HỢP ĐỒNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng khá phổ biến. Do nhu cầu việc làm tại các nước phát triển khá cao mà Việt Nam lại đang dư nguồn lao động. Thế nhưng để đi nước ngoài làm việc cần đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật và cần có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. Sau đây, hãy cùng NPLAW tìm hiểu về hợp đồng này nhé!

tư vấn làm hồ sơ nước ngoàiHợp đồng đi làm việc ở nước ngoài

I. Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài là gì?

Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài hay Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với người lao động về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

II. Đặc điểm của hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài 

Để xác định hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có thể dựa vào một số đặc điểm sau:

  • Chủ thể của hợp đồng: hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài được xem là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với người lao động. Do đó, chủ thể của hợp đồng này là bên doanh nghiệp dịch vụ và bên người lao động.
  • Địa điểm làm việc: dựa vào tên hợp đồng có thể thấy địa điểm làm việc của người lao động không phải ở Việt Nam, tùy vào nhu cầu cung ứng lao động cũng như thỏa thuận của các bên mà địa điểm làm việc sẽ là ở một quốc gia khác.
  • Trong nội dung của hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài sẽ có thêm phần địa chỉ báo tin tại Việt Nam, phần này ghi thông tin người thân, địa chỉ nhà, số điện thoại, email của người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. 
  • Hợp đồng này ngoài được điều chỉnh bởi luật chung là Bộ luật Dân sự 2015 thì còn được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.

III. Tải mẫu hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trên mạng cần lưu ý gì?

Mẫu hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có thể dễ dàng tìm kiếm và tải về từ trên mạng, tuy nhiên cần lưu ý một số điều sau:

hợp đồng đưa người lao động đi làm việc nước ngoàiMẫu hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài

  • Kiểm tra mẫu hợp đồng bạn tải về có đúng mẫu mà cơ quan nhà nước ban hành hay không? Còn hiệu lực pháp lý hay không?
  • Xác định chủ thể hợp đồng trong mẫu có đúng không? Căn cứ vào tên Hợp đồng cũng như mục đích của Hợp đồng để ghi rõ, cụ thể các bên giao kết, ở đây là bên đưa người lao động ra nước ngoài và người lao động.
  • Thông tin trên mẫu có phù hợp chưa? Căn cứ vào chủ thể giao kết Hợp đồng để liệt kê cho chính xác. Cụ thể:

+) Nếu chủ thể giao kết là tổ chức, pháp nhân thì phải ghi rõ thông tin của pháp nhân đó kèm thông tin về người đại diện, chức vụ, số fax, số điện thoại.

+) Nếu chủ thể giao kết là cá nhân thì ghi các nội dung: Họ và tên, năm sinh, CMND hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (có thông tin về số, ngày cấp, cơ quan cấp), địa chỉ hộ khẩu, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, địa chỉ báo tin, người được báo tin.

  • Xem các điều khoản trong mẫu hợp đồng có phù hợp với pháp luật hiện hành hay không? Điều khoản chung, quyền và nghĩa vụ của các bên, thời hạn hợp đồng, công việc cụ thể, nơi làm việc, số tiền dịch vụ, tiền môi giới và các khoản chi phí khác cần đóng, tiền lương được hưởng, các khoản trợ cấp và phí được hưởng…

Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài khá phức tạp, do đó nếu không nắm rõ các quy định pháp luật có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Bạn có thể nhờ các công ty luật hỗ trợ tư vấn về hợp đồng này để tránh mất thời gian. NPLAW sẽ là một lựa chọn đáng tin cậy dành cho bạn.

IV. Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài gồm những nội dung gì?

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 14 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 15/12/2021, nội dung hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài quy định như sau:

  • Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước, vùng lãnh thổ mà người lao động đến làm việc và có những nội dung sau đây:

Thời hạn làm việc; ngành, nghề công việc phải làm; nước, vùng lãnh thổ người lao động đến làm việc, địa điểm làm việc; giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; điều kiện, môi trường làm việc; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn, vệ sinh lao động; tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có); điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc; trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác (nếu có); quyền lợi, chế độ của người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ khác; việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp; thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Nội quy hợp đồng xuất khẩu lao độngNội dung hợp đồng

  • Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật 69/2020/QH14, hợp đồng cung ứng lao động ký kết với bên nước ngoài tiếp nhận lao động (nếu có) và có những nội dung sau đây:

Thời hạn làm việc; ngành, nghề công việc phải làm; nước đến làm việc, địa điểm làm việc; giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ (nếu có); chi phí người lao động phải trả trước khi đi; điều kiện, môi trường làm việc; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn, vệ sinh lao động; tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có); điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc; trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác (nếu có); chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; ký quỹ, bảo lãnh để thực nghĩa vụ của hợp đồng (nếu có); việc thanh lý hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp; thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

V. Các câu hỏi thường gặp về hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài

5.1 Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có hiệu lực khi nào?

Theo quy định tại khoản 1 của Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.”

Như vậy, hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có hiệu lực từ thời điểm giao kết hoặc theo thỏa thuận của các bên trong giao kết hợp đồng.

5.2 Điều kiện đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài là gì?

Theo Điều 20 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài như sau:

Điều kiện:

Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 và đáp ứng các điều kiện:

  • Đang thực hiện hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.
  • Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn sau:

+) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận;

+) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thường trực ở nước ngoài để thực hiện hoạt động quản lý người lao động, có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận;

+) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.

  • Phải bảo đảm người lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình ở nước ngoài hoặc có kiến thức làm giúp việc gia đình và trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5.3 Thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như thế nào?

Theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm i khoản 2 Điều 26 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì: Doanh nghiệp dịch vụ có quyền đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sau khi doanh nghiệp dịch vụ đã 03 lần thông báo bằng thư bảo đảm trong thời gian 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động, người được ủy quyền hợp pháp của người lao động không đến thanh lý hợp đồng hoặc kể từ ngày người lao động gia hạn hợp đồng lao động mà không thực hiện quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Doanh nghiệp dịch vụ có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngoài ra, theo khoản 3 mục V Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ lao động, thương binh và xã hội ban hành ngày 08/10/2007 quy định về việc thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện như sau:

  • Việc thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp với người lao động phải được lập thành văn bản;
  • Văn bản thanh lý hợp đồng phải có các nội dung: lý do chấm dứt hợp đồng, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, các khoản thanh toán giữa doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp và người lao động, các nội dung khác mà hai bên đã thỏa thuận;
  • Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đơn phương thanh lý hợp đồng thì biên bản thanh lý hợp đồng phải có các nội dung: lý do đơn phương thanh lý hợp đồng, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, các khoản thanh toán giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động, các nội dung về bồi thường thiệt hại (nếu có) kèm theo chứng từ chứng minh nội dung thiệt hại;
  • Việc hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
  • Việc thanh lý Hợp đồng bảo lãnh khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Tư pháp.

Như vậy, doanh nghiệp dịch vụ có quyền đơn phương thanh lý và có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Còn đối với quy định chi tiết trong Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH nêu trên do đã hết hiệu lực và được thay thế bởi thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 15/12/2021, nên chỉ mang tính chất tham khảo vì thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH không có quy định cụ thể về việc thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

VI. Người lao động được bồi thường hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài khi nào?

Căn cứ khoản 3 Điều 46; khoản 4 Điều 47; khoản 3 Điều 48 và khoản 4 Điều 49 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định người lao được bồi thường hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài khi:

Một, được bồi thường thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ vi phạm hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Hai, được bồi thường thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài vi phạm thỏa thuận quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.

Ba, được bồi thường thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài vi phạm hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài.

Bốn, được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đơn vị sự nghiệp vi phạm hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

VII. Tư vấn về hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài

Để tư vấn về hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài cần có sự am hiểu nhất định, kinh nghiệm phong phú và phải đáp ứng được các quy định của luật đối với hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực pháp lý, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLAW) là một trong những công ty Luật uy tín, cam kết tư vấn, giải quyết nhanh chóng kịp thời, chất lượng dịch vụ tốt với mức phí phù hợp. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, làm việc tận tâm, nhiệt tình, giúp bạn đưa ra được cách giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. 

Bạn cần tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng, liên hệ ngay với NPLAW theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn
 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan