Hợp đồng thuê căn hộ văn phòng là một trong những dạng hợp đồng quan trọng trong quá trình thành lập và vận hành doanh nghiệp. Thông qua bài viết này, NPLaw xin gửi đến Quý Khách hàng các thông tin pháp luật cơ bản về hợp đồng thuê căn hộ văn phòng.
Các giao dịch liên quan đến căn hộ văn phòng đều là các giao dịch quan trọng, không loại trừ giao dịch cho thuê căn hộ văn phòng, bởi lẽ bất động sản nói chung và căn hộ văn phòng nói riêng được xem là tài sản có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của người sử dụng, chủ sở hữu. Vì lý do đó, hợp đồng thuê căn hộ văn phòng là một tài liệu quan trọng, được nhiều chủ doanh nghiệp cũng như chủ căn hộ quan tâm tìm hiểu.
Hiện nay, ngoài một số giao dịch cho thuê căn hộ văn phòng nhỏ lẻ, hầu hết các chủ căn hộ và chủ doanh nghiệp đều tìm đến các dịch vụ soạn thảo, rà soát, đánh giá hợp đồng cho thuê căn hộ văn phòng nhằm đảm bảo công bằng giữa các bên cũng như đảm bảo các điều khoản phù hợp quy định pháp luật.
Hợp đồng thuê căn hộ văn phòng là hợp đồng thuê tài sản tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể quy định như sau:
“Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, hợp đồng thuê căn hộ văn phòng là văn bản thỏa thuận giữa bên cho thuê căn hộ văn phòng (có thể là chủ sở hữu hoặc là người có quyền cho thuê căn hộ văn phòng) giao quyền sử dụng căn hộ văn phòng cho bên thuê sử dụng căn hộ văn phòng trong một thời hạn nhất định. Bên thuê có nghĩa vụ trả tiền cho bên cho thuê.
Hợp đồng thuê căn hộ văn phòng là một loại hợp đồng liên quan đến căn hộ, nhà ở. Do đó, các nội dung phải có trong hợp đồng thuê căn hộ văn phòng ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật dân sự thì phải tuân thủ quy định pháp luật nhà ở, cụ thể tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023 thì phải gồm các nội dung sau đây:
- Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
- Mô tả đặc điểm của căn hộ văn phòng, ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; thời hạn sử dụng …;
- Giá cho thuê;
- Thời hạn và phương thức thanh toán tiền;
- Thời hạn cho thuê;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Cam kết của các bên;
- Thỏa thuận khác;
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Điều kiện đối với các bên trong giao dịch dân sự nói chung và trong hợp đồng thuê căn hộ văn phòng nói riêng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 là chủ thể phải có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực pháp luật dân sự.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức không có tư cách pháp nhân, do đó, không đáp ứng về điều kiện của chủ thể trong giao dịch dân sự.
Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không thể là bên thuê trong hợp đồng thuê căn hộ văn phòng. Trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể ký hợp đồng thuê căn hộ văn phòng để sử dụng làm văn phòng của doanh nghiệp tư nhân.
Hiện nay, pháp luật không giới hạn đối với thời hạn thuê, cho thuê căn hộ văn phòng. Về nguyên tắc, thời hạn cho thuê tối đa của căn hộ văn phòng phụ thuộc vào thời hạn chủ sở hữu có quyền sử dụng căn hộ văn phòng đó.
Như vậy, hiện không có quy định về thời hạn tối đa thực hiện hợp đồng thuê căn hộ văn phòng mà phụ thuộc vào thoả thuận các bên và thời hạn sử dụng của căn hộ.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 thì:
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Theo đó, các bên trong hợp đồng dân sự có thể thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp không thoả thuận về phạt vi phạm, các bên không có cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên còn lại có hành vi vi phạm nghĩa vụ được thoả thuận trong hợp đồng.
Như vậy, các bên nên xem xét và quy định về phạt vi phạm trong hợp đồng thuê căn hộ văn phòng.
Căn cứ Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định về công chứng hợp đồng thuê nhà ở như sau:
“1. Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
…
2. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
…”
Như vậy, tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng thuê căn hộ văn phòng thì không bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng. Các bên có nhu cầu thì vẫn có thể thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng thuê căn hộ văn phòng theo quy định.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định về hợp đồng thuê căn hộ văn phòng của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về hợp đồng thuê căn hộ văn phòng. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thủ tục pháp lý của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn