Hăm doạ con nợ bị xử lý như thế nào?

Giao dịch vay nợ là một trong những giao dịch dân sự phổ biến trong xã hội và kéo theo đó là việc phát sinh các vấn đề thu hồi nợ. Tuy nhiên, một trong những hành vi đáng báo động là việc hăm dọa con nợ để ép buộc trả nợ. Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

I. Thực trạng liên quan đến hăm dọa con nợ

Trong những năm gần đây, hăm dọa con nợ xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như gửi tin nhắn đe dọa, đòi nợ bằng vũ lực, hoặc lan truyền thông tin xấu về con nợ. Việc hăm dọa này thường xảy ra trong các giao dịch không chính thống, đặc biệt là vay nặng lãi hoặc các hợp đồng tín dụng không minh bạch. Hành vi hăm dọa không chỉ làm gia tăng áp lực tâm lý mà còn dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như tự tử, tổn hại danh dự và sự an toàn của con nợ và gia đình họ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và cần được xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi của người vay và những người có liên quan, đồng thời duy trì trật tự xã hội.

II. Các quy định liên quan đến hăm dọa con nợ

1. Thế nào là hăm doạ con nợ?

Hăm dọa con nợ có thể được hiểu là hành vi sử dụng lời nói, hành động, hoặc các biện pháp khác nhằm uy hiếp tinh thần, gây áp lực để ép buộc con nợ phải trả nợ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật khi vượt quá giới hạn của quyền đòi nợ chính đáng, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người vay.

2. Hành vi hăm dọa con nợ cấu thành tội gì?

Trường hợp người cho vay có hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm đòi nợ của người vay thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả đã xảy ra, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội cưỡng đoạt tài sản: “1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm...”

Như vậy, hành vi hăm dọa con nợ để đòi nợ có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật hình sự hiện hành.

3. Chế tài đối với hành vi hăm dọa con nợ

Hành vi hăm dọa để đòi nợ có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Trong trường hợp nghiêm trọng, người có hành vi hăm dọa để đòi nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội cưỡng đoạt tài sản theo các khung hình phạt như sau:

  • Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
  • Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
  • Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến hăm dọa con nợ

1. Con nợ bị hăm dọa có báo công an được không?

Theo khoản 2 Điều 5 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Khi phát hiện hành vi phạm tội, cá nhân, tổ chức có quyền tố giác, báo tin đến cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. 

Do vậy, khi bị người khác hăm dọa đòi nợ, người bị hăm dọa có quyền trình báo cơ quan công an để được bảo vệ và xử lý hành vi vi phạm theo quy định.

2. Hăm doạ con nợ bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, hành vi hăm dọa để đòi nợ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định trên với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

3. Hăm doạ con nợ có bị ở tù không?

Hành vi hăm dọa con nợ là hành vi trái pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi, người có hành vi hăm dọa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội cưỡng đoạt tài sản với khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 

Tóm lại, hăm dọa con nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt hình sự với khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Con nợ bị hăm dọa sợ nên tự tử thì người hăm dọa có bị xử lý gì không?

Hành vi hăm dọa người khác dẫn đến người bị đe dọa tự tử thì ngoài bị truy cứu về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người phạm tội có thể bị xem xét truy cứu thêm về tội đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): “1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.

Bên cạnh đó, hành vi hăm dọa đòi nợ dẫn đến người bị đe dọa tự tử còn là căn cứ quan trọng để xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khi cơ quan có thẩm quyền quyết định hình phạt.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến hăm dọa con nợ

Trên đây là bài viết của NPLaw về vấn đề hăm doạ con nợ hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan