KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Một kiểu dáng công nghiệp sau khi tung ra thị trường có thể dễ dàng bị bắt chước. Chính vì thế đối với các doanh nghiệp thì việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là một điều hiết sức quan trọng. Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu các quy định của pháp luật về kiểu dáng công nghiệp, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú xin chia sẻ các nội dung liên quan đến kiểu dáng công nghiệp như sau

KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP LÀ GÌ?

Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP LÀ GÌ?

VÍ DỤ VỀ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Ví dụ 1

Ví dụ 2

 

Ví dụ 3:


Ví dụ 4:


PHÂN BIỆT KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ NHÃN HIỆU

Sự giống nhau giữa kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu

- Kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu đều phải là các dấu hiệu nhìn thấy được.

- Quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu đều được xác lập trên cơ sở đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

Sự khác nhau giữa kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu

- Kiểu dáng công nghiệp chỉ có thể được đăng ký cho sản phẩm. Nhãn hiệu có thể được đăng ký cho cả sản phẩm và dịch vụ.

- Kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ tối đa 15 năm. Nhãn hiệu có thể được bảo hộ không giới hạn với điều kiện phải làm thủ tục gia hạn văn bằng bảo hộ 10 năm/lần.

- Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp là tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Trong khi nhãn hiệu với chức năng là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau nên không cần phải có đáp ứng các yêu cầu trên. 

CHỦ SỞ HỮU KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Theo quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ thì các tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

  • Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình; 
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

Người có quyền đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

PHÂN BIỆT KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ NHÃN HIỆU

ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:

Có tính mới

Tính mới của kiểu dáng công nghiệp là gì?

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.

Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày công bố:

- Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của chủ sở hữu;

- Kiểu dáng công nghiệp được chủ sở hữu công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

- Kiểu dáng công nghiệp được chủ sở hữu trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Có tính sáng tạo

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

Trong các trường hợp sau đây, kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký được coi là không có tính sáng tạo:

- Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng...);

- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, các loài động vật..., hình dáng của các hình hình học (hình tròn, hình elíp, hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình đa giác đều, các hình lăng trụ có mặt cắt là các hình kể trên...) đã được biết rộng rãi;

- Kiểu dáng công nghiệp là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên thế giới;

- Kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi trên thực tế (ví dụ: đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy...)

Có khả năng áp dụng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Trong các trường hợp sau đây, đối tượng nêu trong đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp:

- Đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, chất lỏng...);

- Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn;

- Các trường hợp với lý do xác đáng khác.

BẢN MÔ TẢ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp là một trong những tài liệu quan trọng trong hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp bao gồm các nội dung sau đây:

1. Tên kiểu dáng công nghiệp: là tên của chính sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện một cách ngắn gọn bằng các từ ngữ thông dụng, không mang tính chất quảng cáo, không chứa ký hiệu, chú thích, chỉ dẫn thương mại;

2. Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp: là lĩnh vực sử dụng cụ thể của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp, trong đó nêu rõ mục đích sử dụng, công dụng, chức năng của sản phẩm đó;

3. Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất: nêu rõ có hay không có kiểu dáng công nghiệp tương tự, nếu có thì chỉ ra kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất với kiểu dáng công nghiệp của cùng loại sản phẩm nêu trong đơn, đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên), trong đó phải chỉ ra nguồn thông tin bộc lộ công khai kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất đó;

4. Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ: liệt kê lần lượt các ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh (ba chiều), hình chiếu, mặt cắt... của kiểu dáng công nghiệp, phù hợp với số thứ tự được ghi của ảnh chụp, bản vẽ;

5. Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp: cần được mô tả chi tiết như sau:

- Bộc lộ hoàn toàn bản chất của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, trong đó nêu đầy đủ các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp, đồng thời chỉ ra các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất, phù hợp với các đặc điểm tạo dáng được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ;

- Các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ được trình bày lần lượt theo thứ tự: các đặc điểm hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc (nếu có); 

- Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được...) thì mô tả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau;

- Nếu kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phải nêu phương án cơ bản và đánh số lần lượt các phương án biến thể khác, trong đó chỉ rõ các đặc điểm tạo dáng khác biệt của từng phương án biến thể so với phương án cơ bản;

- Nếu kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì mô tả kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ đó.

BẢN MÔ TẢ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

6. Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (hoặc “yêu cầu bảo hộ”): phải liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng cần và đủ để xác định bản chất kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ và phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện trên ảnh chụp, bản vẽ nêu trong đơn, bao gồm các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.

THỎA ƯỚC LAHAY VỀ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Sự ra đời của Thỏa ước LaHay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp

Thỏa ước LaHay được ký kết vào ngày 06/11/1925 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/06/1928. Sự ra đời của Thỏa ước LaHay có 02 mục đích chính:

- Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài. Cụ thể, Thỏa ước LaHay đã tạo ra khả năng đạt được sự bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại nhiều nước thông qua một đơn đăng ký quốc tế duy nhất, nộp cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Theo thủ tục này thì chủ thể nộp đơn không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt tại mỗi nước mà mình muốn được bảo hộ, không phải nộp các tài liệu bắt buộc bằng các ngôn ngữ khác nhau và không phải nộp các loại phí bằng các loại tiền khác nhau.

- Giúp chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp dễ dàng quản lý đăng ký quốc tế đối với các kiểu dáng công nghiệp do mình là chủ sở hữu. Cụ thể theo quy định của Thỏa ước, việc gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu, … được thực hiện nhờ một thủ tục đơn giản là gửi thông báo bằng văn bản cho Văn phòng quốc tế và Văn phòng quốc tế sẽ thông báo cho chủ sở hữu về thời điểm hết hạn hiệu lực và các vấn đề pháp lý khác có liên quan đến đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại các nước thành viên.

Nội dung Thỏa ước LaHay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp

- Đối tượng nộp đơn: Gồm công dân nước thành viên của Thỏa ước LaHay và những người tuy không phải là công dân của bất kỳ nước thành viên nào nhưng cư trú hoặc có cơ sở công nghiệp, thương mại thực sự và có hiệu quả trên lãnh thổ nước thành viên của Thỏa ước LaHay

- Cách thức nộp đơn: Đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế hoặc nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua trung gian là cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc gia của nước thành viên.

- Quyền ưu tiên khi nộp đơn: Thời hạn hưởng quyền ưu tiên nộp đơn đăng ký quốc tế là trong vòng 06 tháng kể từ ngày đơn đầu tiên đăng ký cùng kiểu dáng đó được nộp tại một nước thành viên của Thỏa ước LaHay.

- Hiệu lực pháp lý của đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp: Đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Văn phòng quốc tế sẽ có hiệu lực tại mỗi nước thành viên được người nộp đơn chỉ định trong đơn trên cơ sở pháp luật quốc gia của nước thành viên đó.

- Thời hạn bảo hộ: Do pháp luật các nước thành viên quy định, tối thiểu là 5 năm.

BẰNG ĐỘC QUYỀN KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Hiệu lực của Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp

Theo quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ thì Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bị hủy bỏ trong trường hợp nào?

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau:

- Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký;

- Kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.

Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp nêu trên với điều kiện phải nộp phí và lệ phí. 

Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là suốt thời hạn bảo hộ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan