Hoạt động quảng cáo sản phẩm bảo hiểm và những điều cần lưu ý

I. Thực trạng quảng cáo sản phẩm bảo hiểm hiện nay

Hiện nay, quảng cáo sản phẩm bảo hiểm đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt khi nhu cầu bảo vệ tài chính và tìm kiếm sự an tâm trong một xã hội đầy rủi ro ngày càng gia tăng. Các công ty bảo hiểm không chỉ tập trung vào việc giới thiệu sản phẩm, mà còn khéo léo xây dựng những câu chuyện cảm động, giúp khách hàng dễ dàng liên tưởng đến những tình huống thực tế mà họ có thể gặp phải. Từ những quảng cáo truyền hình ấm áp đến các chiến dịch sáng tạo trên mạng xã hội, mục tiêu chung là khơi gợi sự đồng cảm và củng cố niềm tin nơi người tiêu dùng.

Quảng cáo sản phẩm bảo hiểm hiện nay ra sao?

Bên cạnh đó, pháp luật cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc định hình cách thức quảng cáo sản phẩm bảo hiểm. Các quy định yêu cầu các công ty phải minh bạch trong thông tin và cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Những điều luật này không chỉ nâng cao uy tín của ngành bảo hiểm mà còn giúp khách hàng đưa ra những quyết định thông thái hơn.

Tóm lại, quảng cáo sản phẩm bảo hiểm ngày nay không chỉ đơn thuần là công cụ tiếp thị hiệu quả mà còn là cầu nối gắn kết giữa công ty và khách hàng. Nó góp phần xây dựng niềm tin và sự an tâm cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày, bảo đảm tài chính trước những rủi ro không lường trước.

II. Tìm hiểu về quảng cáo sản phẩm bảo hiểm

1. Bảo hiểm là gì? Có được phép quảng cáo bảo hiểm không?

Bảo hiểm được định nghĩa là một hình thức bảo vệ tài chính, cho phép người tham gia nhận được khoản trợ cấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Bằng cách đóng góp một khoản phí cho bản thân, người thân hoặc tài sản, khách hàng sẽ được bồi thường một phần thiệt hại trong trường hợp gặp rủi ro. Khoản trợ cấp này sẽ do một tổ chức bảo hiểm chịu trách nhiệm chi trả, theo những quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay có quyền thực hiện quảng cáo cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo rằng thông tin được truyền tải chính xác, minh bạch và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp tăng cường uy tín của các công ty bảo hiểm mà còn nâng cao sự tin tưởng của khách hàng trên thị trường.

2. Xin giấy phép quảng cáo bảo hiểm có khó không?

Giấy phép quảng cáo là một loại giấy phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo. Trong đó, giấy phép quảng cáo thể hiện sự hợp pháp của hoạt động quảng cáo và nội dung quảng cáo cụ thể cho từng sản phẩm hay dịch vụ của nhà sản xuất, phân phối, cung ứng. Việc xin giấy phép quảng cáo đối với sản phẩm bảo hiểm không phải là quá khó, nhưng doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu và điều kiện chung thì mới có thể được cấp giấy phép quảng cáo, tuân thủ các quy định pháp luật cụ thể. Các bước chính thường bao gồm:

Chuẩn bị hồ sơ, doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu cần thiết, bao gồm thông tin về sản phẩm bảo hiểm, mẫu quảng cáo dự kiến và các chứng từ liên quan.

Đăng ký với cơ quan chức có thẩm quyền, thường là Bộ Tài chính hoặc các cơ quan liên quan.

Thông qua thẩm định nội dung quảng cáo, đảm bảo rằng nội dung quảng cáo tuân thủ các quy định về thông tin chính xác, minh bạch và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Nhận giấy phép, khi hồ sơ được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ nhận được giấy phép quảng cáo, cho phép thực hiện các chiến dịch quảng cáo sản phẩm bảo hiểm.

Có thể thấy việc xin giấy phép quảng cáo không quá khó khăn, nhưng doanh nghiệp cần lưu ý rằng quy trình có thể mất thời gian và đòi hỏi sự cẩn thận trong việc chuẩn bị hồ sơ để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý để tránh những rủi ro không mong muốn.

3. Có được phép quảng cáo sản phẩm bảo hiểm không?

Các sản phẩm bảo hiểm hiện nay có được phép quảng cáo? Đây có lẽ là câu hỏi mà nhiều bạn độc giả thắc mắc. Theo Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2023 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì đã dành ra một Điều 32 để quy định về việc thực hiện quảng cáo đối với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Điều này cho thấy việc quảng cáo sản phẩm bảo hiểm là hoàn toàn hợp pháp, nhưng hoạt động này phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Cụ thể, quảng cáo cần phải minh bạch, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, và tránh gây hiểu lầm về dịch vụ. Mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của những người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và rõ ràng thông tin về sản phẩm bảo hiểm mà họ quảng cáo.

III. Quy định pháp luật về quảng cáo sản phẩm bảo hiểm

1. Những quy định về quảng cáo trong ngành bảo hiểm

Khi tiến hành hoạt động quảng cáo trong bất kỳ lĩnh vực nào, việc tuân thủ các quy định pháp luật là điều kiện tiên quyết mà mọi doanh nghiệp phải thực hiện. Quảng cáo sản phẩm bảo hiểm cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Vậy, pháp luật quy định ra sao về quảng cáo bảo hiểm? Để giúp độc giả hiểu rõ hơn, NPLaw sẽ trình bày một số cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động quảng cáo này, bao gồm:

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, quy định các nguyên tắc và điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm cả quy định về quảng cáo sản phẩm bảo hiểm.

Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về việc thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó có các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo.

Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định hướng dẫn cụ thể về một số điều trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, bao gồm nội dung quảng cáo và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm.

Luật Quảng cáo năm 2012 quy định chung về các hoạt động quảng cáo tại Việt Nam, bao gồm các nguyên tắc cơ bản và yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, đảm bảo tính minh bạch và chính xác.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Bên cạnh đó là các văn bản hướng dẫn khác của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, cung cấp thêm chi tiết và hướng dẫn về quảng cáo sản phẩm bảo hiểm.

Theo khoản 2 Điều 32 Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định về thông tư, sản phẩm quảng cáo bảo hiểm, cụ thể đối với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thì các tài liệu quảng cáo phải đáp ứng các điều kiện như sau: 

- Được trình bày bằng ngôn ngữ tiếng Việt, dễ hiểu, không đa nghĩa, không gây hiểu nhầm; thông tin trung thực, khách quan, chính xác và cập nhật tới thời điểm gần nhất. Các khái niệm, thuật ngữ chuyên môn phải được chú thích đầy đủ;

- Doanh nghiệp bảo hiểm không được sử dụng danh nghĩa, thông tin, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước để quảng cáo, giới thiệu, chào mời mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ

Còn đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị thì ngoài đáp ứng các điều kiện trên còn phải đảm bảo:

- Có nội dung rõ ràng, không gây hiểu nhầm quỹ liên kết đơn vị là các công cụ tài chính có thu nhập cố định hoặc đảm bảo về lợi nhuận.

- Không bao hàm các nhận định khiến khách hàng hiểu nhầm là giá trị khoản đầu tư luôn luôn gia tăng hoặc được đảm bảo về kết quả đầu tư; không được cam kết hoặc bảo đảm kết quả đầu tư của quỹ liên kết đơn vị luôn tích cực trong tương lai.

- Khi sử dụng các ý kiến đánh giá, nhận xét của bên thứ ba hoặc kết quả bình chọn, xếp hạng kết quả hoạt động để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải sử dụng thông tin đáng tin cậy, khách quan,..

- Không được hàm ý cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm về nội dung thông tin, quảng cáo, chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư của quỹ liên kết đơn vị hoặc bảo đảm về tài sản của quỹ liên kết đơn vị, giá trị đơn vị quỹ, khả năng sinh lời và mức rủi ro của quỹ liên kết đơn vị.

- Không được chứa đựng các thông tin dẫn đến việc khách hàng hiểu không đúng về khả năng sinh lời của quỹ liên kết đơn vị và quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.

- Tài liệu thông tin, quảng cáo về sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị phải in đậm nét, rõ ràng, cỡ chữ không nhỏ hơn các nội dung khác tại ấn phẩm thông tin, quảng cáo.

Định kỳ hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thông tin cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi, bảo hiểm liên kết đầu tư và bảo hiểm hưu trí.

Bên cạnh đó theo điểm a khoản 3 Điều 129 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng có quy định về hoạt động quảng cáo sản phẩm bảo hiểm với nội dung đại lý bảo hiểm không được có hành vi quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.

Tóm lại, nội dung cốt lõi của các quy định về quảng cáo sản phẩm bảo hiểm được thiết lập nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch trong thông tin từ đó nâng cao sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. 

2. Lợi ích của quảng cáo đối với ngành bảo hiểm

Quảng cáo được coi là một phương pháp tiếp thị hiệu quả và tinh tế, đóng vai trò như cầu nối giữa người tiêu dùng và các sản phẩm bảo hiểm. Nó không chỉ nâng cao nhận thức của khách hàng về các sản phẩm mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về lợi ích và tầm quan trọng của việc bảo vệ tài chính cá nhân.

Khi một chiến dịch quảng cáo thành công, nó có khả năng xây dựng và củng cố thương hiệu của công ty bảo hiểm, từ đó tạo ra hình ảnh đáng tin cậy trong mắt khách hàng. Quảng cáo không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn khuyến khích họ tham gia vào các sản phẩm bảo hiểm, qua đó thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp.

Lợi ích của quảng cáo sản phẩm bảo hiểm

Bên cạnh đó, quảng cáo là một kênh hiệu quả để truyền tải thông tin chi tiết về sản phẩm, bao gồm các điều khoản và điều kiện cần thiết. Điều này giúp khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong việc lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của họ. Quảng cáo cũng tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm, thúc đẩy sự cải tiến không ngừng trong sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Đặc biệt, quảng cáo không chỉ là công cụ thu hút khách hàng mà còn là cách xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ, tạo cơ hội cho việc tái tiếp thị trong tương lai. Khi khách hàng cảm thấy được chăm sóc và thông tin đầy đủ, họ sẽ có xu hướng quay lại và tiếp tục sử dụng sản phẩm của công ty.

Tóm lại, hoạt động quảng cáo mang lại giá trị to lớn cho ngành bảo hiểm, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp mà còn cung cấp những thông tin hữu ích cho người tiêu dùng, giúp họ an tâm hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm bảo vệ tài chính.

3. Thủ tục xin cấp phép quảng cáo sản phẩm bảo hiểm

Trước khi xin cấp phép quảng cáo sản phẩm bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đáp ứng các điều kiện quảng cáo tại Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012 với một số nội dung chính như sau: Quảng cáo về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Sau đây là các bước của thủ tục xin phép quảng cáo sản phẩm bảo hiểm:

Bước 1: Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin cấp phép, theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Quảng cáo 2012 thì hồ sơ xin giấy phép xây dựng bảng quảng cáo, bao gồm: Đơn xin cấp phép quảng cáo; Bản sao giấy đăng ký kinh doanh; Mẫu quảng cáo dự kiến (bao gồm nội dung, hình ảnh, video,...); Thông tin chi tiết về sản phẩm bảo hiểm (điều khoản, quyền lợi, nghĩa vụ của bên tham gia).

Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, thường là Bộ Tài chính hoặc Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm.

Bước 3: Cơ quan chức năng sẽ xem xét và thẩm định nội dung quảng cáo để đảm bảo rằng nó tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm tính minh bạch và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Bước 4: Sau khi thẩm định, cơ quan sẽ gửi thông báo kết quả cho doanh nghiệp. Nếu hồ sơ được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ nhận được giấy phép quảng cáo.

Bước 5: Sau khi nhận giấy phép, doanh nghiệp có thể tiến hành các hoạt động quảng cáo sản phẩm bảo hiểm theo nội dung đã được phê duyệt.

Doanh nghiệp cần lưu giữ bản sao giấy phép quảng cáo và các tài liệu liên quan để phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát sau này.

IV. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến quảng cáo sản phẩm bảo hiểm

1. Xử lý trường hợp quảng cáo sản phẩm bảo hiểm không có giấy phép

Giấy phép quảng cáo sản phẩm bảo hiểm là một loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo. Giấy phép này không chỉ xác nhận tính hợp pháp của hoạt động quảng cáo mà còn quy định nội dung cụ thể của các sản phẩm bảo hiểm mà nhà phân phối, cung ứng muốn quảng bá. Vậy, nếu quảng cáo sản phẩm bảo hiểm mà không có giấy phép, sẽ phải đối mặt với những hình thức xử lý nào? 

Theo Điều 3 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý bằng cách: cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoạt động trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và thu hồi giấy phép hoạt động, nếu có.

Do đó, để tránh trường hợp vi phạm pháp luật và bị xử lý về hoạt động quảng cáo bảo hiểm không có giấy phép, các doanh nghiệp và bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm phải đảm bảo việc xin giấy phép hoạt động theo đúng trình tự, thủ tục.

2. Doanh nghiệp cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để bán gói bảo hiểm thì bị xử lý như thế nào?

Quảng cáo thông tin sai sự thật về sản phẩm bảo hiểm, dựa theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 được hiểu là: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. 

Việc doanh nghiệp cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để bán gói bảo hiểm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

  • Mức xử phạt hành chính: Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực quảng cáo thì đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm,...phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
  • Mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

V. Vấn đề quảng cáo sản phẩm bảo hiểm có nên liên hệ với Luật sư không? Liên hệ như thế nào?

Có thể thấy, hoạt động quảng cáo sản phẩm bảo hiểm cũng khá phức tạp và yêu cầu tuân thủ pháp luật là điều bắt buộc. Do đó, phải nắm rõ các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động. Việc liên hệ với Luật sư để được hỗ trợ vấn đề quảng cáo sản phẩm bảo hiểm là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho chính chủ thể quảng cáo và chủ thể tham gia sản phẩm bảo hiểm,  đồng thời không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn giúp bạn tránh được những rủi ro pháp lý trong tương lai. 

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về quảng cáo sản phẩm bảo hiểm. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất nhé.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan