động (tuy nhiên cũng có trường hợp một cá nhân đại diện một tập thể đứng ra tranh chấp với người sử dụng lao động vì lợi ích của tập thể)

Nội dung tranh chấp

Thường tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người lao động/ người sử dụng lao động; 

Nội dung tranh chấp thường liên quan đến các thỏa thuận trong hợp đồng lao động  (ví dụ: kỷ luật lao động, nghỉ việc, các chế độ đãi ngộ, thực hiện BHXH…)

Thường tranh chấp nhiều nội dung;

Nội dung tranh chấp  là quyền, nghĩa vụ, lợi ích gắn liền với tập thể người lao động , thường là tranh chấp liên quan đến thỏa ước lao động tập thể

Cơ sở phát sinh tranh chấp

Hợp đồng lao động

Thỏa ước lao động tập thể

Tính chất tranh chấp

Đơn lẻ

Tập thể, có tổ chức

Mức độ phức tạp và quy mô

Đơn giản và dễ giải quyết hơn

Quy mô nhỏ hơn

Phức tạp và khó giải quyết hơn

Quy mô lớn hơn

Sự tham gia của tổ chức đại diện

Không có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động, nếu có thì chỉ tham gia với tư cách là người đại diện khi có ủy quyền hoặc tư cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động với tư cách là một bên trong tranh chấp

Hệ quả

Chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân người lao động

Ảnh hưởng tới tập thể người lao động

Cơ sở phát sinh

Hợp đồng lao động (xác lập, thực hiện, chấm dứt)

Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể

2. Phân biệt tranh chấp lao động thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể vì lợi ích

Tiêu chí

Tranh chấp lao động tập thể về quyền

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Khái niệm

Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:

 

+ Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;

 

+ Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;

 

+ Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.

 

- Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 179 Bộ luật lao động 2019

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

 

+ Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;

 

+ Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

 

- Căn cứ pháp lý: Khoản 3 Điều 179 Bộ luật lao động 2019

Căn cứ phát sinh tranh chấp

Phát sinh trên cơ sở quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động đã được ghi nhận trong các văn bản có liên quan: quy định của Bộ luật lao động; các quy định trong thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác. Có thể hiểu một cách đơn giản là những nội dung được ghi nhận trong các văn bản trên tập thể người lao động và người sử dụng lao động có cách hiểu khác nhau dẫn đến có những cách áp dụng khác nhau tác động tiêu cực đến phía bên kia dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột.

Phát sinh trên cơ sở tập thể người lao động không thỏa mãn với những điều kiện lao động hiện tại của họ, mong muốn xác lập những điều kiện lao động mới tốt hơn. Nói cách khác, tập thể người lao động và người sử dụng lao động phát sinh tranh chấp không trên những quy định đã có mà phát sinh dựa trên tình trạng thực tế. Yêu cầu thêm các điều kiện mới so với các quy định, thỏa thuận đã có trước đó. Đời hỏi quyền về lợi ích của tập thể người lao động đối với người sử dụng lao động.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp

+ Hoà giải viên lao động

 

+ Hội đồng trọng tài lao động

 

+ Toà án nhân dân.

 

- Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 191 Bộ luật lao động 2019

+ Hoà giải viên lao động.

 

+ Hội đồng trọng tài lao động.

 

- Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 195 Bộ luật lao động 2019

 

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp

- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

 

- Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

 

- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

 

Căn cứ pháp lý: Điều 194 Bộ luật lao động 2019

Không quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp.

III. Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động

1. Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động về quyền.

Căn cứ vào Điều 191, Điều 192 Bộ luật lao động năm 2019, thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền được quy định như sau:

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm: 

  • Hòa giải viên lao động
  • Hội đồng trọng tài lao động 
  • Tòa án nhân dân.

Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động về quyền

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền được thực hiện như sau:

Thứ nhất, hòa giải tại Hòa giải viên lao động. 

Việc giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài hay Tòa án giải quyết là bắt buộc đối với giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.

Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật lao động năm 2019 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của hoà giải viên lao động bao gồm tất cả các tranh chấp lao động, trong đó có tranh chấp lao động tập thể về quyền. Thủ tục và nội dung giải quyết của hoà giải viên lao động với tranh chấp lao động tập thể về quyền tương tự như giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Kết quả cũng là biên bản hoà giải thành nếu các bên thoả thuận được hoặc nhất trí với phương án hoà giải của hoà giải viên. Biên bản hoà giải không thành sẽ được lập trong trường hợp các bên không nhất trí với phương án hoà giải của hoà giải viên hoặc triệu tập họp lệ đến lần thứ hai mà một bên tranh chấp vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Đối với các tranh chấp về sự khác nhau trong hiểu và thực hiện quy định pháp luật hoặc người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử, thao túng tổ chức đại diện người lao động (điểm b, c khoản 2 Điều 179 Bộ luật lao động năm 2019) mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì hoà giải viên lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ hai, giải quyết tại Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án nhân dân. 

Trường hợp hai bên tranh chấp lao động tập thể về quyền tiến hành hòa giải tại hòa giải viên lao động không thành hoặc hòa giải thành nhưng một bên không thực thi biên bản hòa giải hoặc hết hạn giải quyết theo quy định mà Hòa giải viên lao động không giải quyết vụ việc thì hai bên có thể thỏa thuận yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp hoặc một trong hai bên hoặc cả hai bên được yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết, ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. Trường hợp phát hiện ra tranh chấp có hành vi vi phạm pháp luật thì không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản, chuyển hồ sơ, tài liệu tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Đương nhiên trong thời gian giải quyết theo thủ tục trọng tài, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

2. Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích

Căn cứ vào Điều 195, Điều 196, Điều 197 Bộ luật lao động năm 2019, thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được quy định như sau:

Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm: 

  • Hòa giải viên lao động
  • Hội đồng trọng tài lao động.

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được thực hiện như sau:

Thứ nhất, hòa giải tại Hòa giải viên lao động

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại hoà giải viên lao động tương tự như thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tập thể về quyền. Kết quả của bước hòa giải này là biên bản hoà giải thành hoặc biên bản hoà giải không thành. Trường hợp hoà giải thành, biên bản hoà giải thành có giá trị pháp lý như thoả ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc hết thời hạn hoà giải mà hoà giải viên không tiến hành hòa giải hoặc một trong hai bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hoà giải thành thì có quyền lựa chọn 1 trong 2 phương thức yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc Tổ chức đại diện người lao động tiến hành đình công.

Thứ hai, giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động được quy định tại Điều 196 và Điều 197 Bộ luật lao động năm 2019. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp ban trọng tài lao động phải được thành lập và trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên. Khi lựa chọn phương thức giải quyết qua Hội đồng trọng tài, Tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp hết thời hạn quy định mà ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc không ra quyết định về vụ việc trong thời hạn luật định hoặc người sử dụng lao động không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài, thì Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục đình công.

IV. Quy định của pháp luật về tranh chấp lao động tập thể

So với quy định về khái niệm tranh chấp lao động trong Luật cũ thì Bộ luật Lao động 2019 có khác biệt lớn hơn. Khái niệm về tranh chấp lao động trong Bộ luật Lao động 2019 đã đưa ra giải thích tranh chấp lao động cụ thể hơn về các loại tranh chấp được xem là tranh chấp lao động. Việc quy định rõ hơn về các loại tranh chấp lao động góp phần giúp cho người lao động có thể xác định được quan hệ tranh chấp từ đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình khi có tranh chấp xảy ra. 

Ngoài ra, Hội đồng trọng tài lao động còn được bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thay thế cho thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định trước đây.

Bên cạnh đó, tương tự như quy định của Bộ luật Lao động trước đây thì Bộ luật Lao động 2019 đã quy định các tranh chấp lao động tập thể đều phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Tuy nhiên, trong tranh chấp lao động về quyền thì một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải hoặc hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án để giải quyết. 

V. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến tranh chấp lao động tập thể

1. Có tranh chấp lao động tập thể về quyền thì người lao động làm việc tại công ty nhiệt điện có được phép đình công không?

Căn cứ Điều 105 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công như sau:

“ Ban hành Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công gồm những doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe con người theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.”

Theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP , nếu người lao động làm việc tại các công ty nhiệt điện sau đây thì không được phép đình công khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể quyền:

- 03 đơn vị thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gồm: Công ty Thủy điện Hòa Bình; Công ty Thủy điện Sơn La; Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.

- Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thuộc Tổng Công ty Phát điện 1.

- Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phát điện 3.

- Các Công ty truyền tải điện thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.

Trường hợp không thuộc các công ty nhiệt điện trên thì người lao động được phép thực hiện đình công khi hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền không thành.

Như vậy, tùy vào trường hợp, khi có tranh chấp lao động tập thể về quyền thì người lao động làm việc tại công ty nhiệt điện có thể có hoặc không được phép đình công.

2. Có thể giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại nơi người lao động không được đình công thông qua Hội đồng trọng tài lao động hay không?

Căn cứ Điều 107 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công như sau:

“1. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Như vậy, theo quy định trên thì có thể giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công thông qua Hội đồng trọng tài lao động nhưng cần phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước.

3. Tranh chấp lao động tập thể tại nơi không được phép đình công thì Hội đồng trọng tài hay Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan giải quyết cuối cùng?

Căn cứ khoản 1 Điều 107  Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công như sau:

“1. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Như vậy, tại nơi mà người lao động không được phép đình công khi có tranh chấp lao động tập thể xảy ra thì cần phải giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước. Trường hợp hòa giải không thành thì tập thể người lao động sẽ lựa chọn giữa Hội đồng trọng tài lao động hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể để có hướng giải quyết cuối cùng.

VI. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến tranh chấp lao động tập thể

Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên tư vấn pháp lý giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, NPLaw luôn là nơi uy tín để khách hàng tin tưởng và trao đổi tất cả các vướng mắc.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan