Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định như thế nào?

Kinh doanh dịch vụ viễn thông không còn mấy xa lạ, để đáp ứng nhu cầu của người dùng ngày càng nhiều giữa thời đại 4.0, nhiều doanh nghiệp thực hiện xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định pháp luật mới được cấp phép. Tuy nhiên, một số trường hợp doanh nghiệp vẫn được cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng không phải mất thời gian và chi phí cho việc xin cấp phép, đó là các trường hợp được miễn giấy phép viễn thông mà luật định.  Hãy cùng NPLAW xem qua bài viết dưới đây để tìm hiểu các vấn đề và quy định liên quan đến giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông nhé!

I/ Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông là gì?

Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông là một loại giấy phép viễn thông, đây là loại giấy tờ cho phép doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông. Theo Khoản 2 Điều 34 Luật Viễn Thông năm 2009 thì giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:

  • Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;
  • Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.

II/ Giấy phép viễn thông hiện nay có bao nhiêu loại?

Hiện nay, giấy phép viễn thông có hai loại là giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông theo Khoản 1 Điều 34 Luật Viễn thông năm 2009. Do đó, khi kinh doanh loại hình dịch vụ này, doanh nghiệp cần xin cấp giấy phép viễn thông. Tuy nhiên, một số trường hợp doanh nghiệp được miễn giấy phép viễn thông. 

Vậy những trường hợp nào thì doanh nghiệp được miễn giấy phép viễn thông?

Theo quy định tại Điều 40 Luật Viễn thông năm 2009 thì doanh nghiệp được miễn giấy phép viễn thông khi:

- Kinh doanh hàng hóa viễn thông;

- Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông;

- Thuê đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông;

- Mạng viễn thông dùng riêng. Trừ ba trường hợp sau:

  • Mạng viễn thông dùng riêng có đường truyền dẫn hữu tuyến do tổ chức xây dựng;
  • Mạng viễn thông dùng riêng mà thành viên của mạng là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có cùng mục đích, tính chất hoạt động và được liên kết với nhau bằng điều lệ tổ chức và hoạt động hoặc hình thức khác;
  • Mạng viễn thông vô tuyến dùng riêng cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc ưu đãi, miễn trừ lãnh sự;

III/ Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông

Doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Viễn thông năm 2009, cụ thể:

Một là, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;

Hai là, có đủ khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án;

Ba là, có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông;

Bốn là, có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.

Doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Viễn thông năm 2009, cụ thể:

Một là, các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

Hai là, vốn pháp định và mức cam kết đầu tư theo quy định của Chính phủ (vấn đề này được hướng dẫn từ Điều 19 đến Điều 21 Nghị định 25/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2011).

Như vậy, để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông thì doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Viễn thông 2019, ngoài ra đối với việc xin cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng doanh nghiệp còn phải đáp ứng thêm điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư theo quy định của Chính phủ như đã nêu trên.

IV/ Việc cấp giấy phép viễn thông phải đảm bảo những nguyên tắc nào?

Nguyên tắc cấp phép viễn thông được quy định tại Điều 35 Luật Viễn thông năm 2009, cần đảm bảo:

  • Phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.
  • Ưu tiên cấp giấy phép viễn thông cho dự án có khả năng triển khai nhanh trên thực tế, có cam kết cung cấp dịch vụ lâu dài cho đông đảo người sử dụng dịch vụ viễn thông; dự án cung cấp dịch vụ viễn thông đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Trường hợp việc cấp giấy phép viễn thông có liên quan đến sử dụng tài nguyên viễn thông thì chỉ được xét cấp nếu việc phân bổ tài nguyên viễn thông là khả thi, theo đúng quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông.
  • Tổ chức được cấp giấy phép viễn thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép viễn thông, về việc triển khai thực hiện các quy định tại giấy phép và cam kết với cơ quan cấp phép.
  • Tổ chức được cấp giấy phép viễn thông phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

V/ Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông

1. Thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Viễn Thông năm 2009 quy định Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Đồng thời, tại Điều 18 Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp giấy phép viễn thông, trong đó tại điểm a, b khoản 1 Điều 18 quy định Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng có sử dụng băng tần số vô tuyến điện và Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông công cộng có sử dụng băng tần số vô tuyến điện; bên cạnh đó theo quy định tại điểm a, b Khoản 2 Điều 18 Nghị định này thì: Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có thẩm quyền cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng ngoài trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này và Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông công cộng ngoài trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;

Như vậy, việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.

2. Thời hạn xử lý hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông là bao lâu?

Theo Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị định 81/2016/NÐ-CP quy định về thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông xem xét và thông báo cho doanh nghiệp biết về tính hợp lệ của hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền.

Đối với trường hợp từ chối cấp phép, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép biết.

VI/ Giải đáp thắc mắc về giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông

1. Việc công bố nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông phải được thực hiện trong thời hạn bao lâu?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định 25/2011/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định 81/2016/NÐ-CP về công bố nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp phải đăng trên một trong các tờ báo viết trong ba số liên tiếp hoặc báo điện tử và trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông trong 20 ngày gồm các nội dung:

  • Tên doanh nghiệp, tên giao dịch của doanh nghiệp bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu có); địa điểm trụ sở chính, địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam;
  • Số giấy phép, ngày cấp giấy phép, ngày hết hạn giấy phép;
  • Loại mạng viễn thông, phạm vi thiết lập mạng viễn thông (nếu có);
  • Phạm vi kinh doanh dịch vụ, loại hình dịch vụ được phép kinh doanh (nếu có);

2. Công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông ngừng kinh doanh có trách nhiệm phải thông báo và cung cấp cho khách hàng dịch vụ viễn thông thay thế hay không?

Căn cứ Khoản 6 Điều 17 Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định:

“Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và các bên có liên quan, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về việc ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông ít nhất 30 ngày trước khi chính thức ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông.”

Như vậy, ít nhất 30 ngày trước khi chính thức ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông có trách nhiệm phải thông báo và cung cấp cho khách hàng dịch vụ viễn thông thay thế.

3. Doanh nghiệp có sửa đổi giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng khi thay đổi phạm vi thiết lập mạng hay không?

Căn cứ Điều 24 Nghị định 25/2011/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 81/2016/NÐ-CP thì trong thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp đã được cấp phép phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông khi thay đổi phạm vi thiết lập mạng viễn thông, phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông, loại hình dịch vụ, nhu cầu sử dụng tài nguyên viễn thông đã được cấp phép theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo quy định trên thì trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi phạm vi thiết lập mạng thì cần phải thực hiện thủ tục sửa đổi giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng để phù hợp với điều kiện thực tế.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan