Kinh doanh hoá chất thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Khi kinh doanh lĩnh vực này, cá nhân, tổ chức phải có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Vậy pháp luật quy định về vấn đề kinh doanh, sản xuất hoá chất như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Sản xuất, kinh doanh hoá chất là gì?
Hoá chất là đơn chất, hợp chất, hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo. Vậy như thế nào là kinh doanh hóa chất thì hãy cùng tìm hiểu qua các thông tin bên dưới nhé.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 17/2020/NĐ-CP Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất thì sản xuất hoá chất được định nghĩa như sau:
“Sản xuất hoá chất là hoạt động tạo ra hoá chất thông qua các phản ứng hoá học, quá trình sinh hoá hoặc quá trình hoá lý, vật lý như trích ly, cô đặc, pha loãng, phối trộn và quá trình lý hoá, vật lý khác không bao gồm hoạt động phát thải hoá chất không chủ đích”.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 113/2017 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất thì hoạt động kinh doanh hoá chất được định nghĩa như sau:
“Kinh doanh hoá chất bao gồm hoạt động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất để cung ứng hoá chất trên thị trường nhằm mục đích sinh lời”.
2. Điều kiện về sản xuất, kinh doanh hoá chất theo quy định của pháp luật
Hoạt động sản xuất, kinh doanh hoá chất thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, khi kinh doanh lĩnh vực này, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Hoá chất năm 2007, cụ thể như sau:
2.1. Về trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hoá chất
Khi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoá chất thì phải đáp ứng điều kiện về bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hoá chất, cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất theo quy định của Luật Hoá chất, các quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm an toàn cho người lao động, sức khỏe cộng đồng và môi trường.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải.
- Cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất.
2.2. Yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh hoá chất
Khi sản xuất, kinh doanh hoá chất ngoài đáp ứng về điều kiện trách nhiệm bảo đảm an toàn thì tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất hoá chất còn phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, cụ thể là:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp với quy mô hoạt động và đặc tính của hóa chất, bao gồm:
- Nhà xưởng, kho tàng và thiết bị công nghệ;
- Trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống sét, phòng, chống rò rỉ, phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác;
- Trang thiết bị bảo hộ lao động;
- Trang thiết bị bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải;
- Phương tiện vận chuyển;
- Bảng nội quy về an toàn hóa chất; hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó.
- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định cụ thể điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc phạm vi quản lý.
2.3. Yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hoá chất
Ngoài các điều kiện trên, do tính chất đặc thù của hoạt động sản xuất, kinh doanh hoá chất thì khi sản xuất, kinh doanh hoạt động này tổ chức, cá nhân phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải có người chuyên trách về an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất.
- Người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh hóa chất phải có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công.
- Người trực tiếp điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất.
2.4. Sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện
Theo quy định tại Điều 14 Luật Hoá chất năm 2007 thì khi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoá chất thuộc danh mục hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện là hóa chất nguy hiểm có yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh.
- Yêu cầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện được quy định như sau:
- Thực hiện quy định tại các điều 11, 12 và 13 của Luật Hoá chất;
- Có cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện;
- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận.
- Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan phối hợp xây dựng điều kiện sản xuất, kinh doanh và Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trình Chính phủ ban hành.
- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định quy chuẩn kỹ thuật và tổ chức cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất quy định tại Điều này.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoá chất
Theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoá chất thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động này bao gồm:
- Sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng, gửi, cho, tặng hóa chất nguy hiểm trái quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che giấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm.
- Sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hóa chất không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.
- Sử dụng hóa chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khỏe con người, tài sản và môi trường.
Do mang tính chất đặc thù của ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh hoá chất phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhằm tránh những hậu quả xấu có thể gây ảnh hưởng đến con người và môi trường.
Một số giải đáp về hoạt động kinh doanh hoá chất
Dưới đây là các vấn đề thường gặp khi kinh doanh hóa chất
Câu hỏi 1. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận, giấy phép sản xuất, kinh doanh hoá chất được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 16 Luật Hoá chất năm 2007 về trình tự cấp giấy chứng nhận, giấy phép được quy định như sau:
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép lập hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 14 hoặc điểm a khoản 2 Điều 15 của Luật Hoá chất năm 2007.
3. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép cho tổ chức, cá nhân; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất và Nghị định 17/2020/NĐ-CP Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất thì điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được quy định như sau:
1. Điều kiện sản xuất
- Là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong sản xuất theo quy định tại Điều 12 của Luật hóa chất; Điều 4; khoản 1, 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị định này;
- Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất;
- Các đối tượng quy định tại Điều 32 của Nghị định này phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
2. Điều kiện kinh doanh
- Là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh theo quy định tại Điều 12 của Luật hóa chất; Điều 4; khoản 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị định này;
- Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
- Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ;
- Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất;
- Các đối tượng quy định tại Điều 32 của Nghị định này phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
3. Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật hóa chất.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Hãng luật NPLaw về điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm, hiểu biết chuyên sâu về điều kiện, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Quý khách có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất xin hãy liên hệ ngay với Hãng luật NPLaw để được tư vấn một cách tốt nhất. Trân trọng./.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn