Làm thế nào để bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh?

Tác phẩm điện ảnh là gì? Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được pháp luật Việt Nam hiện hành quy định như thế nào? Trong bài sau đây của Hãng luật NPLaw, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, những khía cạnh pháp lý liên quan và tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả. Hy vọng những thông tin mà NPLaw sắp cung cấp sẽ mang lại cho quý độc giả cũng như các chủ thể có liên quan một cái nhìn tổng quan về tác phẩm điện ảnh, cũng như việc bảo hộ tác phẩm điện ảnh để từ đó có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.

I. Thực trạng việc xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh hiện nay

Thực tế hiện nay cho thấy, việc xâm phạm quyền tác giả đã và đang là một vấn đề phổ biến trong ngành công nghiệp điện ảnh ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung, diễn ra đối với tất cả các loại hình tác phẩm, từ tác phẩm văn học, khoa học đến tác phẩm điện ảnh. Các hành vi xâm phạm quyền này cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền nhân thân như quyền đặt tên, quyền đứng tên trên tác phẩm cho đến quyền tài sản như quyền sao chép, quyền phân phối tác phẩm.

Để bảo vệ và ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh nói riêng, Nhà nước ta đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng có các quy định về bản quyền và quyền tác giả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả, chủ sở hữu cũng như tác phẩm điện ảnh của họ. 

II. Quy định của pháp luật về tác phẩm điện ảnh

Nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, pháp luật nước ta đã đưa ra các quy định về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành) và một số văn bản hướng dẫn khác. Trong đó có một số điều khoản cần lưu ý là quy định về quyền tác giả cũng như cơ chế bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh. 

1. Khái niệm tác phẩm điện ảnh

Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tác phẩm điện ảnh được xác định là một trong số những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Đồng thời, khoản 6 Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP cũng có hướng dẫn về tác phẩm điện ảnh. Cụ thể, tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự được hiểu là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó. Tuy nhiên, tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Điện ảnh năm 2022, phim là tác phẩm điện ảnh, có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh; được ghi trên các chất liệu, bằng kỹ thuật số hoặc phương tiện kỹ thuật khác và được phổ biến đến người xem. Tác phẩm điện ảnh bao gồm các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và phim kết hợp nhiều loại hình.

Như vậy, tác phẩm điện ảnh có thể hiểu là tác phẩm mang những đặc điểm sau:

(1) Có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; 

(2) Có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh;

(3) Được ghi trên các chất liệu, bằng kỹ thuật số hoặc phương tiện kỹ thuật khác và được phổ biến đến người xem;

(4) Bao gồm các loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và phim kết hợp nhiều loại hình.

2. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh

Để làm căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan, pháp luật đã có quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh tại khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Cụ thể như sau:

- Biên kịch, đạo diễn được hưởng quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này. Đó là quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

- Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng quyền quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này, là quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

- Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản. Đó là quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản đối với tác phẩm. Đồng thời, họ có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có thể thỏa thuận với biên kịch và đạo diễn về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm. 

Trong trường hợp kịch bản, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của kịch bản, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.

Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định như đã nói ở trên. Theo đó, mỗi chủ thể có sự tác động nhất định tới sự hình thành và phát triển tác phẩm điện ảnh thì sẽ được hưởng quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. 

3. Hồ sơ bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh

Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình và có căn cứ xác định quyền tác giả khi không may xảy ra tranh chấp, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả cần chuẩn bị được quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, bao gồm:

- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu; 

- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả;

- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;

- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao;

- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

4. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh

Pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay có quy định rõ về thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm. Mục đích chính của quy định này là bảo vệ toàn diện quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả là khoảng thời gian được Luật sở hữu trí tuệ quy định và trong thời gian đó, các quyền của tác giả sẽ được Nhà nước bảo đảm.

Đối với mỗi loại tác phẩm, thời hạn bảo hộ quyền tác giả sẽ khác nhau, phụ thuộc vào bản chất và từng trường hợp cụ thể. Điều này cũng áp dụng cho tác phẩm điện ảnh. Mỗi tác phẩm điện ảnh có những đặc điểm riêng biệt và do đó, thời hạn bảo hộ quyền tác giả cũng sẽ khác nhau đối với từng loại hình này.

Căn cứ vào Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định như sau:

- Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và  4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn. Đó là quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

- Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 là quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau: Tác phẩm điện ảnh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; tác phẩm điện ảnh chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình. 

Thời hạn bảo hộ nêu trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Như vậy, theo quy định trên thì những yếu tố sau đây sẽ được bảo hộ mãi mãi: (1) Tên của tác phẩm; (2) Tên thật hoặc bút danh của tác giả; (3) Sự toàn vẹn của tác phẩm. Ngoài những yếu tố trên, tác phẩm điện ảnh sẽ có thời gian bảo hộ hữu hạn tùy theo loại hình tác phẩm. Cụ thể như sau: Đối với tác phẩm điện ảnh thì thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ lần đầu tiên công bố. Còn nếu tác phẩm chưa được công bố sau 25 năm kể từ khi được tạo ra thì thời hạn bảo hộ là 100 năm tính từ lúc tác phẩm được tạo ra. 

III. Một số câu hỏi thường gặp về tác phẩm điện ảnh

Trước, trong và sau quá trình hình thành tác phẩm điện ảnh cũng như đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh của mình, chắc chắn các bên không thể tránh khỏi những vướng mắc pháp lý nhất định. Hiểu được khó khăn đó, sau đây NPLaw sẽ giúp quý độc giả giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến tác phẩm điện ảnh và việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm đó. 

1. Tác phẩm điện ảnh có bao gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật không?

Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan có hướng dẫn về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Theo đó, khoản 6 Điều 6 Nghị định này ghi nhận các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó. Bên cạnh đó còn quy định tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

Như vậy, theo quy định pháp luật nên trên thì tác phẩm điện ảnh không bao gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật.

2. Ai có quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm điện ảnh?

Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Như vậy, quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm điện ảnh thuộc về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cá nhân, tổ chức được cho phép thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

IV. Luật sư tư vấn về tác phẩm điện ảnh

Tác phẩm điện ảnh cũng như việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh là một vấn đề khá phức tạp và thường xảy ra tranh chấp trên thực tế, vì thế để bảo vệ tốt nhất quyền tác giả của mình cũng như nhằm giảm thiểu những tranh chấp không đáng có có thể xảy đến trong tương lai, bạn nên tìm cho mình một đội ngũ pháp lý tư vấn và hỗ trợ để tiến hành đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh một cách dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng hơn. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: Module 'mysqli' already loaded

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: