Hiện nay, với một thế giới hiện đại, việc hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, kể cả trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng việc hội nhập quốc tế mà vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của các nước. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật nhưng hiện nay tình trạng này lại xảy ra rất nhiều với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Vậy như thế nào là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới? Pháp luật quy định như thế nào về hành vi trên? Hãy cùng NPLAW giải đáp thông qua bài viết sau đây nhé!
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trên tinh thần đó, các cơ quan liên quan phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác. Cùng với đó, phải xác định rõ nhiệm vụ chống việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên, liên tục.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là hành vi vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa.
Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là hành vi đưa (mang) hàng hoá qua biên giới Việt Nam một cách trái phép.
Việc vận chuyển trái phép được thể hiện qua hành vi vận chuyển hàng hoá, tiền tệ nhưng không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép. Theo đó, đối tượng hàng hóa, tiền tệ ở đây gồm cả hàng hoá được phép lưu thông và hàng cấm lưu thông.
Phương thức vận chuyển có thể bằng sức người (mang, vác), sức kéo của súc vật hoặc bằng các loại phương tiện vận tải, hình thức vận chuyển có thể bằng đường bộ, đường không, đường thuỷ hoặc qua đường bưu điện.
Tội "Buôn lậu" và tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" là hai tội khác nhau về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tuy nhiên trên thực tế lại có không ít người nhầm lẫn giữa hai tội danh này. Sau đây, NP LAW sẽ giúp quý bạn đọc phân biệt được về điểm khác biệt giữa tội "Buôn lậu" và tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".
- Giống nhau:
+ Cả hai giới đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế.
+ Thực hiện với lỗi cố ý.
Tuy nhiên, có điểm khác nhau như sau:
Tiêu chí | Tội buôn lậu | Tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới |
Căn cứ pháp lý |
Điều 188, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. |
Điều 189, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. |
Mặt khách quan | Có hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý. | Có hành vi vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý |
Mục đích | Nhằm mục đích buôn bán kiếm lời, lợi nhuận | Không nhằm mục đích buôn bán |
Mặt chủ quan | Thực hiện với lỗi cố ý | Thực hiện với lỗi cố ý |
Khi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có thể bị xử lý hành chính hoặc tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
* Xử lý hành chính đối với hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 96/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị dưới 10.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
+ Hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa là văn hóa phẩm.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
Ngoài hình thức phạt tiền, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường và văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 96/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
* Xử lý hình sự đối với hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì khi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chịu trách nhiệm hình sự như sau:
- Đối với cá nhân phạm tội:
+ Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
• Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc tại một trong các tội sau: Tội buôn lậu; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Tội đầu cơ và Tội trốn thuế của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
• Vật phạm pháp là di vật, cổ vật
+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
• Có tổ chức;
• Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
• Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
• Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
• Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
• Phạm tội 02 lần trở lên;
• Tái phạm nguy hiểm.
+ Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm;
+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
+ Thực hiện hành vi vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc tại một trong các tội sau: Tội buôn lậu, Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Tội đầu cơ và Tội trốn thuế của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng:
• Có tổ chức;
• Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
• Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
• Phạm tội 02 lần trở lên;
• Tái phạm nguy hiểm.
+ Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
+ Phạm tội thuộc trường hợp đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
+ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
V. Các yếu tố cấu thành tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Các yếu tố cấu thành tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bao gồm các yếu tố sau đây:
* Khách thể của tội phạm:
- Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất nhập, nhập khẩu hàng hóa.
- Đối tượng tác động của vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là hàng hóa.
* Mặt khách quan của tội phạm:
- Người phạm tội có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại bằng nhiều thủ đoạn và phương pháp khác nhau (đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không hoặc thông qua bưu chính viễn thông). Tuy nhiên, không nhằm mục đích mua bán, sinh lời.
- Người phạm tội có thể tự mình vận chuyển hoặc thuê người vận chuyển, nhờ vận chuyển. Đối với trường hợp được thuê, nhờ vận chuyển thì họ không biết được loại hàng mình vận chuyển là hàng gì, nhưng họ biết được việc họ vận chuyển qua biên giới là trái phép.
- Đối với đối tượng là hàng hóa phải có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Tuy nhiên, nếu giá trị hàng phạm pháp có giá trị dưới 100.000.000 đồng thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc một trong các tội sau đây: Tội buôn lậu, Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Tội đầu cơ và Tội trốn thuế của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Mặt chủ quan của tội phạm:
Người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là do cố ý.
*Chủ thể của tội phạm:
- Đối với chủ thể của tội phạm là cá nhân: Là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
- Đối với chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại: Phải thỏa mãn điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Theo quy định tại Điều 91 Luật Hải quan 2014 thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân liên quan trong việc phòng, chống vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là:
- Quyền của của tổ chức và cá nhân liên quan trong việc phòng, chống vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới:
+ Cung cấp các thông tin, hồ sơ tài liệu và chứng cứ liên quan đến vụ việc vi phạm cho cơ quan hải quan; đề nghị cơ quan hải quan trưng cầu giám định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
+ Được bảo vệ bí mật, bảo vệ tính mạng và được hưởng các đãi ngộ theo quy định của pháp luật khi cung cấp thông tin, tố giác, tố cáo về các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân liên quan trong việc phòng, chống vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới:
+ Người điều khiển, người có mặt trên phương tiện vận tải phải chấp hành lệnh dừng phương tiện, khám xét và xuất trình giấy tờ, chứng từ, tài liệu theo yêu cầu của công chức hải quan. Người điều khiển phương tiện vận tải có trách nhiệm cung cấp sơ đồ hầm hàng, chỉ dẫn, mở nơi nghi vấn cất giữ hàng hóa trên phương tiện vận tải để công chức hải quan tiến hành khám xét;
+ Tổ chức tín dụng, tổ chức bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các giao dịch thanh toán, giao dịch bảo hiểm theo yêu cầu của cơ quan hải quan để phục vụ hoạt động điều tra, xác minh và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
+ Tổ chức và cá nhân có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh có nghĩa vụ cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ hoạt động điều tra, xác minh và xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; có mặt tại trụ sở cơ quan hải quan để giải trình các nội dung liên quan khi được yêu cầu.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định định 96/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì bộ đội biên phòng có thẩm quyền xử phạt đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trên đây là nội dung tư vấn của NPLAW muốn gửi đến quý khách hàng. Mọi vướng mắc chưa rõ cần tư vấn đối với vấn đề vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác như: Doanh nghiệp; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con…quý khách vui lòng liên hệ với NPLAW để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn