Bài viết này giới thiệu quy định pháp luật liên quan đến hành vi bị cấm trong lĩnh vực xây dựng công trình kiến trúc. Khi thực hiện hoạt động kiến trúc, quý Khách hàng cần hiểu rõ định nghĩa của công trình kiến trúc, danh sách các hành vi bị cấm như cản trở quản lý kiến trúc, lợi dụng hành nghề kiến trúc gây hại quốc gia, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm khác. Chủ đầu tư kiến trúc cũng được gán trách nhiệm trong các hoạt động kiến trúc. Nội dung này sẽ là cơ sở cho việc thảo luận chi tiết về vi phạm pháp luật và hình phạt tương ứng trong bài viết.
Trong lĩnh vực kiến trúc, có nhiều hành vi bị cấm, như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tham nhũng, lợi dụng quyền lực. Điều này gây ra những vấn đề về sáng tạo và chất lượng công trình, cũng như ảnh hưởng đến tính minh bạch và công bằng trong ngành. Để giải quyết vấn đề này, cần sự quản lý chặt chẽ và hệ thống xử lý pháp lý mạnh mẽ, đảm bảo tuân thủ và tính minh bạch trong hoạt động xây dựng công trình kiến trúc. Theo đó, khi thực hiện hoạt động kiến trúc quý Khách hàng cần lưu ý những quy định pháp luật liên quan để hạn chế những rủi ro pháp lý không đáng có.
Định nghĩa công trình kiến trúc được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật kiến trúc 2019, theo đó công trình kiến trúc là một hoặc tổ hợp công trình, hạng mục công trình được xây dựng theo ý tưởng kiến trúc hoặc thiết kế kiến trúc.
Ngoài ra, khoản 5 Điều này còn đề cập công trình kiến trúc có giá trị là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong phạm vi cung cấp dịch vụ hành nghề kiến trúc, Điều 9 Luật kiến trúc 2019 giới hạn những hành vi không được thực hiện như sau:
1. Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
2. Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Đưa hối lộ, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc.
4. Tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
5. Xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy phép xây dựng.
6. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc.
7. Cung cấp tài liệu, số liệu giả hoặc sai sự thật; lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
8. Gian lận trong việc sát hạch, cấp, sử dụng chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
9. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý kiến trúc.
Theo đó, những hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động quản lý và hành nghề kiến trúc và những vi phạm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp đến bên thứ 3 được xem là hành vi bị cấm trong xây dựng công trình kiến trúc nói riêng và hoạt động kiến trúc nói chung. Việc vi phạm những quy định trên có thể bị áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm.
Chủ đầu tư kiến trúc có những trách nhiệm trong những hoạt động kiến trúc được quy định cụ thể tại các Điều 12, Điều 18, Điều 32 và Điều 34 Luật kiến trúc 2019
Vậy nên, chủ đầu tư có trách nhiệm trong từng hoạt động khi tổ chức thực hiện hoạt động kiến trúc từ hoạt động mang tính kỹ thuật như thiết kế kiến trúc đến việc quản lý hệ thống thông tin, thực hiện giao kết hợp đồng giữa các bên.
Đối với những vi phạm trong những hành vi bị cấm trong xây dựng công trình kiến trúc được điều chỉnh cụ thể tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Cụ thể theo Điều 11 Nghị định này, vi phạm quy định về hoạt động kiến trúc trong đó bao gồm hành vi lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và thiết kế kiến trúc theo quy định, tổ chức thiết kế kiến trúc không đúng quy định. Những vi phạm trên sẽ bị áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với từng hành vi.
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động kiến trúc. Theo quy định về quyền của kiến trúc sư và tổ chức hành nghề kiến trúc tại Điều 32 và Điều 34 Luật kiến trúc 2019, quyền sở hữu trí tuệ là quyền được bảo hộ trong phạm vi hành nghề của các chủ thể trên. Vậy, có thể hiểu hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Căn cứ Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:
1. Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này.
2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.
4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.
5. Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
6. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
7. Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này.”.
Trên đây là những thông tin về hành vi bị cấm trong xây dựng công trình kiến trúc. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật liên quan đến phạm vi hoạt động hành nghề kiến trúc, thành lập công ty kiến trúc hãy liên hệ với NPLaw để được giải đáp các thắc mắc cụ thể về các vấn đề pháp lý nhanh chóng.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn