Kinh doanh lữ hành là một trong những hoạt động chính của hầu hết các doanh nghiệp du lịch hiện nay. Đối với doanh nghiệp, kinh doanh lữ hành đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận không nhỏ giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển, đối với khách du lịch, kinh doanh lữ hành cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với các mục đích khác.
Du lịch đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Việc thu hút khách du lịch tạo ra nguồn thu nhập khổng lồ cho các địa phương nhưng vẫn hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học. Thông qua các doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành, hoạt động du lịch được thực hiện có quy mô, tổ chức, chuyên nghiệp và an toàn hơn. Để hiểu rõ hơn về Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, NPLaw xin giới thiệu tới quý bạn đọc các nội dung cơ bản liên quan đến loại Giấy phép này.
Kinh doanh lữ hành có thể hiểu đơn giản là các doanh nghiệp xây dựng lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi sau đó bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chuyến đi cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Các nội dung liên quan đến Giấy phép kinh doanh lữ hành
Theo quy định của pháp luật thì khách du lịch bao gồm ba loại khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài, trong đó:
- Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.
- Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch.
- Khách du lịch ra nước ngoài là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài
Các loại khách du lịch
Tương ứng với các loại khách du lịch, kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng bao gồm hai hoạt động chính:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
Để được cấp giấy phép kinh doanh, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và phải có Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy phép
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định của Luật Du lịch năm 2017.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
- Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở;
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tương tự với hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cũng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và phải có Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy phép
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định của Luật Du lịch năm 2017;
- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
- Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch;
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hay không?
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Du lịch 2017 thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngoài ra, các hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phép kinh doanh, trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có được phép kinh doanh lữ hành quốc tế?
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Du lịch 2017 thì chỉ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được phép kinh doanh cả hai dịch vụ là dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa không được phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành là bao nhiêu?
- Căn cứ vào khoản 1 Điều 04 Thông tư 33/2018/TT-BTC thì Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa được quy định như sau:
a) Cấp mới: 3.000.000 đồng/giấy phép;
b) Cấp đổi: 2.000.000 đồng/giấy phép;
c) Cấp lại: 1.500.000 đồng/giấy phép.
Trên đây là những nội dung về Giấy phép kinh doanh lữ hành mà NPLaw thông tin đến quý bạn đọc.
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw có nhiều năm hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến Giấy phép và các dịch vụ pháp lý khác. Nếu khách hàng cần hỗ trợ hoặc cần tìm hiểu thêm thông tin, vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn