Hợp đồng mua bán doanh nghiệp là gì? Sau khi ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị mua lại có chấm dứt hoạt động không?

Thực trạng mua bán doanh nghiệp đang diễn ra rất sôi nổi trên thị trường hiện nay và hợp đồng mua bán là một trong những căn cứ pháp lý để các bên tham gia có thể thực hiện đúng những trách nhiệm và quyền lợi của mình. Trong bài viết dưới đây, NPLaw sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin liên quan đến hợp đồng mua bán doanh nghiệp.

I. Khái niệm, đặc điểm của hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân, hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, hợp đồng mua bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (gọi chung là hợp đồng mua bán doanh nghiệp) là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ vốn hoặc phần vốn chi phối cho bên mua doanh nghiệp. Bên mua doanh nghiệp có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp và có nghĩa vụ thanh toán cho chủ sở hữu doanh nghiệp.

- Đặc điểm của hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Một là, chủ thể của hợp đồng mua bán doanh nghiệp bao gồm chủ sở hữu doanh nghiệp (bên bán) và bên mua doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, ai là chủ sở hữu doanh nghiệp thì người đó có quyền quyết định bán doanh nghiệp. Tùy từng loại doanh nghiệp mà chủ sở hữu có thể là một cá nhân, một pháp nhân hoặc nhiều cá nhân, tổ chức có tư cách pháp nhân.

Bên mua doanh nghiệp có thể là tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu mua doanh nghiệp và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Hai là, đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp hoặc cổ phần, phần vốn góp chi phối để kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được mua lại.

Điều 132 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy định đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp, một loại tài sản được lưu thông trên thị trường. Doanh nghiệp là đối tượng của quyền sở hữu được công nhận là toàn bộ khối tài sản sử dụng cho mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp được coi như một loại tài sản bất động sản. Doanh nghiệp có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán, bảo đảm, cho thuê và các thỏa thuận khác liên quan đến việc hình thành, thay đổi và chấm dứt vật quyền. Trong thành phần của khối tài sản của doanh nghiệp là toàn bộ các loại tài sản dùng để kinh doanh: mặt bằng, nhà cửa, công trình phụ, trang thiết bị máy móc, công cụ, nguyên liệu, sản phẩm, quyền sử dụng, nghĩa vụ cũng như quyền xác định, quyền cá thể hoá doanh nghiệp, sản phẩm, công việc, dịch vụ của doanh nghiệp (tên doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu phục vụ) và các quyền riêng biệt khác nếu như luật và hợp đồng không có quy định khác.

Ở Việt Nam, thực tại còn nhiều khoảng trống pháp lý về mua bán doanh nghiệp, trong đó có sự thiếu vắng quy định về đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên cơ sở lý thuyết chung về mua bán doanh nghiệp, các nghiên cứu khoa học pháp lý đã xác định đối tượng trong thương vụ mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp và “doanh nghiệp được mua bán có ý nghĩa là một bộ máy đang vận hành mà người mua nó có thể tiếp tục sử dụng, khai thác để mang lại lợi nhuận nhanh nhất’’. Thực chất, mua bán doanh nghiệp là việc chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển giao những quyền và nghĩa vụ gắn liền với chủ sở hữu doanh nghiệp và chuyển giao cả tư cách pháp lý của doanh nghiệp cho bên mua. Vì vậy, đối tượng mua bán cần được xác định rõ trong hợp đồng: Tên; địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp được mua lại; ngành nghề đăng ký kinh doanh; vốn đầu tư hoặc vốn điều lệ của doanh nghiệp; phần vốn góp, cổ phần được chuyển nhượng của chủ sở hữu doanh nghiệp; các loại tài sản hữu hình, tài sản vô hình của doanh nghiệp.

Với các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp thì đối tượng của hợp đồng là cổ phần, phần vốn góp và các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu cổ phần, phần vốn góp được chuyển từ bên chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, trừ những quyền không được chuyển giao theo quy định của pháp luật.
II. Hình thức của hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức: hợp đồng mua bán toàn bộ doanh nghiệp, hợp đồng mua bán một phần doanh nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần…

III. Hợp đồng mua bán doanh nghiệp bao gồm những nội dung gì

Vậy hợp đồng mua bán doanh nghiệp có những nội dung cơ bản nào? Thông thường, hợp đồng mua bán doanh nghiệp cần đảm bảo những nội dung sau:

– Thông tin liên quan đến ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; Thông tin liên quan đến bên bán, bên mua doanh nghiệp (tên, địa chỉ, số tài khoản…);

– Đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp: tên, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp hoặc tên bộ phận doanh nghiệp cần bán, ngành nghề đăng ký kinh doanh…;

– Điều khoản về giá mua bán doanh nghiệp;

– Thời điểm và phương thức thanh toán;

– Thỏa thuận về việc kế thừa quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được mua bán;

– Thỏa thuận về các điều cấm cạnh tranh;

– Thỏa thuận về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, thời điểm chuyển rủi ro và thỏa thuận cụ thể về người quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi đã kí kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp;

– Thỏa thuận về nghĩa vụ cung cấp các thông tin về doanh nghiệp mục tiêu của bên bán doanh nghiệp cho bên mua doanh nghiệp;

– Thỏa thuận về trách nhiệm của bên bán – bên mua doanh nghiệp trong trường hợp các bên vi phạm các thỏa thuận trong trường hợp mua bán doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật;

– Các thỏa thuận khác (thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;…).

IV. Soạn thảo hợp đồng mua bán doanh nghiệp cần lưu ý điều gì

Khi tiến hành hoạt động mua bán doanh nghiệp, doanh nghiệp cần lưu ý một số điều khoản cơ bản trong hợp đồng như giá chuyển nhượng, phương thức và thời gian thanh toán, … để hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp. Cụ thể:

(1) Chủ thể: Cần ghi rõ thông tin của các bên như: tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật, số CMND/ số CCCD (hoặc số hộ chiếu) của người đại diện theo pháp luật, mã số thuế doanh nghiệp, … theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư. Khi tiến hành giao kết hợp đồng, các bên có thể liên hệ và yêu cầu đối tác cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư để đảm bảo đúng thông tin và thẩm quyền ký kết.

(2) Giá chuyển nhượng: Cần ghi rõ tổng giá trị của hợp đồng. Doanh nghiệp cần lưu ý đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng, trừ một số trường hợp được Nhà nước cho phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

(3) Phương thức và thời gian thanh toán: Các bên cần ghi rõ phương thức thanh toán (chuyển khoản hay tiền mặt) và thời gian thanh toán cụ thể với số tiền thanh toán của từng đợt. Để đảm bảo an toàn, các bên nên yêu cầu một tổ chức uy tín có thẩm quyền thực hiện dịch vụ tài chính trung gian. Bên thứ ba này sẽ đứng ra đảm bảo các bên trong hợp đồng thực hiện đúng thỏa thuận và hợp pháp.

(4) Điều kiện, thời hạn chuyển giao tài sản: Đối với bên mua, cần quy định rõ những điều kiện kèm theo và thời điểm cụ thể trong tiến trình hoạt động mua bán doanh nghiệp để bên bán thực hiện nghĩa vụ trong việc chuyển giao tài sản, cổ phần, cổ phiếu theo quy định của hợp đồng.

(5) Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên: Các bên cần chi tiết hóa các nghĩa vụ trong giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng cũng như thời điểm chấm dứt cụ thể.

(6) Điều khoản ràng buộc trách nhiệm: Các bên có thể dự trù các tình huống đối phương có thể vận dụng để không thực hiện hợp đồng mà soạn thảo những điều khoản thích hợp, như trách nhiệm của bên mua khi không thanh toán, hoặc trách nhiệm của bên bán khi không chuyển giao đối tượng của hợp đồng.

(7) Thời hạn thực hiện hợp đồng: Trong hợp đồng cần quy định rõ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và chấm dứt, hoặc những căn cứ phát sinh dẫn đến hợp đồng chấm dứt hiệu lực.

(8) Điều khoản giải quyết tranh chấp: Tranh chấp có thể được đưa ra Tòa án có thẩm quyền hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết.

(9) Tuyên bố và cam kết của hai bên về tình trạng doanh nghiệp: Hợp đồng cần có điều khoản quy định bên bán phải khẳng định và cam kết về các khoản nợ của doanh nghiệp. Việc này nhằm hạn chế tranh chấp và rủi ro đối với bên mua.

Ngoài các điều khoản cơ bản nêu trên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề như sau: nguyên tắc hợp tác; phương án sử dụng lao động; lưu ý đối với một số cụm từ như “trừ những thiếu sót không đáng kể mà không gây ra tổn thất hay trách nhiệm pháp lý đối với”, “hợp đồng chấm dứt khi các bên hoàn thành các công việc và nghĩa vụ quy định trong hợp đồng”, …

V. Giải đáp các thắc mắc thường gặp về hợp đồng mua bán doanh nghiệp

1. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị mua lại có chấm dứt hoạt động không?

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp có thể là mua bán một phần vốn góp hoặc toàn bộ phần vốn góp của doanh nghiệp đó. Nếu chỉ mua bán một phần vốn góp thì không dẫn tới hậu quả doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động.  Ngược lại, trường hợp sáp nhập được thực hiện chỉ khi chuyển giao "toàn bộ" phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đang hoạt động đó cho pháp nhân mới, sau khi ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp thành công thì doanh nghiệp bị mua lại sẽ bị chấm dứt hoạt động và sự tồn tại. Theo đó, Doanh nghiệp bị mua vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ. Tuy nhiên, doanh nghiệp mua lại được quyền sở hữu hợp pháp và tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua. Hậu quả pháp lý của sáp nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp bị sáp nhập hình thành doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới.

- Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp:

Thứ nhất, Quyền kế thừa các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được mua bán.

Bên bán doanh nghiệp có thể chuyển giao cho bên mua những quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền tiếp tục sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, quyền tiếp tục kinh doanh những ngành nghề đã đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp, được bán những quyền, nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp mục tiêu đối với người thứ ba. Đó có thể là quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với các chủ nợ; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền... Đặc biệt, bên mua doanh nghiệp thường quan tâm đến các khoản nợ của doanh nghiệp mục tiêu và xác định trách nhiệm trả nợ sẽ thuộc về bên mua hay bên bán. Vì vậy, trong hợp đồng, các bên phải thỏa thuận rõ: những quyền và nghĩa vụ được chuyển giao; những quyền và nghĩa vụ không được chuyển giao sẽ do bên nào tiếp tục thực hiện; bên nào có trách nhiệm thanh toán nợ của doanh nghiệp mục tiêu.

Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ bên bán cho bên mua và vấn đề thanh toán nợ của doanh nghiệp mục tiêu thể hiện trong các văn bản pháp luật khác nhau tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp được mua là loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể:

+ Quy định về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ bên bán cho bên mua và vấn đề thanh toán nợ của doanh nghiệp tư nhân. Theo đó thì sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.

+ Đối với trường hợp mua bán các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nguyên tắc chủ yếu của việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ tài sản; những quyền, nghĩa vụ khác được phép chuyển giao trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp sẽ dựa trên cơ sở sự thỏa thuận tự nguyện của bên mua và bên bán, đồng thời phải tuân thủ các quy định tại Mục 5 Phần thứ ba (nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự) tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thứ hai, Quyền thỏa thuận thời điểm chuyển giao quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên mua doanh nghiệp và thời điểm thương vụ mua bán doanh nghiệp hoàn tất.

Trừ những quy định tương đối chi tiết về thời hạn chuyển giao doanh nghiệp và quyền sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cho bên mua, pháp luật Việt Nam chưa có quy định định hướng về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên mua doanh nghiệp.

Đối với hợp đồng mua bán doanh nghiệp thì thời điểm ký kết hợp đồng, thời điểm chuyển giao tài sản và thời điểm chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp thường là khác nhau. Về nguyên tắc, sẽ có sự thống nhất ý chí của các bên trong việc chuyển giao tài sản và chuyển quyền sở hữu tài sản. Tuy vậy, các giai đoạn trong quá trình chuyển giao các quyền trên thường có khoảng cách nhất định, nhất là đối với những hợp đồng mua bán doanh nghiệp có giá trị lớn, việc chuyển giao các tài sản, các quyền, nghĩa vụ khác phải diễn ra trong một thời gian tương đối dài. 

Vì vậy, các bên phải đàm phán để đi đến thống nhất thỏa thuận về thời điểm chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp, thời điểm chuyển rủi ro đối với doanh nghiệp đã bán. Bên cạnh đó, thời gian kể từ khi các bên ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp và thời điểm các bên đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cho một thương vụ mua bán doanh nghiệp có thể mất một khoảng thời gian nhất định. Vậy trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp sẽ do bên mua hay bên bán quản lý, điều hành? Vì vậy, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng về quyền và trách nhiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi các bên đã ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp sẽ thuộc về bên bán hay Bộ luật dân sự Liên bang Nga quy định về nội dung của hợp đồng, về quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong trường hợp thiếu sót khi đưa những thông tin về tài sản chuyển giao và thời điểm chuyển giao. 

Khoản 1 Điều 564 Bộ luật dân sự Liên bang Nga quy định: công ty được chuyển giao cho người mua kể từ ngày các bên ký chứng thư chuyển nhượng và quyền sở hữu của công ty được chuyển sang người mua kể từ ngày đăng ký tài sản nhà nước. Quy định của Bộ luật dân sự Liên bang Nga là một gợi ý để cơ quan lập pháp Việt Nam tham khảo ý tưởng trong việc thiết kế các quy định pháp luật về cách thức chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp nhằm phòng tránh rủi ro cho các bên mua bán doanh nghiệp. Tôn trọng quyền tự do giao kết hợp đồng thì việc xác định thời điểm thương vụ mua bán doanh nghiệp được coi là hoàn tất trước hết sẽ theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Nếu các bên không có thỏa thuận, căn cứ vào việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên để xác định thương vụ mua bán doanh nghiệp cụ thể đã hoàn tất chưa? Pháp luật có thể quy định thời điểm hoàn tất thương vụ mua bán doanh nghiệp đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đặc thù.

2. Hợp đồng mua bán doanh nghiệp có hiệu lực khi nào?

Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015 về hiệu lực của hợp đồng như sau:

"Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng

1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật."

Theo đó hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

3. Khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp cần làm gì?

Theo quy định của Luật Thương mại 2005, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán thì các bên có thể giải quyết bằng con đường Thương lượng, Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải, giải quyết tại Trọng tài thương mại, giải quyết tại Tòa án.

+ Giải quyết tranh chấp bằng Thương lượng

Các bên tự thương lượng với nhau để tìm phương án giải quyết tốt nhất. Tuy nhiên, phương thức này không yêu cầu cam kết pháp lý về việc tuân thủ kết quả thương lượng. Do đó, không loại trừ rủi ro có bên cố ý không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận thương lượng.

+ Giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải

Hòa giải là một quá trình giải quyết tranh chấp mang tính chất riêng tư trong đó Hòa giải viên là người thứ ba được chính các bên chấp nhận lựa chọn, giúp các bên tranh chấp đạt được sự thỏa thuận.

Trường hợp lựa chọn bên thứ ba là tổ chức hòa giải thì thủ tục thực hiện theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, tổ chức hòa giải cũng không có chức năng tài phán để ràng buộc các bên tuân thủ theo kết quả hòa giải.

+ Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại

Căn cứ theo Luật Trọng tài thương mại 2010 và Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn, việc lựa chọn Trọng tài phải lưu ý:

  • Phải tồn tại Thỏa thuận trọng tài: theo hợp đồng hoặc theo sự thống nhất của các bên.
  • Thỏa thuận trọng tài có thể bị vô hiệu theo một trong các trường hợp tại Điều 18, Luật Trọng tài Thương mại 2010
  • Không thể đồng thời yêu cầu Tòa án và Trọng tài cùng thụ lý giải quyết một tranh chấp;
  • Phán quyết trọng tài có thể bị Tòa án hủy bị bỏ theo một trong các căn cứ tại Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010
  • Phán quyết của Trọng tài không bị kháng cáo hay kháng nghị để xét lại theo thủ tục Phúc thẩm như tố tụng Tòa án.

+ Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án

Trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận trọng tài hoặc có nhưng những thỏa thuận này vô hiệu hoặc nếu thỏa thuận trọng tài thuộc các trường hợp không thể thực hiện được theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật Trọng tài thương mại thì Tòa án sẽ có thẩm quyền xét xử.

VI. Tìm luật sư tư vấn và soạn thảo về hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Tư vấn hợp đồng nói chung và tư vấn soạn thảo hợp đồng thương mại nói riêng yêu cầu rất nhiều kỹ năng cùng những hiểu biết chuyên sâu  trong lĩnh vực hợp đồng đề cập đến cũng như các của các quy định pháp luật có liên quan. Khi tư vấn hợp đồng, người tư vấn soạn thảo hợp đồng không những phải đảm bảo lợi ích của các bên trong hợp đồng mà còn phải dự kiến được những rủi ro sẽ xảy ra trong tương lai để có thể điều chỉnh các điều khoản hợp đồng phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và quy định của pháp luật.

Với đội ngũ luật sư am hiểu pháp luật kinh doanh, thương mại, đầu tư đồng thời có nhiều kinh nghiệm thực tế về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Hãng luật NPLaw sẽ hỗ trợ khách hàng toàn diện trong vấn đề tư vấn soạn thảo hợp đồng, giúp khách hàng bảo vệ tối đa quyền lợi của mình trong quá trình thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng trong kinh doanh, thương mại.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan