Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển với tốc độ chóng mặt đồng thời tạo nên sức ảnh hưởng nhất định đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, không thể không kể đến việc kinh doanh online trên mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến và có thể được xem như một xu hướng kinh doanh rất được yêu thích trong thời gian gần đây. Đặc biệt, khi đại dịch COVID -19 đã hoành hành trên quy mô toàn cầu trong hơn 02 năm vừa qua thì việc kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội được xem là phương thức tối ưu nhất vừa giúp đáp ứng được nhu cầu của người dân vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Không những thế, đây còn là một phương thức kinh doanh giúp cá nhân và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu tư, đồng thời nắm bắt được tâm lí khách hàng một cách nhanh nhất. Từ đó, góp phần tạo ra doanh thu có phần vượt trội hơn so với phương pháp mua bán truyền thống. Để trả lời cho các thắc mắc xoay quanh hình thức kinh doanh cực hot này, NPLaw xin gửi đến quý bạn đọc những phân tích cụ thể đi từ thực tiễn đến pháp lý thông qua bài viết sau đây.
Kinh doanh online trên mạng xã hội có thể hiểu đơn giản là hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Tiktok,… Người dùng chỉ cần lướt trên các trang mạng xã hội, liên hệ với nhà bán hàng để được tư vấn và giải đáp thắc mắc rồi chọn sản phẩm mình muốn mua cũng như hình thức thanh toán. Sau đó, sản phẩm sẽ được vận chuyển một cách nhanh chóng đến tận nơi người mua yêu cầu mà không cần tốn thời gian, công sức đi ra cửa hàng để lựa chọn giống như phương thức mua sắm phổ thông.Thuật ngữ “Kinh doanh online trên mạng xã hội”, hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về định nghĩa của thuật ngữ này. Tuy nhiên, các cụm từ trong thuật ngữ như “kinh doanh”, “mạng xã hội” thì đã được giải thích cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Chúng ta có thể phân tích qua hai khái niệm này và khái quát nên một định nghĩa cơ bản cho thuật ngữ “Kinh doanh online trên mạng xã hội”. Cụ thể:
Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về khái niệm kinh doanh như sau:
“Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”.
Khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP nêu định nghĩa về mạng xã hội như sau:
“Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
Theo Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022, các hoạt động kinh doanh online trên các trang mạng xã hội (mua bán trong cộng đồng) như Facebook, Zalo, Instagram, Tik Tok… vẫn đang diễn ra sôi nổi. Cụ thể, trong năm 2020 đã có tới 53% doanh nghiệp cho biết có sử dụng hình thức kinh doanh này.Bên cạnh đó, nghiên cứu của Accenture năm 2021 cho biết gần hai phần ba thành viên trên các được trang mạng xã hội được khảo sát đã tiến hành mua bán trong cộng đồng. Con số tương ứng là gần hai tỷ người trên phạm vi toàn cầu đã trải nghiệm hình thức mua bán trong cộng đồng.
Nghiên cứu này cũng cho rằng đại dịch COVID-19 đã kéo thêm nhiều người hơn trong việc sử dụng mạng xã hội để kết nối, từ thu thập thông tin, giải trí, học tập, cho tới mua bán.
Ước tính trong năm 2021, mô hình mua bán này đã đạt khoảng 492 tỉ USD. Accenture dự đoán, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm lên tới 26% thì doanh số năm 2025 có thể vượt mức 1.200 tỷ USD.
Theo thống kê của NapoleonCat, tính tới tháng 6/2021, số người dùng Facebook tại Việt Nam đã lên đến 76 triệu người, chiếm hơn 75% dân số trên toàn quốc. Với số lượng người sử dụng Facebook tại Việt Nam hiện nay, thì Facebook cũng được xem là một trang mạng xã hội kinh doanh online phổ biến nhất và dẫn đầu danh sách mạng xã hội kinh doanh online lớn nhất tại Việt Nam.Thông qua trang mạng xã hội Facebook, bạn có thể áp dụng nhiều hình thức bán hàng khác nhau để quảng bá và làm nổi bật sản phẩm. Chẳng hạn như, bán hàng qua Fanpage, Group Facebook, Messenger hoặc thông qua Facebook cá nhân đều khả thi. Quan trọng là bạn muốn lựa chọn hình thức kinh doanh nào phù hợp với mục tiêu, lí tưởng cũng như chi phí của bạn
Tiktok là một ứng dụng truyền thông mạng xã hội được ra mắt vào năm 2016. Với việc phát triển những video ngắn để chia sẻ và kết nối, Tiktok đã tạo nên cho mình một số lượng người dùng khủng chỉ trong khoảng thời gian ngắn so với các nền tảng mạng xã hội khác. Năm 2018, Tiktok được vinh danh là mạng xã hội có số lượt tải về nhiều nhất. Qua đó cho thấy, Tiktok là một nền tảng thu hút khá nhiều sự quan tâm của công chúng mà người bán hàng không thể bỏ qua. Với cách thức truyền đạt nội dung trọng tâm, ngắn gọn thông qua những video ngắn trong vòng 1 phút đã đánh vào nhu cầu mua sắm của khách hàng cũng như nắm bắt tâm lý khách hàng một cách nhanh nhất. Từ đó, giúp gia tăng số lượng đơn hàng cũng như sở hữu mức thu nhập cao thông qua các video viral mà người bán gửi đến khách hàng
Zalo là một ứng dụng mạng xã hội do chính người Việt Nam sáng tạo ra và là một thị trường tiềm năng với gần như tất cả ai dùng internet ở Việt Nam đều dùng Zalo. Với những đặc tính nổi trội như bảo mật thông tin cá nhân, gửi được các file với dung lượng lớn mà không bị giới hạn, gửi ảnh đảm bảo không bị bể hình… đã chiếm được sự tin tưởng cũng như yêu thích của đại đa số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Do đó, người bán không nên bỏ qua những cơ hội kinh doanh tốt tại thị trường tiềm năng này
Youtube là nền tảng trực tuyến chia sẻ các video tương tự như Tiktok nhưng với thời gian lâu hơn và có lịch sử phát triển dài hơn so với Tiktok. Do đó, số lượng người dùng của Youtube có hơn 2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, tương đương với 1/4 dân số thế giới sử dụng. Vậy nên, người bán hoàn toàn có thể tin tưởng về tiềm năng phát triển của nền tảng này. Người bán có thể bán hàng thông qua Youtube với đa dạng các phương thức. Có thể kể đến phương thức phổ biến nhất đối với giới trẻ đó là việc các KOL quay video giới thiệu và review sản phẩm rồi dẫn link của người bán. Đây được xem là hình thức Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) và tạo ra lượng truy cập khủng cũng như doanh thu nhất định cho người bán.IV. Tại sao nhiều người thích kinh doanh online trên mạng xã hội
Để trả lời cho câu hỏi tại sao nhiều người thích kinh doanh online trên mạng xã hội thì chúng ta sẽ cùng điểm qua những lợi ích mà việc kinh doanh online trên mạng xã hội mang lại cho mọi người. Từ đó, sẽ hiểu được lí do vì sao ngày càng có nhiều người thích việc kinh doanh online trên mạng xã hội cũng như vì sao phương thức kinh doanh này đang dần trở thành một xu thế
Kinh doanh online trên mạng xã hội giúp người bán tiết kiệm được khá nhiều các khoản chi phí thiết yếu. Chẳng hạn, khi người bán muốn kinh doanh cửa hàng thời trang thì họ phải tốn chi phí khá cao để trả tiền thuê mặt bằng. Không những thế, để thu hút khách hơn thì mặt bằng được thuê phải nằm ở vị trí đẹp, nhiều người lui tới. Đồng thời, phải bỏ thời gian, tiền bạc để xây dựng, trang trí cửa hàng, trả lương cho nhân viên, xây dựng kho chứa đồ và còn rất nhiều các khoản chi phí khác. Trong khi đó, với phương thức kinh doanh online thông qua mạng xã hội, người bán chỉ cần một chiếc máy tính hoặc laptop có kết nối internet cùng với vài khoản chi phí chi cho việc quảng cáo thu hút người dùng mua sắm là có thể bắt đầu việc kinh doanh của mình.
Về phía người mua, họ có thể chủ động mua hàng vào bất cứ khung giờ mình thích bất kể đêm khuya hay sáng sớm mà không lo cửa hàng đã đóng cửa hay chưa mở. Về phía người bán, họ cũng có quyền lựa chọn làm việc bất cứ thời gian nào hay bất cứ nơi đâu mà mình thích. Miễn là đảm bảo được sự tư vấn nhiệt tình với khách hàng và chất lượng sản phẩm cũng như tiến độ giao hàng.
Với thời đại 4.0 ngày nay, mạng xã hội được xem là một kênh thông tin được người dùng tiếp cận một cách dễ dàng với bất cứ nhu cầu gì trong cuộc sống. Nếu đối với phương thức kinh doanh truyền thống, khi có sản phẩm mới người bán cần phải làm các băng rôn để quảng cáo sản phẩm, cần một nguồn nhân lực nhất định để đi chào mời sản phẩm hoặc chạy quảng cáo trên các kênh truyền hình, báo đài. Việc này sẽ tốn khá nhiều chi phí về phía người bán mà chưa chắc đã tiếp cận được các đối tượng khách hàng mình mong muốn. Còn đối với phương thức kinh doanh online, người bán chỉ cần bỏ ra chi phí đầu tư cho website, tăng cường chạy các chiến dịch quảng cáo hoặc tạo ra những video clip viral thu hút người xem là có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng.
Do chúng ta kinh doanh online trên mạng xã hội chính vì vậy không bị giới hạn thời gian, địa điểm hay khoảng cách. Chính vì thế thay vì bán cho một tệp khách hàng nhỏ tại phố, phường, thị trấn như phương thức kinh doanh truyền thống thì bạn có thể mở rộng tệp khách hàng đối với bất kì khu vực địa lý nào mà bạn mong muốn khi kinh doanh online.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:
“1. Thương nhân, tổ chức tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng”.
Theo đó, pháp luật quy định tất cả thương nhân, tổ chức tiến hành kinh doanh online qua mạng xã hội đều phải tiến hành thông báo với Bộ Công Thương về các website thương mại điện tử bán hàng do chính thương nhân, tổ chức thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Còn đối với trường hợp là cá nhân kinh doanh online qua mạng xã hội thì không phải đăng ký kinh doanh với Bộ Công Thương.
Người kinh doanh online qua mạng xã hội cần biết rằng đây là hình thức kinh doanh với phương thức tiếp cận khách hàng một cách gián tiếp thông qua internet hay cụ thể trong trường hợp này là mạng xã hội. Do đó, việc cá nhân hay hộ gia đình kinh doanh bằng phương thức này hay phương thức truyền thống thì đều phải nộp thuế như nhau theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì người kinh doanh online qua mạng xã hội thuộc đối tượng nộp thuế theo quy định pháp luật đồng thời phải tuân thủ nguyên tắc tính thuế theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:
“1. Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế”.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định về các trường hợp được miễn lệ phí môn bài và các trường hợp phải nộp lệ phí môn bài: cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp được miễn lệ phí môn bài; còn có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng thì phải nộp lệ phí môn bài theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người kinh doanh online qua mạng xã hội là cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí môn bài. Còn đối với trường hợp kinh doanh online trên mạng xã hội có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc trường hợp phải nộp thuế với mức thu thuế theo quy định của pháp luật.
Trên đây, là một số những phân tích cụ thể đến từ đội ngũ luật sư và cộng sự của NPLaw về mặt thực tiễn và pháp lý đối với xu hướng kinh doanh online trên mạng xã hội hiện nay.. Nếu quý khách hàng có bất cứ nhu cầu gì, mong muốn được tư vấn và hỗ trợ NPLaw sẽ hỗ trợ bạn tận tình ngay khi có yêu cầu.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn