Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm bị xử lý như thế nào?

Mục đích cơ bản của bảo hiểm là nhằm bảo đảm bù đắp những tổn thất do những rủi ro mà cá nhân hay tổ chức gặp phải, góp phần ổn định hoạt động của mỗi cá nhân, tổ chức đó. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tồn tại nhiều hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích hưởng lợi không chính đáng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, NPLaw gửi đến bạn bài viết dưới đây về các thông tin liên quan đến vấn đề này.

I. Thực trạng về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Hiện nay, thị trường bảo hiểm phát triển ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi. Việc gian lận trong kinh doanh bảo hiểm vẫn đang là vấn đề nhức nhối, và là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. 

Hành vi gian lận bảo hiểm có các hình thức ngày càng đa dạng, phức tạp, và xuất hiện trong bất kỳ khâu nào trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm từ khai thác, ký kết hợp đồng, giám định, giải quyết bồi thường và do nhiều đối tượng khác nhau thực hiện. Hành vi gian lận bảo hiểm không chỉ do khách hàng gây ra, mà còn xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm như lợi dụng chức vụ, sự tin tưởng của khách hàng, đồng nghiệp và sự hiểu biết về quy trình, hệ thống nhằm thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền, tài sản của doanh nghiệp. 

II. Tìm hiểu về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Kinh doanh bảo hiểm là gì?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Vì sao gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành của Việt Nam không đề cập đến khái niệm hành vi trục lợi, gian lận bảo hiểm cụ thể. Gian lận bảo hiểm là hành vi luôn tồn tại song hành với sự ra đời và phát triển của ngành bảo hiểm. 

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là hành vi vi phạm các quy định về thụ hưởng bảo hiểm. Hoạt động gian lận bảo hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện với lỗi cố ý. 

III. Các hành vi được xem là gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

  • Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
  • Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Như vậy, trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ có 04 hành vi nêu trên bị coi là gian lận bảo hiểm.

IV. Quy định của pháp luật về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Cơ sở pháp lý

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là hành vi vi phạm các quy định về thụ hưởng bảo hiểm, hoạt động bảo hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện với lỗi cố ý. Hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là một trong những hành vi vi phạm pháp luật.  Pháp luật Việt Nam có những quy định để điều chỉnh vấn đề gian lận trong kinh doanh bảo hiểm cụ thể. 

- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;

- Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

- Nghị định 98/2013/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số;

- Nghị định 48/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

2. Dấu hiệu tội phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là hành vi vi phạm các quy định về thụ hưởng bảo hiểm, hoạt động bảo hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác.

Dấu hiệu tội phạm về Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm:

- Khách thể của tội phạm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm xâm phạm các quy định của nhà nước về quản lý thị trường bảo hiểm;

- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm  được thực hiện với lỗi cố ý;

- Mặt khách quan của tội phạm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm thực hiện bằng các hành vi sau:

  • Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
  • Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  • Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

- Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

V. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Doanh nghiệp có chịu trách nhiệm hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm hay không?

Theo khoản 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

Theo Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như sau:

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 213 quy định về Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm Bộ luật này.

Theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

2. Khung hình phạt tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đối với pháp nhân thương mại được quy định như nào?

Theo khoản 5 Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về khung hình phạt tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đối với pháp nhân thương mại như sau:

- Khung 01: Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này(cụ thể: Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm) mà chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

- Khung 02: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều này (cụ thể: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm) hoặc chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Khung 03: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này (cụ thể: Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên) chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

- Hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

3. Cá nhân phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được xử lý như thế nào?

Theo Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

  • Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
  • Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

  • Có tổ chức;
  • Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
  • Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

  • Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;
  • Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

VI. Vấn đề gian lận trong kinh doanh bảo hiểm có nên liên hệ luật sư không? Liên hệ như thế nào?

Việc gian lận trong kinh doanh bảo hiểm vẫn đang là vấn đề nhức nhối, và là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Hành vi gian lận bảo hiểm có các hình thức ngày càng đa dạng, phức tạp, và xuất hiện trong bất kỳ khâu nào trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm từ khai thác, ký kết hợp đồng, giám định, giải quyết bồi thường và do nhiều đối tượng khác nhau thực hiện.  Hiện nay, quy định của pháp luật về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Tuy nhiên, pháp luật nước ta vẫn còn nhiều quy định bất cập trong việc vận dụng điều luật hình sự về “gian lận bảo hiểm” hiện nay. Vì vậy, nếu quý khách hàng đang gặp vấn đề về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, bạn có thể liên hệ đến NPlaw. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp luật về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm uy tín với các chuyên viên và Luật sư có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan