Hợp đồng tài trợ là loại hợp đồng khá xa lạ với nhiều người. Vậy làm sao để hiểu thế nào là Hợp đồng tài trợ và những vấn đề liên quan xoay quanh về Hợp đồng tài trợ như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.
I. Tìm hiểu về Hợp đồng tài trợ
1. Hợp đồng tài trợ là gì?
Hợp đồng tài trợ là một thỏa thuận giữa hai bên, trong đó một bên (bên tài trợ) cam kết cung cấp một khoản tài chính hoặc nguồn lực khác cho bên còn lại (bên được tài trợ) để hỗ trợ cho một dự án, hoạt động hoặc sự kiện cụ thể. Thông thường, bên tài trợ mong muốn nhận được một số lợi ích từ việc tài trợ, chẳng hạn như quảng bá thương hiệu, tăng cường uy tín, hoặc tạo dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng.
2. Điều kiện để Hợp đồng tài trợ có hiệu lực
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng tài trợ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
.jpg)
Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, hợp đồng tài trợ có hiệu lực thì phải đáp ứng các điều kiện trên.
II. Quy định pháp luật về Hợp đồng tài trợ
1. Chủ thể trong Hợp đồng tài trợ
Chủ thể trong hợp đồng tài trợ thường bao gồm:
- Bên tài trợ: Là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp tài chính, hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn lực khác để hỗ trợ cho một hoạt động, sự kiện hoặc dự án cụ thể. Bên tài trợ thường mong muốn quảng bá thương hiệu, tăng cường uy tín hoặc hiện thực hóa các chính sách xã hội.
- Bên được tài trợ: Là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhận tài trợ để thực hiện hoạt động, sự kiện hoặc dự án. Bên này sẽ sử dụng nguồn tài trợ để đạt được các mục tiêu đã cam kết trong hợp đồng.
Đôi khi, có thể có thêm các bên thứ ba liên quan, như các đơn vị hợp tác, các nhà tư vấn hoặc các tổ chức giám sát. Hợp đồng tài trợ cần được soạn thảo rõ ràng để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan.
.jpg)
2. Các nội dung cần có của Hợp đồng tài trợ
Hợp đồng sẽ bao gồm tất cả các điều khoản do hai bên tự thỏa thuận với nhau dựa trên nguyên tắc bình đẳng.
Trong hợp đồng tài trợ cũng vậy, nội dung hợp đồng chủ yếu sẽ đề cập đến các quyền và nghĩa vụ mà hai bên phải thực hiện đối với nhau, nội dung thực hiện cần đảm bảo là phù hợp với khả năng của mỗi bên, không vi phạm quy định của pháp luật và trái với đạo đức xã hội.
Nội dung của hợp đồng tài trợ cần có các nội dung như: thông tin của các bên tham gia ký hợp đồng, thông tin sơ bộ của chương trình, sự kiện cần tài trợ, kinh phí tài trợ, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, thanh toán kinh phí tài trợ, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bồi thường thiệt hại và cách thức giải quyết tranh chấp.
III. Giải đáp các câu hỏi liê n quan đến Hợp đồng tài trợ
1. Hợp đồng tài trợ có cần phải xuất hóa đơn không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ nói về nguyên tắc, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định
Theo đó, các khoản tiền tài trợ cũng phải lập hoá đơn, đồng thời nội dung trên hóa đơn phải đúng với nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh và không được tẩy xóa, sửa chữa.
2. Tiền nhận từ Hợp đồng tài trợ có được tính thuế thu nhập doanh nghiệp không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về những khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư số 78/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Các khoản chi tiền tài trợ khi đáp ứng các điều kiện trên thì sẽ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Trường hợp nào tiền tài trợ không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ vào khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về những khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
- Chi tài trợ cho y tế không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây:
- Tài trợ cho y tế gồm: tài trợ cho các cơ sở y tế được thành lập theo quy định pháp luật về y tế mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong các bệnh viện, trung tâm y tế đó; tài trợ thiết bị y tế, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh; tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của bệnh viện, trung tâm y tế; chi tài trợ bằng tiền cho người bị bệnh thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho y tế gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của đơn vị nhận tài trợ (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) theo mẫu số 04/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
- Chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây:
- Tài trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai gồm: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để khắc phục hậu quả thiên tai trực tiếp cho tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; cá nhân bị thiệt hại do thiên tai thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ (theo mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
- Chi tài trợ làm nhà cho người nghèo không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này; Chi tài trợ làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết theo quy định của pháp luật không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây:
- Đối với chi tài trợ làm nhà cho người nghèo thì đối tượng nhận tài trợ là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hình thức tài trợ: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để xây nhà cho hộ nghèo bằng cách trực tiếp hoặc thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ xác định khoản tài trợ làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, người được hưởng tài trợ là bên nhận tài trợ (theo mẫu số 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC); văn bản xác nhận hộ nghèo của chính quyền địa phương (đối với tài trợ làm nhà cho người nghèo); hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
- Trường hợp bên nhận tài trợ là cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ thì hồ sơ xác định khoản tài trợ bao gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ và cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ là bên nhận tài trợ; hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
- Chi tài trợ nghiên cứu khoa học không đúng quy định; chi tài trợ cho các đối tượng chính sách không theo quy định của pháp luật; chi tài trợ không theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Chi tài trợ theo chương trình của Nhà nước là chương trình được Chính phủ quy định thực hiện ở các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả khoản tài trợ của doanh nghiệp cho việc xây dựng cầu mới dân sinh ở địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
- Chi tài trợ cho các đối tượng chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Hồ sơ xác định khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Tài trợ của doanh nghiệp cho việc xây dựng cầu mới dân sinh ở địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tài trợ cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, người được hưởng tài trợ (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là bên nhận tài trợ (theo mẫu số 07/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC); hoá đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
- Các quy định về nghiên cứu khoa học và thủ tục, hồ sơ tài trợ cho nghiên cứu khoa học thực hiện theo quy định tại Luật khoa học và công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan.
Đối với những khoản chi cho việc tài trợ, ủng hộ, từ thiện của doanh nghiệp thuộc các trường hợp như đã nêu trên sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
IV. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến Hợp đồng tài trợ
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề Hợp đồng tài trợ. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn