Trong doanh nghiệp, trước thời đại công nghệ, khoa học ngày càng phát triển, tài sản góp vốn không chỉ tập trung vào tài sản hữu hình mà còn cả tài sản vô hình như sáng chế công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa... Vậy góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu nhãn hiệu có được không ? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề góp vốn bằng quyền sở hữu nhãn hiệu? Dưới đây NPLaw xin tư vấn về những vấn đề cơ bản cần lưu ý khi góp vốn bằng quyền sở hữu nhãn hiệu vào doanh nghiệp để các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham khảo:
Góp vốn bằng nhãn hiệu là sử dụng quyền sở hữu nhãn hiệu để góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Khoản 1 điều 34 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “ Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, thành viên có thể góp vốn bằng quyền sở hữu nhãn hiệu( thuộc quyền sở hữu trí tuệ). Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp sẽ sử dụng Nhãn hiệu mà cá nhân tổ chức đó đang sở hữu để góp vốn vào tài sản của doanh nghiệp.
Các tài sản quyền sở hữu trí tuệ, đôi khi có thể mang đến những lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên, việc góp vốn phải tuân theo quy định của pháp luật về điều kiện, trình tự thủ tục một cách chặt chẽ:
- Nhãn hiệu phải được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ và được cấp văn bằng bảo hộ
- Tài sản là nhãn hiệu góp vốn vào doanh nghiệp phải do chủ sở hữu( người đứng tên trên văn bằng bảo hộ) góp vốn.
- Tài sản là nhãn hiệu góp vốn không bị tranh chấp, không bị thế chấp hoặc bảo lãnh tại đâu.
- Nhãn hiệu phải được định giá và thể hiện thành đồng Việt Nam trước khi tiến hành góp vốn.
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. (khoản 4 điều 139 Luật sở hữu trí tuệ).
Đáp ứng được các điều kiện trên, để góp vốn bằng quyền sở hữu nhãn hiệu, cá nhân, tổ chức phải thực hiện việc góp vốn theo trình tự, thủ tục sau:
Trước khi góp vốn thì tổ chức, cá nhân góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin cấp văn bằng bảo hộ đối với đối tượng sở hữu trí tuệ của mình.
Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu được thực hiện theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại điều 36 Luật doanh nghiệp 2020, nhãn hiệu không phải là tài sản đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng nên trước khi đưa vào góp vốn, nhãn hiệu phải được định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
- Chủ thể thực hiện: Thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá
- Nguyên tắc định giá:
+ Nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp do tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
+Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Theo quy định tại khoản 1 điều 87 và điều 138 Luật sở hữu trí tuệ, cá nhân tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa mình sản xuất hoặc dịch vụ mình cung cấp. Và có quyền chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Nhãn hiệu khi chuyển giao quyền sở hữu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản thông qua hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản. Nội dung hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu được quy định cụ thể tại điều 140 Luật sở hữu trí tuệ, bao gồm: tên và địa chỉ các bên, giá chuyển nhượng, căn cứ chuyển nhượng, quyền và nghĩa vụ các bên.
Nhãn hiệu là tài sản được đăng ký quyền sở hữu, chính vì vậy, theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 35 Luật doanh nghiệp thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho công ty theo quy định của pháp luật.
Do đó, các cá nhân tổ chức chuyển quyền sở hữu Nhãn hiệu thông qua việc thay đổi chủ sở hữu đối với quyền sở Nhãn hiệu đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ vào khoản 2 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ thì hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ đối với sáng chế phải được lập thành văn bản, đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu khi góp vốn được hiểu là thời điểm bên chuyển nhượng chuyển chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu của mình cho công ty.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Luật sở hữu trí tuệ, từ thời điểm hợp đồng được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu.
Khoản 3 điều 35 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.”
Như vậy, có thể nói, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu khi góp vốn là thời điểm hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định pháp luật, việc góp vốn bằng nhãn hiệu chỉ được thực hiện nếu nhãn hiệu đó đã được đăng ký bảo hộ.
Khoản 6 điều 93 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.”
Chính vì vậy, theo quy định trên, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng nhãn hiệu đó.
Thời gian từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hay còn gọi là thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu đối với nhãn hiệu( 1 tháng thẩm định hình thức và không quá 9 tháng thẩm định nội dung)( điều 119 Luật SHTT) thì không được thực hiện góp vốn bằng nhãn hiệu đó.
Theo quy định tại khoản 1 điều 36 Luật doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Do vậy, nhãn hiệu là tài sản vô hình, không thuộc một trong các nội dung quy định trên, nên phải được định giá, thể hiện thành đồng Việt Nam theo quy định pháp luật.
Căn cứ vào điểm a, khoản 1 điều 35 Luật doanh nghiệp 2020, nhãn hiệu là tài sản có đăng ký quyền sở hữu nên phải người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho công ty theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. ( điểm a, khoản 1 điều 35 Luật doanh nghiệp 2020).
Quyền sở hữu nhãn hiệu là một loại tài sản có thể được định giá, ghi nhận và đóng góp vào khối tài sản của doanh nghiệp. Hiện nay, xu hướng góp vốn bằng quyền sở hữu nhãn hiệu đang được các cá nhân, tổ chức quan tâm. Tuy nhiên, các quy định về góp vốn bằng quyền sở hữu nhãn hiệu chưa thực sự được cụ thể hóa áp dụng nên sẽ còn nhiều khó khăn cho độc giả.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn