HỢP ĐỒNG CUNG CẤP THỰC PHẨM TƯƠI SỐNG THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

 

Việc cung cấp thực phẩm tươi sống giữa các bên mua bán diễn ra phổ biến hằng ngày, nhằm đảm bảo cho bên mua có nguồn thực phẩm tươi sống ổn định, chất lượng thì vai trò hợp đồng cung cấp thực phẩm được đặt ra. Bài viết dưới đây của NPLaw sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề này.

I. Vai trò của hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống

Hợp đồng mua bán thực phẩm tươi sống đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao dịch mua bán, cụ thể:

Thứ nhất, xác định quyền và trách nhiệm của người mua và người bán thông qua các điều khoản thỏa thuận về chất lượng, số lượng, giá trị dinh dưỡng, và điều kiện giao hàng và các thỏa thuận chi tiết liên quan.

Thứ hai, bảo vệ quyền lợi của các bên và rủi ro phát sinh: đảm bảo các bên được đối xử công bằng và theo đúng quy định pháp luật. Nếu có việc vi phạm hoặc không tuân thủ thì hợp đồng là căn cứ để giải quyết tranh chấp, khiếu nại

Thứ ba, tạo nền tảng cho minh bạch và công bằng trong quá trình mua bán. Nó đảm bảo rằng mọi bên đều tuân thủ các quy tắc và quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng và tính minh bạch.

Tóm lại, hợp đồng mua bán thực phẩm tươi sống là cơ sở để giải quyết tranh chấp, thể hiện sự chuyên nghiệp và đảm bảo tính an toàn và chất lượng của thực phẩm, thúc đẩy sự hợp tác, tính minh bạch và công bằng đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành thực phẩm.

II. Quy định pháp luật về hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống

1. Hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống là gì?

Căn cứ khoản 21 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về thực phẩm tươi sống là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống, chưa qua chế biến bao gồm thịt, trứng, cá, thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến.


Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, Hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống là một loại hợp đồng dân sự về việc mua bán sản phẩm là các loại thực phẩm tươi sống, theo đó bên bán cam kết cung cấp thực phẩm, và bên mua cam kết thanh toán để trở thành chủ sở hữu của thực phẩm đó.

 

2. Nội dung của hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống

Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật An toàn thực phẩm năm 2010, hợp đồng cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

  • Thông tin các bên ký kết hợp đồng: Ngày, tháng, năm ký hợp đồng, địa chỉ, số tài khoản và ngân hàng giao dịch của các bên. Trường hợp bên ký kết là pháp nhân, cần có thông tin họ, tên, người đại diện, người đứng tên đăng ký kinh doanh (thông tin cơ bản của các bên). Trường hợp ký với cá nhân cần có thông tin về giấy tờ chứng thực cá nhân như giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, ngày tháng năm sinh, chỗ ở hiện tại, hộ khẩu thường trú, số điện thoại.
  • Đối tượng của hợp đồng, số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thoả thuận;
  • Chất lượng và tình trạng của thực phẩm (ví dụ: tươi, chín, đã kiểm tra và đảm bảo an toàn thực phẩm);
  • Giá trị thực phẩm, thời hạn và phương thức thanh toán.
  • Thời gian giao hàng và địa điểm giao hàng.
  • Các quy định về bảo quản, lưu trữ và vận chuyển thực phẩm.
  • Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
  • Các điều khoản pháp lý và trách nhiệm của cả hai bên trong trường hợp có tranh chấp hoặc vi phạm hợp đồng;
  • Trường hợp bất khả kháng;
  • Chấm dứt hợp đồng;
  • Giải quyết tranh chấp;
  • Điều khoản cam kết hoặc điều khoản chung.

Như vậy, các bên cần đảm bảo các nội dung cơ bản trong hợp đồng như trên hoặc thêm các điều khoản thỏa thuận chi tiết để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho cả hai bên.

3. Xây dựng hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống nên chú ý đến nội dung gì?

Các nội dung các bên cần lưu ý khi xây dựng để đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng không trái quy định pháp luật.

  • Thứ nhất, về hình thức hợp đồng

- Các bên có quyền chọn hình thức của hợp đồng bằng lời nói, văn bản hoặc hành động, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể. Trường hợp mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được lập bằng văn bản và có công chứng hoặc chứng thực, hoặc phải đăng ký hoặc xin phép thì doanh nghiệp phải tuân theo các quy định đó.

  • Thứ hai, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Theo đó, căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, điều kiện để hợp đồng có hiệu lực bao gồm:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập;

- Chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp luật có quy định.

  • Thứ ba, việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp

- Trong giao dịch thương mại, các bên có thể thỏa thuận chọn Tòa án hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trong một số tình huống, các bên cần lưu ý tranh chấp chỉ có thể được giải quyết bởi Tòa án và Trọng tài thương mại không có thẩm quyền giải quyết.

- Trọng tài thương mại chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi có tranh chấp phát sinh.

- Đối với các hợp đồng thương mại giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài, các bên cần quan tâm đến các quy định pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp.

III. Giải đáp một số câu hỏi về hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống

1. Hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống do ai ký?

Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống là một trong những giao dịch dân sự, do đó người đại diện theo pháp luật đương nhiên là người có quyền ký kết các hợp đồng của doanh nghiệp. Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật có thể thay mặt công ty để uỷ quyền cho các thành viên khác trong công ty tham gia ký kết hợp đồng thông qua văn bản ủy quyền.

2. Công ty không kinh doanh ngành nghề cung cấp thực phẩm tươi sống có được ký hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống không?

Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020, hoạt động kinh doanh thực phẩm được xếp vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Công ty phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm, điều kiện hoạt động là có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hay còn gọi là Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Như vậy, Công ty muốn ký hợp đồng để cung cấp thực phẩm tươi sống cho khách hàng thì Công ty phải đáp ứng các điều kiện trên.

3. Có thể quy định điều khoản thanh toán bằng tiền đô trong hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống được không?

Tại Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN (sđ, bs bởi Thông tư 16/2015/TT-NHNN) quy định nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối theo quy định, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối. Do đó, việc ký hợp đồng bằng tiền đô là sai quy định, sẽ dẫn đến việc hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống bị vô hiệu.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về hợp đồng cung cấp thực phẩm tươi sống mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan