KHAI THUẾ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU

Việc nộp thuế đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp là nghĩa vụ và trách nhiệm vô cùng quan trọng, điều này quan trọng hơn cả khi doanh nghiệp có loại hình kinh doanh ngành nghề liên quan đến việc xuất nhập khẩu. Vậy làm sao để hiểu thế nào là khai thuế hàng hoá xuất khẩu và những vấn đề liên quan xoay quanh về khai thuế hàng hoá xuất khẩu như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I. Thực trạng khai thuế hàng hóa xuất khẩu hiện nay

Thực trạng khai thuế hàng hóa xuất khẩu hiện nay đang được thực hiện theo các quy định của Luật Thuế Xuất nhập khẩu và các quy định cụ thể của Bộ Tài chính.

Một số thông tin về thực trạng khai thuế hàng hóa xuất khẩu Việt Nam hiện nay:

- Quy định về thuế xuất khẩu: Các mặt hàng xuất khẩu có thuế theo tỷ lệ đã quy định. Tuy nhiên, một số sản phẩm xuất khẩu có thể được miễn, giảm hoặc đặc thuế.

- Quá trình khai thuế: Doanh nghiệp xuất khẩu phải khai báo hàng hóa cụ thể, số lượng, giá trị xuất khẩu và các thông tin liên quan khi thực hiện việc khai thuế hàng hóa. Thông tin này sẽ được gửi đến cơ quan thuế để xác nhận và kiểm tra.

- Công nghệ thông tin: Hiện nay, quá trình khai thuế hàng hóa xuất khẩu được thực hiện qua hệ thống công nghệ thông tin để tăng cường tính chính xác và minh bạch. Doanh nghiệp có thể sử dụng các phần mềm quản lý thuế để khai báo và quản lý thông tin liên quan đến thuế xuất khẩu.

- Kiểm tra và xử lý sai phạm: Cơ quan thuế có quyền kiểm tra thông tin khai thuế hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp để đảm bảo tính chính xác và tránh sai phạm. Trong trường hợp phát hiện sai sót, cơ quan thuế có thể yêu cầu điều chỉnh, đính chính hoặc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Chính sách khuyến khích xuất khẩu: Nhằm thúc đẩy xuất khẩu và phát triển nền kinh tế, chính phủ Việt Nam thường áp dụng các chính sách khuyến khích xuất khẩu như miễn thuế, giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng thực trạng khai thuế hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thể thay đổi theo thời gian và các quy định mới của pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin và thực hiện đúng quy định của cơ quan thuế để tránh vi phạm và đảm bảo quyền lợi của mình trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.

II. Tìm hiểu về khai thuế hàng hoá xuất khẩu

1. Khai thuế hàng hóa xuất khẩu là gì?

Kê khai thuế hàng hóa xuất khẩu là việc người nộp thuế cung cấp, trình bày các hồ sơ, số liệu liên quan đến những nghĩa vụ thuế của mình, sau đó nộp cho cơ quan quản lý thuế.

Người nộp thuế phải khai đầy đủ, chính xác, trung thực các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu quy định. Nộp đủ các loại tài liệu, chứng từ quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

Người nộp thuế có nghĩa vụ tự tính toán số thuế phải nộp. Tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực, kịp thời về các nội dung đã kê khai với cơ quan thuế. 

2. Khai thuế hàng hoá xuất khẩu gồm những nội dung gì?

Theo Chương IV Luật Quản lý thuế 2019 thì Kê khai thuế xuất khẩu gồm các nội dung được quy định như sau:

+Nguyên tắc khai thuế, tính thuế

+Hồ sơ khai thuế

+Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

+Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế

+Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế

+Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

+Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế

III. Quy định pháp luật về khai thuế hàng hóa xuất khẩu

1. Hồ sơ khai thuế hàng hóa xuất khẩu

Theo khoản 5 Điều 43 Luật quản lý thuế 2019, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì hồ sơ hải quan theo quy định của Luật Hải quan được sử dụng làm hồ sơ khai thuế.

Theo Điều 24 Luật hải quan 2014, hồ sơ hải quan gồm:

– Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;

– Chứng từ có liên quan.

Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.

Lưu ý: Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Thủ tục về khai thuế hàng hóa xuất khẩu

Theo Điều 48 Luật Quản lý thuế 2019 thì thủ tục khai thuế hàng hóa xuất khẩu như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khai thuế hàng hóa xuất khẩu 

Bước 2: Nộp hồ sơ khai thuế hàng hóa xuất khẩu 

Cơ quan quản lý thuế tiếp nhận hồ sơ khai thuế của người nộp thuế qua các hình thức sau đây:

+ Nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế;

+ Nhận hồ sơ gửi qua đường bưu chính;

+ Nhận hồ sơ điện tử qua cổng giao dịch điện tử của cơ quan quản lý thuế.

Bước 3: Cơ quan quản lý thuế tiếp nhận hồ sơ khai thuế thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế; trường hợp hồ sơ không hợp pháp, không đầy đủ, không đúng mẫu quy định thì thông báo cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

IV. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến khai thuế hàng hóa xuất khẩu

1. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hàng hoá xuất khẩu

Theo khoản 6 Điều 44 Luật quản lý thuế 2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.

*Thời hạn nộp tờ khai hải quan

Theo đó, Điều 25 Luật hải quan 2014, thời hạn nộp tờ khai hải quan được quy định như sau:

-Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;

-Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu;

-Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện như sau:

+Đối với phương tiện vận tải quá cảnh được thực hiện ngay khi tới cửa khẩu nhập cảnh đầu tiên và trước khi phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cảnh cuối cùng;

+ Đối với phương tiện vận tải đường biển nhập cảnh được thực hiện chậm nhất 02 giờ sau khi cảng vụ thông báo phương tiện vận tải nhập cảnh đã đến vị trí đón hoa tiêu; đối với phương tiện vận tải đường biển xuất cảnh được thực hiện chậm nhất 01 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;

+ Đối với phương tiện vận tải đường hàng không xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện ngay khi phương tiện vận tải nhập cảnh đến cửa khẩu và trước khi tổ chức vận tải chấm dứt việc làm thủ tục nhận hàng hóa xuất khẩu, hành khách xuất cảnh;

+ Đối với phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện ngay sau khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập cảnh đầu tiên và trước khi phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cảnh cuối cùng.

Lưu ý: Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.

*Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan

Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan được quy định như sau:

- Trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia;

- Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.

2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế hàng hoá xuất khẩu

Theo quy định tại Điều 45 Luật Quản lý thuế 2019 thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế theo cơ chế một cửa liên thông thì địa điểm nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của cơ chế đó.

Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan 2014.

Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với các trường hợp sau đây sẽ được làm rõ tại các mục nêu bên dưới:

+ Người nộp thuế có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh;

+ Người nộp thuế thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa bàn; người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh;

+ Người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các khoản thu từ đất; cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản;

+ Người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế quyết toán thuế thu nhập cá nhân;

+ Người nộp thuế thực hiện khai thuế thông qua giao dịch điện tử và các trường hợp cần thiết khác.

3. Trường hợp không khai thuế hàng hoá xuất khẩu thì bị xử lý như thế nào?

Các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực hải quan được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP như sau: Không kê khai về nguyên liệu, vật tư mua trong nước có thuế xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công xuất khẩu; khai sai phần trị giá nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công làm tăng số tiền thuế được miễn đối với sản phẩm gia công khi nhập khẩu trở lại Việt Nam;

Khi có hành vi không khai thuế hàng hóa xuất khẩu thì được xác định là hành vi trốn thuế và sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt 01 lần số tiền thuế trốn trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng;

- Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn.

Như vậy, hành vi khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp sẽ bị xử phạt với mức phạt 10% hoặc 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu tùy vào từng trường hợp. Khi tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt 01 lần số tiền thuế trốn và buộc nộp đủ số tiền thuế trốn theo quy định. 

4. Khai thuế hàng hoá xuất khẩu không đúng với thực tế bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, khi có hành vi khai sai số lượng sản phẩm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

“Vi phạm quy định về khai hải quan

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa là hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ, mã số hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp; trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều này;

c) Không khai trên tờ khai hải quan mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán theo quy định của pháp luật hải quan mà không ảnh hưởng đến trị giá hải quan.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa và thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, hàng hóa trung chuyển;

b) Hàng hóa sử dụng, tiêu hủy trong khu phi thuế quan.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và điểm d khoản 4 Điều này.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai sai số lượng vận đơn chủ, vận đơn thứ cấp trên bản khai hàng hóa của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

b) Khai sai số lượng hành khách trên danh sách hành khách của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

c) Khai sai số lượng kiện hành lý trên bản khai hành lý của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

d) Khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa đưa vào kho ngoại quan, kho bảo thuế; hàng hóa từ kho ngoại quan, kho bảo thuế đưa ra nước ngoài.”

Như vậy, Khai thuế hàng hoá xuất khẩu không đúng với thực tế có thể bị phạt vi phạm hành chính lên đến 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP thì đây là là mức phạt tiền đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.

5. Hành vi khai sai số lượng sản phẩm xuất khẩu thực tế có mục đích trốn thuế sẽ bị xử phạt như thế nào?

Đối với hành vi khai sai số lượng sản phẩm thực tế nhằm mục đích trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP như sau:

“Xử phạt đối với hành vi trốn thuế

1. Các hành vi trốn thuế gồm:

...

đ) Khai sai so với thực tế hàng hóa xuất khẩu về lượng, chủng loại, sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất; hàng tái xuất;

h) Khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa;

...

2. Người nộp thuế có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền như sau:

a) Phạt 01 lần số tiền thuế trốn trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng;

b) Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn.”

Căn cứ theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (khoản 1, khoản 5 Điều này lần lượt được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế như sau:

“Tội trốn thuế

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

...

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi kê khai sai số lượng thực tế sản phẩm, hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 05 năm tù giam tương ứng với mức độ phạm tội.

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến khai thuế hàng hóa xuất khẩu

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề khai thuế hàng hoá xuất khẩu. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan