HIỂU GÌ VỀ HỢP ĐỒNG THUÊ ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH LÃNH ĐẠO

Thuê người để đảm nhiệm chức danh trong các cơ quan, tổ chức hiện nay các bên cần phải lập hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho người được thuê và bên thuê. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ giải đáp và hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan vấn đề này.

I. Vai trò của hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo

Việc lập hợp đồng có vai trò quan trọng đối với các bên khi tham gia giao dịch, cụ thể:

Thứ nhất, bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

Là văn bản giúp hai bên thuê và cho thuê đảm bảo quyền và lợi ích thông qua những điều khoản, thỏa thuận minh bạch và rõ ràng những quyền, nghĩa vụ các bên được hưởng. Đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp, tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên.

Thứ hai, là căn cứ để thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên

Hợp đồng thuê là cam kết ràng buộc các bên phải thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ đã thỏa thuận. Bản hợp đồng càng mô tả rõ ràng, cụ thể, các điều khoản có tính ràng buộc cao sẽ càng giúp giảm thiểu tỷ lệ xảy ra tranh chấp.

Thứ ba, là căn cứ để giải quyết tranh chấp

Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hợp đồng đã ký kết để phân định trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên và giải quyết các vấn đề và bảo vệ quyền lợi cho các bên.

II. Hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo là gì?

Tại khoản 2, 3 Điều 3 Thông tư 07/2023/TT-BKHCN, có giải thích về chức danh lãnh đạo như sau:

Chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập bao gồm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; trưởng, phó các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập là việc thực hiện nhiệm vụ gắn với các chức danh quy định trên.

Theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Như vậy, dựa vào định nghĩa trên có thể hiểu hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo là văn bản thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ của bên thuê lao động (người sử dụng lao động) và bên được thuê (người lao động) để thực hiện nhiệm vụ gắn với các chức danh bao gồm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, trưởng, phó các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong cơ quan, tổ chức, cá nhân.

1. Nội dung của hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo

Việc nắm rõ nội dung của hợp đồng thuê trước khi ký kết để tránh những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra. Căn cứ vào Mẫu hợp đồng ban hành kèm theo Thông tư 07/2023/TT-BKHCN và Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019. Các nội dung của hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo gồm:

  • Thông tin của hai bên: phải có thông tin cơ bản của bên thuê và người lao động như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, giới tính, số điện thoại, số căn cước công dân/chứng minh nhân dân, nơi cư trú, mã số thuế, số tài khoản ngân hàng, số trên giấy phép lao động (nếu có),...
  • Phạm vi công việc: chức vụ đảm nhiệm tương ứng với nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Quy chế Tổ chức và hoạt động, cơ quan quản lý trực tiếp của bên thuê và các quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Thời hạn của hợp đồng thuê: Theo Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định 02 loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng không xác định thời hạn. Theo đó, người được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo được ký hợp đồng xác định thời hạn tối đa đến 36 tháng. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn hợp đồng mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới, nếu hai bên không ký kết hợp đồng mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng không xác định thời hạn, trừ hợp đồng với người lao động cao tuổi, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động;
  • Mô tả nội dung công việc và địa điểm làm việc của người đảm nhiệm chức danh cụ thể;
  • Mức lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác áp dụng cho vị trí chức danh cụ thể theo Quy chế tài chính của bên thuê được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền và các quy định khác có liên quan;
  • Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên;
  • Điều khoản về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn: quy định rõ các bên có quyền chấm dứt hợp đồng này trước thời hạn trong các trường hợp nào, thời gian thông báo và phạt vi phạm nếu chấm dứt hợp đồng trái pháp luật;
  • Điều khoản bất khả kháng;
  • Điều khoản Bảo mật và xung đột lợi ích.

Lưu ý: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có thay đổi nội dung hợp đồng thì các bên trong hợp đồng thỏa thuận về nội dung thay đổi và ký kết phụ lục hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng mới theo quy định.

Như vậy, các bên cần đảm bảo thỏa thuận các nội dung cơ bản trên trong hợp đồng hoặc có thể thêm vào các điều khoản khác chi tiết hơn để đảm bảo quyền và lợi ích mỗi bên.

2. Thẩm quyền ký kết hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo

Theo Điều 18 Bộ luật Lao động 2019, thẩm quyền ký hợp đồng lao động như sau:

- Người lao động được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo: trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.

Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
  • Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
  • Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
  • Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

- Bên thuê người lao động đảm nhiệm chức danh lãnh đạo: là người thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
  • Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
  • Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

* Lưu ý: Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 07/2023/TT-BKHCN, đối với chức danh lãnh đạo của tổ chức khoa học và công nghệ thì thẩm quyền ký kết hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo là: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh lãnh đạo của cơ quan, tổ chức xem xét, quyết định thuê người đảm nhiệm chức danh lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó ký hợp đồng hoặc ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đầu bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ ký hợp đồng với người được thuê. 

Như vậy, thẩm quyền ký kết hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo sẽ căn cứ theo quy định trên.

III. Giải đáp một số câu hỏi về hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo

1. Chấm dứt hợp đồng thuê người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Theo Điều 11 Thông tư 07/2023/TT-BKHCN, chấm dứt hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo trong trường hợp này như sau:

- Khi hết thời hạn hợp đồng mà một trong hai bên hoặc cả hai bên không có nhu cầu gia hạn.

- Khi các bên thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng.

- Tổ chức khoa học và công nghệ công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với Người được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo khi người được thuê:

  • Không hoàn thành công việc theo hợp đồng và được Hội đồng đánh giá bỏ phiếu không hoàn thành với tỷ lệ phiếu trên 50% tổng số phiếu của thành viên Hội đồng;
  • Bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục, không có khả năng hoàn thành công việc được giao theo hợp đồng hoặc trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh và các sự kiện khách quan khác như chiến tranh, sáp nhập, giải thể, thu hẹp chức năng nhiệm vụ của bên thuê theo quy định pháp luật;
  • Thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ, cung cấp thông tin cá nhân phục vụ xem xét điều kiện, tiêu chuẩn để được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoặc vi phạm cam kết không làm việc cho tổ chức chính trị hoặc tổ chức chính trị - xã hội ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam có hoạt động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam;
  • Vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Vi phạm quy định Luật Khoa học và Công nghệ;
  • Bị trục xuất theo quy định pháp luật Việt Nam.

2. Hồ sơ cá nhân để xem xét thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Theo Điều 7 Thông tư 07/2023/TT-BKHCN, hồ sơ gồm:

  • Bản sao có chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tính hợp lệ của các văn bằng, chứng chỉ; lý lịch khoa học; tài liệu chứng minh trình độ chuyên môn, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ và kinh nghiệm; hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.
  • Lý lịch tư pháp hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam xác nhận người nộp hồ sơ không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Bản cam kết của người được xem xét thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập không làm việc cho tổ chức chính trị hoặc tổ chức chính trị - xã hội ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam có hoạt động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam, thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.

* Lưu ý: Bản sao các tài liệu bằng tiếng nước ngoài được dịch chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự.

3. Thời hạn hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập là bao lâu?

Người được thuê đảm nhiệm chức danh người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập được ký hợp đồng xác định thời hạn không quá 36 tháng. Chậm nhất 90 ngày trước khi hết thời hạn hợp đồng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với người được thuê theo hợp đồng đã ký kết và các thỏa thuận trước đó để xem xét, tiếp tục ký hợp đồng xác định thời hạn tối đa là 36 tháng với người được thuê nếu đáp ứng yêu cầu theo điểm a, khoản 2 Điều 9 Thông tư 07/2023/TT-BKHCN.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về hợp đồng thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan