Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần lưu ý những vấn đề pháp lý gì?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa các quốc gia ngày càng tăng cao, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành vận tải. Một trong những giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu này là dịch vụ vận tải đa phương thức. Đây là hình thức vận chuyển kết hợp nhiều phương tiện khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không trong cùng một chuỗi vận chuyển, mang lại hiệu quả cao về chi phí và thời gian. 

Vậy khi kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần lưu ý những vấn đề pháp lý gì? Sau đây, NPLAW sẽ cung cấp cho quý khách hàng các nội dung cần lưu ý khi kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức.

I. Tìm hiểu về kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức

1. Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 87/2009/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 89/2011/NĐ-CP, Nghị định 144/2018/NĐ-CP thì vận tải đa phương thức là phương thức vận tải hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau.

Từ khái niệm nêu trên có thể suy ra khái niệm về kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức, cụ thể: Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức là việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau. Kinh doanh vận tải đa phương thức gồm hai hình thức chính là kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa và kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

  • “Vận tải đa phương thức quốc tế” là vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa ở Việt Nam đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác và ngược lại.
  • “Vận tải đa phương thức nội địa” là vận tải đa phương thức được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

2. Đặc điểm của kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức

Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức có một số đặc điểm như sau:

  • Sử dụng kết hợp nhiều phương thức vận chuyển: Dịch vụ vận tải đa phương thức là việc kết hợp ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) để vận chuyển hàng hóa từ điểm xuất phát đến điểm đích. Mỗi phương thức vận tải sẽ được chọn lựa sao cho tối ưu về chi phí, thời gian và tính hiệu quả trong từng giai đoạn vận chuyển.
  • Thể hiện dưới hình thức hợp đồng vận tải đa phương thức: Một trong những đặc điểm quan trọng của vận tải đa phương thức là tất cả các phương thức vận chuyển được sử dụng trong một chuỗi cung ứng đều phải được quản lý dưới một hợp đồng vận tải duy nhất. Điều này giúp giảm thiểu sự phức tạp trong việc quản lý và điều phối giữa các bên liên quan. Doanh nghiệp vận tải đa phương thức sẽ chịu trách nhiệm tổng thể về việc vận chuyển hàng hóa.
  • Bao bì hàng hóa: thường phải đảm bảo an toàn và phù hợp với từng phương thức vận chuyển, bảo vệ hàng hóa khỏi hư hỏng trong suốt quá trình di chuyển. Bao bì có thể không được mở trong suốt hành trình, trừ khi có yêu cầu đặc biệt từ cơ quan hải quan hoặc đơn vị vận chuyển.
  • Quá trình vận chuyển: diễn ra qua nhiều giai đoạn, mỗi phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không) có thể do các đơn vị vận chuyển khác nhau thực hiện. Tuy nhiên, tất cả đều phối hợp chặt chẽ, và thông tin được trao đổi để đảm bảo lộ trình vận chuyển liền mạch, giảm thiểu thời gian dừng và tránh rủi ro mất mát hàng hóa.

  • Phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và công nghệ: Để vận hành dịch vụ vận tải đa phương thức hiệu quả, doanh nghiệp phải có sự kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay và các kho bãi. Ngoài ra, công nghệ thông tin cũng đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và quản lý hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển. 

II. Quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức

1. Vai trò của kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức

Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức có nhiều lợi ích, có thể kể đến như: 

  • Tiết kiệm chi phí: Vận chuyển kết hợp giữa các phương thức giúp tối ưu hóa chi phí, giảm thiểu việc sử dụng một phương thức vận tải duy nhất mà có thể không tối ưu về giá cả cho một quãng đường dài.
  • Tiết kiệm thời gian: Việc sử dụng các phương tiện khác nhau có thể giảm thiểu thời gian vận chuyển, đặc biệt là trong trường hợp kết hợp đường hàng không và đường bộ, giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng hơn.
  • Linh hoạt và hiệu quả: Dịch vụ vận tải đa phương thức có thể tùy chỉnh theo từng nhu cầu cụ thể của khách hàng, như việc lựa chọn các tuyến đường, thời gian vận chuyển và các phương tiện phù hợp nhất với loại hàng hóa.
  • Giảm thiểu rủi ro: Sử dụng nhiều phương thức vận tải khác nhau giúp phân bổ rủi ro, chẳng hạn như khi có sự cố trên một phương tiện vận chuyển, các phương thức khác vẫn có thể tiếp tục hoạt động.

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức

Nghị định 144/2018/NĐ-CP được ban hành đã bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức nội địa. 

Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, cần phải đáp ứng các điều kiện theo Điều 5 Nghị định số 87/2009/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 144/2018/NĐ-CP, cụ thể:

Doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật;
  • Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.

Doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp;
  • Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.

III. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức

1. Các mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức hiện nay

Dưới đây là một số mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức hiện nay: 

  • Mô hình vận tải đường biển – vận tải hàng không (Sea –Air): Đây có lẽ là mô hình vận tải đa phương thức phù hợp nhất với các hàng hóa có giá trị cao như đồ điện tử, đồ thủ công,… cũng như các hàng hóa với tính thời vụ như quần áo, đồ chơi, giày dép,… Phương thức vận chuyển này hàng hóa được vận qua đường biển và đường hàng không. Hàng hóa sau khi được vận chuyển bằng đường biển tới cảng chuyển tải tới người nhận ở sâu trong đất liền bằng đường hàng không. Với sự kết hợp này, việc vận chuyển sẽ vừa có tính kinh tế, vừa có tính tốc độ so với các sự kết hợp khác.

  • Mô hình vận tải bộ – vận tải hàng không (Road- Air): Nếu mô hình vận chuyển Sea-Air là kinh tế và tốc độ thì đây lại là sự kết hợp hoàn hảo giữa khả năng linh hoạt và tốc độ. Việc vận chuyển đầu tiên được thực hiện trên vận tải bộ về các cảng hàng không hoặc từ cảng hàng không chở đến nơi giao hàng ở các địa điểm khác. Hoạt động vận tải bộ sẽ được thực hiện ở hai đoạn đầu và đoạn cuối của quá trình vận tải. 

  • Mô hình vận tải đường sắt – vận tải bộ (Rail- Road): Đây là sự kết hợp giữa tính an toàn và tốc độ của vận tải đường sắt với tính cơ động của vận tải ô tô đang được sử dụng nhiều ở Châu Mỹ và Châu Âu. Theo phương pháp này người ta đóng gói hàng trong các trailer được kéo đến nhà ga bằng các xe kéo gọi là tractor. 

  • Mô hình vận tải đường sắt / đường bộ / vận tải nội thủy – vận tải đường biển (Rail/ Road/ Inland waterway- Sea): Mô hình vận tải này là mô hình với bể phương tiện vô cùng dồi dào và cũng là mô hình vận tải phổ biến nhất để chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ hoặc đường nội thủy đến cảng biển của nước xuất khẩu sau đó được vận chuyển bằng đường biển tới cảng của nước nhập khẩu rồi từ đó vận chuyển đến người nhận ở sâu trong nội địa bằng đường bộ, đường sắt hoặc vận tải nội thủy. 

  • Mô hình cầu lục địa (Land Bridge): Theo mô hình này hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển vượt qua các đại dương đến các cảng ở một lục địa nào đó cần phải chuyển qua chặng đường trên đất liền để đi tiếp bằng đường biển đến châu lục khác. Trong cách thức vận tải này, chặng vận tải trên đất liền được ví như chiếc cầu nối liền hai vùng biển hay hai đại dương.

  • Mini và micro bridge: Mini Bridge là mô hình trong đó container được vận chuyển từ một cảng nước này sang một cảng nước khác. Sau đó vận chuyển bằng đường sắt đến một thành phố cảng thứ hai của nước đến. Tương tự như Mini Bridge, mô hình Micro Bridge cũng liên quan đến việc vận chuyển container từ cảng này sang cảng khác. Sau đó chuyển sang chặng đường sắt để vận chuyển vào nội địa. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ nơi đến cuối cùng không phải là thành phố cảng mà là khu công nghiệp, trung tâm thương mại hoặc vùng khác trong nội địa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến các điểm không phải là cảng biển.

2. Chứng từ kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức gồm những loại nào?

Các dạng chứng từ vận tải đa phương thức được hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức, theo đó:

Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được thì được phát hành theo một trong các hình thức sau:

  • Xuất trình;
  • Theo lệnh;
  • Theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc.

Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng không chuyển nhượng được thì được phát hành theo hình thức đích danh người nhận hàng.

Các dạng chứng từ trong vận tải đa phương thức nội địa do các bên thỏa thuận.

IV. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về các thủ tục liên quan đến kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ Luật sư chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan