GIẤY PHÉP KINH DOANH

Giấy phép kinh doanh là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện, loại giấy này thông thường được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.. Vậy làm sao để hiểu thế nào là giấy phép kinh doanh và những vấn đề liên quan xoay quanh về giấy phép kinh doanh như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I.Giấy phép kinh doanh là gì?

Giấy phép kinh doanh (GPKD) là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện, loại giấy này thông thường được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp: Doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.). Trên thực tế chúng ta hay gọi tắt tất cả các loại giấy này gọi tắt là giấy phép kinh doanh.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay theo chúng ta vẫn hay gọi là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không hẳn là giấy phép kinh doanh. Vì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là việc cá nhân, tổ chức đi đăng ký. Còn giấy phép kinh doanh là việc cá nhân, tổ chức đi xin phép.

Giấy phép kinh doanh là gì?

II.Các loại giấy phép kinh doanh

Các loại giấy phép kinh doanh bao gồm:

+ Giấy phép kinh doanh thuộc ngành văn hóa thông tin, ví dụ: giấy phép thực hiện quảng cáo, giấy phép hoạt động karaoke, vũ trường, giấy phép treo biển quảng cáo…

+ Giấy phép kinh doanh thuộc ngành thương mại, ví dụ: giấy phép kinh doanh thuốc lá, giấy phép kinh doanh rượu, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu…

+ Giấy phép kinh doanh thuộc ngành công nghiệp, ví dụ giấy phép khảo sát, khai thác, chế biến khoáng sản; giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, quyết định cho phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp….

+ Giấy phép kinh doanh thuộc ngành tài chính, ngân hàng, ví dụ: giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, giấy phép hoạt động và kinh doanh chứng khoán…

+ Giấy phép kinh doanh thuộc các ngành kinh tế khác…

+ Giấy phép kinh doanh thuộc ngành công an: giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép vận chuyển vật liệu nổ…

Các loại giấy phép kinh doanh

III.Quy định về giấy phép kinh doanh

Giấy phép kinh doanh có những đặc điểm sau:

+ Là giấy tờ pháp lý: Giấy phép con là loại giấy tờ có giá trị pháp lý, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Giấy phép con có thể được sử dụng để chứng minh cho việc cá nhân, tổ chức đủ điều kiện kinh doanh một hoặc một số ngành nghề có điều kiện.

+ Là giấy tờ pháp lý bắt buộc phải có đối với các doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề có điều kiện;

+ Đối với mỗi ngành, nghề khác nhau, điều kiện và quy định để được cấp giấy phép con cũng sẽ khác nhau;

+ Thông thường, các giấy phép con đều có thời hạn sử dụng, doanh nghiệp buộc phải làm thủ tục gia hạn hoặc cấp mới thì mới có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh.

+ Việc cấp giấy phép kinh doanh nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

IV.Điều kiện để xin cấp Giấy phép kinh doanh

Quy định về điều kiện xin giấy phép kinh doanh thường có các nội dung sau đây:

- Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;

- Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;

- Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;

- Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);

- Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;

- Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).

Căn cứ những theo những quy định này đối với từng loại ngành, nghề có điều kiện, cá nhân tổ chức chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để xin giấy phép kinh doanh cho ngành, nghề đó.

- Hồ sơ đăng ký làm giấy phép kinh doanh sẽ bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện;

+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

+ Bản điều lệ công ty;

+ Bản phương án kinh doanh dự kiến;

+ Thông tin/Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người đứng đầu doanh nghiệp/thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập;

+ Giấy tờ chứng minh trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm đối với lĩnh vực hoạt động của những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp;

+ Các giấy tờ pháp lý khác đối với từng ngành nghề cụ thể.

V. Giải đáp các thắc mắc về giấy phép kinh doanh

1. Giấy phép đăng ký kinh doanh có thời hạn không?

Vấn đề giấy phép kinh doanh có thời hạn bao lâu sẽ tùy thuộc vào ngành nghề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép các tổ chức, cá nhân được phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. 

Giấy phép kinh doanh cho ngành nghề yêu cầu điều kiện: đối với một số ngành nghề nhất định thì giấy phép kinh doanh sẽ có thời hạn cụ thể. Ví dụ: giấy phép kinh doanh đồ uống có cồn có thời hạn 5 năm. 

Pháp luật hạn chế các cá nhân đăng ký sản xuất kinh doanh đối với những ngành nghề có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Hoặc những ngành nghề cần phải được kiểm duyệt chặt chẽ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đó là lý do tại sao pháp luật quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để các chủ thể biết về các ngành nghề kinh doanh của mình có thuộc nhóm những ngành nghề hạn chế sản xuất kinh doanh hay không. Pháp luật ban hành Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này có nghĩa rằng, các chủ thể khi kinh doanh những lĩnh vực này cần phải đáp ứng một hoặc một số những điều kiện nhất định theo quy định của Pháp luật thì mới được phép thực hiện quá trình sản xuất kinh doanh trên mặt thực tế. Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, bao gồm 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (trước đây là 243 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư 2014).

– Bên cạnh đó, một số loại giấy phép con cũng có thời hạn cụ thể như là:

+ Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm được cấp bởi Sở y tế hoặc Phòng y tế có hiệu lực 03 năm.

+ Giấy cam kết bảo vệ môi trường được cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực 03 năm đối với các cơ sở kinh doanh các hóa chất độc hại và có thời hạn 5 năm với cơ sở không kinh doanh các loại hóa chất độc hại.

2. Xin giấy phép kinh doanh ở đâu?

Với mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có những điều kiện, yêu cầu khác nhau về nơi xin cấp giấy phép kinh doanh.

Ví dụ:

Khi xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thì đến Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Khi xin giấy phép phòng cháy chữa cháy thì đến Cục Cảnh sát PCCC thuộc Bộ Công an hoặc Phòng Cảnh sát PCCC;

Khi xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm thì đến Bộ Công thương, Bộ Y tế hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tùy vào lĩnh vực kinh doanh);

3. Đổi loại hình công ty thì có cần làm hồ sơ đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không?  làm thế nào?

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định như sau:

"Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;

b) Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;

c) Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh vận tải gồm:

a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh do thay đổi nội dung của Giấy phép kinh doanh bao gồm:

a) Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh trong đó nêu rõ lý do xin cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh sự thay đổi của những nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định này (việc thay đổi liên quan đến nội dung nào thì bổ sung tài liệu về nội dung đó).

4. Trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị mất hoặc bị hư hỏng, hồ sơ gồm: Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này.

5. Trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng, hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh:

a) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này; đối với hộ kinh doanh vận tải thực hiện theo khoản 2 Điều này;

b) Tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh."

Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 17 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 17. Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

2. Nội dung Giấy phép kinh doanh bao gồm:

a) Tên và địa chỉ đơn vị kinh doanh;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) bao gồm: Số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp;

c) Người đại diện theo pháp luật;

d) Các hình thức kinh doanh;

đ) Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh.”

Như vậy, theo quy định trên, trường hợp công ty bạn thay đổi loại hình công ty thì bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau để tiến hành thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh:

+ Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh trong đó nêu rõ lý do xin cấp lại.

+ Tài liệu chứng minh sự thay đổi của nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh về hình thức kinh doanh.

4. Mất giấy phép kinh doanh có được cấp lại không?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 nghị định 72/2009/NĐ-CP có quy định:

''3. Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bị mất, hỏng; cơ sở kinh doanh có sự thay đổi về tên gọi, người đứng đầu, người đại diện hợp pháp theo pháp luật hoặc thay đổi địa điểm, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì cơ sở kinh doanh phải làm văn bản đề nghị (kèm theo các tài liệu chứng minh sự cần thiết phải đổi lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự) gửi cơ quan Công an đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để cấp lại hoặc đổi Giấy chứng nhận mới".

Ở quy định trên quy định về giấy phép đủ điều kiện an ninh trật tự (là một trong những loại giấy phép kinh doanh), nên khi giấy phép kinh doanh bị mất thì vẫn được làm thủ tục để xin cấp lại theo hướng dẫn như trên. Như vậy, mất giấy phép kinh doanh sẽ được cấp lại.

5. Có cần thể hiện mã HS code trên Giấy phép kinh doanh khi Giấy phép kinh doanh được điều chỉnh hay không?

Căn cứ Công văn 6219/BCT-KH năm 2018 hướng dẫn thực hiện theo quy định của Nghị định 09/2018/NĐ-CP về bán buôn, bán lẻ có quy định như sau:

"...

2. Về cách ghi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

a) Nghị định số 09/2018/NĐ-CP không có quy định bắt buộc về việc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài kê khai danh mục hàng hóa thực hiện quyền phân phối bán lẻ theo mã HS, tên gọi hay theo chương. Việc xác định phạm vi danh mục hàng hóa kinh doanh và kê khai danh mục hàng hóa theo mã HS, theo tên gọi hay theo chương... là quyền của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế trên cơ sở tự cân đối nhu cầu, năng lực và kế hoạch kinh doanh, khả năng và kế hoạch tài chính, quy mô cơ sở bán lẻ, loại hình cơ sở bán lẻ (nếu có đề nghị lập cơ sở bán lẻ), sự thuận tiện cho tổ chức kinh tế khi thực hiện các thủ tục thông quan, kê khai thuế phù hợp với quy định pháp luật về thuế, tài chính, thủ tục hải quan có liên quan.

Cơ quan cấp Giấy phép (Sở Công Thương) ghi nội dung về hàng hóa tại Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ trên cơ sở hồ sơ đề nghị của tổ chức kinh tế, phù hợp với kết quả xem xét, đánh giá của Sở Công Thương về việc đáp ứng các điều kiện cấp phép, sự phù hợp của kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính với quy mô kinh doanh, quy mô cơ sở bán lẻ, loại hình cơ sở bán lẻ (nếu tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có đề nghị lập cơ sở bán lẻ), đặc thù của hàng hóa dự kiến kinh doanh..., theo đúng quy định của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

..."

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu đã có quyền nhập khẩu theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương mới được quyền thực hiện các hoạt động liên quan đến quyền nhập khẩu. Và việc ghi mã HS code trên Giấy phép kinh doanh là không bắt buộc.

6. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi trong trường hợp nào?

Hầu hết các giấy phép đều không có thời hạn trừ một số loại mà chúng tôi có nhắc đến. Điều này không có nghĩa giấy phép kinh doanh có hiệu lực trọn đời, doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc xóa tên trong trong sổ đăng ký kinh doanh nếu phạm phải một trong những điều quy định tại khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

+ Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo;

+ Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này thành lập;

+ Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

+ Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

+ Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.

Mỗi đơn vị kinh doanh đều phải đăng ký kinh doanh và sở hữu giấy phép kinh doanh, bất kể là kinh doanh ngành nghề gì. Các doanh nghiệp cần phải chú ý đến thời hạn của giấy phép kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

VI. Lợi ích khi chọn dịch vụ tư vấn và thực hiện giấy phép kinh doanh

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề giấy phép kinh doanh. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan