GIẤY ỦY QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ GÌ?

Ủy quyền sử dụng đất là một hoạt động diễn ra phổ biến trong thực tế. Bên cạnh hợp đồng ủy quyền, thì thỏa thuận giữa các bên theo hình thức giấy ủy quyền sử dụng đất vẫn luôn được ưu tiên.

Bài viết dưới đây, NPLaw sẽ cung cấp đến bạn đầy đủ và chính xác thông tin đồng thời giải đáp những thắc mắc thường gặp về giấy ủy quyền sử dụng đất.

I. Giấy ủy quyền sử dụng đất là gì?

Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).”Theo đó, có thể hiểu giấy ủy quyền sử dụng đất là văn bản pháp lý dùng để ghi nhận sự thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền, theo đó, bên ủy quyền chỉ định bên được ủy quyền thay mình thực hiện các công việc liên quan đến việc sử dụng đất trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền.

II. Trường hợp nào làm giấy ủy quyền quyền sử dụng đất?

Một số trường hợp có thể làm giấy ủy quyền sử dụng đất, cụ thể:

  • Người ủy quyền đang ở nước ngoài hoặc ở khu vực khác không tiện trong việc quản lý, sử dụng đất.
  • Người ủy quyền sức khỏe không tốt nên không thể trực tiếp mua bán đất (chưa mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình).
  • Vợ chồng ủy quyền cho nhau để định đoạt về tài sản chung.
  • Người ủy quyền không có nhiều kinh nghiệm, không rõ quá trình làm thủ tục chuyển nhượng,.…

III. Nội dung giấy ủy quyền sử dụng đất bao gồm những gì?

Pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về nội dung giấy ủy quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, giấy ủy quyền sử dụng đất cần phải được bảo đảm các nội dung chi tiết và chính xác. Cụ thể:

  • Thông tin của bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền: Họ tên, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; quốc tịch; số điện thoại… Trường hợp bên ủy quyền là tổ chức thì ghi thông tin của người đại diện.
  • Nội dung ủy quyền: Ghi rõ thông tin của mảnh đất ủy quyền sử dụng:
    • Số thửa đất;
    • Hạng đất;
    • Loại đất;
    • Diện tích;
    • Thông tin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
  • Thời gian ủy quyền: Nên ghi rõ từ ngày/tháng/năm nào đến ngày/tháng/năm nào…
  • Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền.
  • Có thể thỏa thuận về thù lao của các bên.

IV. Quy định pháp luật ủy quyền sử dụng đất đai

Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định Đại diện theo ủy quyền: "1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự."Theo quy định thì bên ủy quyền có thể ủy quyền cho bên được ủy quyền thực hiện các công việc quản lý, sử dụng quyền sử dụng đất. Bên được ủy quyền nhân danh bên ủy quyền thực hiện các nội dung của văn bản ủy quyền.

  • Trường hợp nếu ủy quyền quản lý, sử dụng thì bên được ủy quyền chỉ được phép quản lý sử dụng đất trong phạm vi giấy ủy quyền.
  • Trường hợp nếu ủy quyền định đoạt, cho phép bên được ủy quyền thực hiện tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bên được ủy quyền có quyền định đoạt khi sử dụng đất.

Về thời hạn ủy quyền và chấm dứt văn bản ủy quyền: Điều 563 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền; Điểm đ khoản 3 điều 140 Bộ luật dân sự 2015 quy định Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết.

V. Giấy ủy quyền sử dụng đất có bắt buộc công chứng, chứng thực hay không?

Hiện nay không có quy định bắt buộc các bên phải công chứng văn bản ủy quyền trong pháp luật. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ phải có chứng thực.Điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục chứng thực chữ ký, cụ thể: 

Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Như vậy, trong trường hợp giấy ủy quyền sử dụng đất là trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì phải chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đó. Theo đó, giấy tờ và quy trình thực hiện chứng thực được quy định cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

VI. Sử dụng đất không có giấy ủy quyền có được không? Rủi ro là gì?

Về bản chất, giấy ủy quyền sử dụng đất là văn bản pháp lý ghi nhận sự thỏa thuận giữa hai bên là bên ủy quyền và bên được ủy quyền để thực hiện các hoạt động sử dụng đất trong phạm vi được ủy quyền. 

Trong đó, nội dung của giấy ủy quyền bao gồm: thông tin cá nhân của bên ủy quyền và bên được ủy quyền; nội dung ủy quyền; phạm vi ủy quyền; thời hạn ủy quyền; quyền và trách nhiệm của các bên; chữ ký của các bên;… cho thấy sự ghi nhận thỏa thuận chặt chẽ giữa bên ủy quyền và bên thực hiện ủy quyền.

Vì vậy, cần thiết phải có giấy ủy quyền khi thỏa thuận về sử dụng đất để bảo đảm quyền và lợi ích giữa các bên, tránh các trường hợp tranh chấp, rủi ro pháp lý có thể xảy ra như: thực hiện quá phạm vi ủy quyền; sai nội dung ủy quyền…      

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về giấy ủy quyền sử dụng đất NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan