I. Tìm hiểu về hợp đồng điều chỉnh giá
Trong quá trình giao kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế, nhất là những hợp đồng thi công xây dựng hoặc dịch vụ có giá trị lớn, việc điều chỉnh giá hợp đồng là một công cụ quan trọng nhằm đảm bảo sự linh hoạt theo sự mong muốn của các bên. Hợp đồng điều chỉnh giá cho phép thay đổi giá trị hợp đồng khi phát sinh những tình huống cụ thể như biến động thị trường, sự cố bất khả kháng, hoặc những điều kiện khách quan ngoài dự kiến. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh này cần tuân thủ theo pháp luật Việt Nam để đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp và tránh tranh chấp.
Căn cứ theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng “là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng là một sự thỏa thuận, sự thống nhất ý chí giữa các chủ thể, nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
Hợp đồng điều chỉnh giá là loại hợp đồng bổ sung nhằm thay đổi mức giá đã cam kết trong hợp đồng chính khi có các yếu tố làm thay đổi ảnh hướng đến giá trị thực hiện hợp đồng.
Hợp đồng điều chỉnh giá dựa trên các các cơ sở như hợp đồng chính, biến động khối lượng thực tế, biến động về chi phí, tình huống bất khả kháng,... Chúng tôi sẽ phân tích nó dưới một ví dụ cụ thể về hợp đồng điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng.
Hợp đồng điều chỉnh giá dựa trên nhiều cơ sở pháp lý và thực tiễn nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng giữa các bên tham gia. Đầu tiên, việc điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng phải được thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng gốc, nêu rõ các điều kiện điều chỉnh, phương pháp, phạm vi và căn cứ thực hiện. Theo Điều 38 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP), hợp đồng cần quy định các trường hợp được điều chỉnh giá để hạn chế tranh chấp trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, biến động khối lượng công việc thực tế có thể là một yếu tố quan trọng trong việc điều chỉnh giá. Nếu khối lượng công việc thực tế thay đổi vượt quá 20% so với khối lượng ghi trong hợp đồng và ảnh hưởng đến giá trị hợp đồng (trên 0,25% giá trị hợp đồng và trên 1% đơn giá của công việc đó), các bên có thể thỏa thuận xác định đơn giá mới cho phần khối lượng phát sinh. Ví dụ, trong một hợp đồng xây dựng, nếu khối lượng công việc thi công nền móng tăng lên do phát hiện nền đất yếu hơn dự kiến, điều này có thể dẫn đến việc điều chỉnh giá hợp đồng để phản ánh chi phí thực tế phát sinh.
Ngoài ra, sự biến động về chi phí nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào cũng là cơ sở để điều chỉnh giá. Khi giá nguyên vật liệu tăng cao, điều này có thể làm tăng tổng chi phí của dự án. Việc điều chỉnh này phải tuân theo phương pháp đã được thỏa thuận giữa các bên và có thể sử dụng chỉ số giá xây dựng làm cơ sở để tính toán.
Cuối cùng, các tình huống bất khả kháng, như thiên tai hoặc dịch bệnh, cũng có thể là lý do để điều chỉnh giá hợp đồng, nếu được quy định rõ trong thỏa thuận. Những cơ sở này không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp trong việc điều chỉnh giá mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong hợp đồng xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành dự án đúng tiến độ và chất lượng.
Hợp đồng điều chỉnh giá bao gồm các nội dung chính như đối tượng điều chỉnh, mức giá mới, căn cứ điều chỉnh, thời điểm và phương thức điều chỉnh. Điều này nhằm đảm bảo sự rõ ràng và tránh xung đột lợi ích. Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, bao gồm cả những điều khoản thay đổi trong hợp đồng điều chỉnh.
Theo Điều 402 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng phụ là hợp đồng bổ sung và tồn tại phụ thuộc vào hợp đồng chính. Hợp đồng điều chỉnh giá, mặc dù phụ thuộc vào hợp đồng gốc, không nhất thiết phải được xem là hợp đồng phụ nếu chỉ nhằm bổ sung mức giá mà không tạo ra nghĩa vụ hoặc quyền mới.
Theo Điều 6 Điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng Thông tư 02/2023/TT-BXD, hợp đồng trọn gói chỉ được điều chỉnh giá trong các trường hợp bất khả kháng, bao gồm sự kiện khách quan không lường trước và không thể khắc phục được, như quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 37/2015/NĐ-CP. Cụ thể, Khoản 2 Điều 51 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, một số sự kiện bất khả kháng như phát hiện cổ vật lạ, khảo cổ, hang casto, hoặc túi bùn trong quá trình thi công. Như vậy, việc phát hiện cổ vật lạ có thể được coi là bất khả kháng nếu sự kiện này không thể dự đoán trước khi ký hợp đồng và làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công việc. Trong trường hợp này, các bên có quyền đề xuất điều chỉnh giá hợp đồng, nhưng điều kiện tiên quyết là phải có sự chấp thuận của Người quyết định đầu tư. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên và phản ánh chính xác chi phí thực tế phát sinh, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Có thể điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng sau khi đã ký kết hợp đồng, theo quy định tại Điều 143 Luật Xây dựng 2014. Việc điều chỉnh này có thể liên quan đến khối lượng, tiến độ, đơn giá hợp đồng và các nội dung khác, với điều kiện các bên phải thỏa thuận và việc điều chỉnh chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng. Các trường hợp điều chỉnh giá bao gồm sự thỏa thuận giữa các bên, sự thay đổi chính sách của Nhà nước, hoặc các trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, các bên cần tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo điều chỉnh này hợp lệ và có hiệu lực.
Việc điều chỉnh giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh trong trường hợp mưa bão lớn làm ảnh hưởng đến dự án đầu tư xây dựng là hoàn toàn khả thi. Theo quy định tại khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng 2014, các trường hợp bất khả kháng, bao gồm thiên tai như mưa bão, có thể được coi là lý do để điều chỉnh hợp đồng. Khi xảy ra tình huống này, các bên cần thỏa thuận về việc điều chỉnh đơn giá trong hợp đồng xây dựng, xác định rõ phạm vi và phương pháp điều chỉnh giá phù hợp với những thiệt hại thực tế gây ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bên phải thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết và tuân thủ các quy định hiện hành để đảm bảo việc điều chỉnh giá hợp đồng là hợp pháp và có hiệu lực.
Theo Luật Đấu thầu 2023, việc điều chỉnh giá hợp đồng có thể thực hiện đối với các hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian. Điều này cho thấy rằng soạn thảo hợp đồng điều chỉnh giá theo thời gian là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, các bên cần quy định cụ thể điều kiện điều chỉnh trong văn bản hợp đồng và phải đảm bảo việc điều chỉnh không vượt quá giá gói thầu hoặc dự toán được phê duyệt.
Sử dụng mẫu hợp đồng điều chỉnh giá trên mạng chỉ nên thực hiện nếu đã được kiểm tra và chỉnh sửa theo quy định pháp luật hiện hành. Các mẫu hợp đồng trên mạng thường thiếu tính cá nhân hóa đối với các thỏa thuận theo ý muốn của các bên và có thể không phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Để đảm bảo tính hợp pháp, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý khi soạn thảo hợp đồng điều chỉnh.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về hợp đồng điều chỉnh giá. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, xin vui lòng với liên hệ ngay với NPLaw. Là một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong các lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, giấy phép, giải quyết tranh chấp, hình sự, môi trường, NPLaw tự tin có thể giải đáp và hỗ trợ mọi vướng mắc của bạn kịp thời và hiệu quả.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn