Miệt thị người khác trên mạng xã hội và quy định pháp luật hiện nay

Ngày nay, mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến rất phổ biến được đại đa số người dân trên toàn cầu sử dụng. Thông qua ứng dụng hữu ích này, người dùng có thể chia sẻ, bày tỏ quan điểm, tương tác với cộng đồng bất kể khoảng cách địa lý. Không những thế, mọi người còn có thể học được những kiến thức, kĩ năng mới, bắt kịp những xu hướng đang thịnh hành và còn rất nhiều lợi ích khác nhằm phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của con người. Thế nhưng, bên cạnh những tác động tích cực mà mạng xã hội mang lại cho đời sống hằng ngày thì vô số vấn nạn tiêu cực cũng đang dần lên ngôi. Một trong số đó có thể kể đến một vấn nạn đáng lên án và đặc biệt cần loại bỏ khỏi xã hội văn mình hiện nay, đó là: Miệt thị người khác trên mạng xã hội. Sau đây, NPLaw sẽ gửi đến Quý bạn đọc những phân tích tổng quan cùng với những quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay đối với vấn đề miệt thị người khác trên mạng xã hội.

I. Thực trạng miệt thị người khác trên mạng xã hội hiện nay

Miệt thị người khác trên mạng xã hội ngày nay được thể hiện ở nhiều dạng, nhiều thể thức khác nhau. Thế nhưng, dù tồn tại ở bất cứ cách thức nào thì việc miệt thị người khác vẫn để lại những đau đớn, tổn thương cho người nghe, người đọc về cả mặt tinh thần thậm chí là thể chất. Hãy cùng NPLaw điểm qua sơ lược về những hình thức phổ biến của vấn nạn miệt thị trên mạng xã hội hiện nay:

1. Miệt thị ngoại hình

Miệt thị ngoại hình hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là Body shaming. Đây là hành vi mà người dùng mạng xã hội để lại những bình luận mang tính khiếm nhã, đả kích nhằm hạ thấp, chê bai ngoại hình của người khác. 

Chỉ cần ngồi lướt Facebook, Tiktok, Instagram trong vài phút đồng hồ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bình luận như “Người gì mà béo ú thế này”, “Sao mà mặt lại nổi nhiều mụn trông xấu thế kia” hay “Sao người như vậy mà lại dám mặc bộ quần áo đó” hoặc “Xấu như anh/ cô ta mà cũng có người yêu được à?”… Đây có lẽ là những câu bình luận mà chúng ta đều cảm thấy không còn xa lạ, thậm chí là quá quen thuộc trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, những câu nói tưởng chừng như bông đùa này lại khiến cho người nghe cảm thấy tổn thương, e ngại và tự ti về bản thân mình. Từ đó, họ dần trở nên thu mình lại và ngại giao tiếp với mọi người, hay thậm chí có nhiều người còn chọn cách thức rời xa thế giới thực vì không chịu nổi những đả kích từ dư luận về ngoại hình của chính mình. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những ví dụ điển hình từ những người nổi tiếng ở quốc tế như Selena Gomez bị tăng cân mất kiểm soát khi phải đối phó với căn bệnh khắc nghiệt nhưng lại bị mọi người chỉ trích, hoặc nữ ca sĩ Hàn Quốc Sulli đã chọn cách kết thúc cuộc đời mình khi đối mặt với những bình luận chê trách đến từ cộng đồng mạng. Hay ở ngay tại Việt Nam như Hoa hậu Thiên Ân bị nhiều người cho rằng hoa hậu gì mà đô con vậy, ca sĩ Lynk Lee bị cho rằng chuyển giới không phù hợp nhìn “tởm” và còn rất nhiều trường hợp khác đều trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của vấn nạn Body shaming.

2. Miệt thị người nghèo

Mạng xã hội Tiktok trong những năm gần đây đã dần trở thành một xu thế sử dụng của giới trẻ nói riêng và cộng đồng người sử dụng mạng xã hội nói chung. Với những đoạn clip video ngắn, đơn giản giúp người làm nội dung có thể truyền tải những thông điệp đến cho người nghe một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, ngoài những thông điệp tốt đẹp thì bên cạnh đó vẫn có những con người sử dụng mạng xã hội để truyền đạt những nội dung (content) bẩn nhằm tạo sự nổi tiếng mà bất chấp việc làm người khác tổn thương. Ví dụ điển hình, một Tiktoker nổi tiếng với tên gọi Nờ Ô Nô đã dùng những lời lẽ, hành vi miệt thị người nghèo trong chính video của mình. Cụ thể trong video clip từ thiện của Nờ Ô Nô, cậu ta đã có những phát ngôn với cụ bà như “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn”, “Phở rẻ vậy mà bà không có tiền mua ăn nữa hả”, “Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”. Đáng nói, khi được hỏi lý do vì sao có những câu nói có phần bất kính với cụ già, thì chàng Tiktoker này lại bảo rằng đó là những câu nói mang lại không khí vui tươi chứ không có gì ác ý, mình là một người có học nên mới đi giúp người nghèo như vậy!?

II. Miệt thị người khác trên mạng xã hội bị phạt như thế nào

Như chúng ta đã biết, người dùng mạng xã hội hoàn toàn có quyền tự do ngôn luận cũng như thể hiện trạng thái cảm xúc, suy nghĩ cá nhân của mình trên nền tảng trực tuyến này. Tuy nhiên, tự do ngôn luận cần phải được đặt trong một khuôn khổ nhất định và tuân theo quy định của pháp luật.  

Về xử phạt hành chính:

Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung 2022) quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội như sau: 

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a. Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Về xử lý hình sự:

Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, hành vi sử dụng mạng xã hội để miệt thị người khác hay nói cách khác là xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cá nhân. Mức phạt này sẽ được nhân đôi cụ thể là 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp là tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu hành vi miệt thị người khác trên mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của họ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác với mức phạt tù cao nhất là 05 năm tương ứng với mức độ của hành vi vi phạm.

III. Khi phát hiện hành vi miệt thị người khác trên mạng xã hội cần làm gì

Khi bạn lướt Facebook, Instagram hây Tiktok sẽ dễ dàng bắt gặp hoặc phát hiện hành vi miệt thị người khác trên mạng xã hội. Vậy trong trường hợp đó liệu bạn nên làm gì? NPLaw sẽ chia ra 02 trường hợp và gợi ý cách ứng xử đối với từng trường hợp giúp bạn nhé.

Trường hợp 1: Người thực hiện hành vi miệt thị người khác là người quen

Đây có thể là một trường hợp khiến cho bạn cảm thấy khó xử. Tuy nhiên, vì là người quen nên nếu có thể bạn hãy lên tiếng, nói chuyện với họ về những hành vi không tốt đó, khuyên họ nên có cách hành xử đúng đắn trên không gian mạng. Nếu bạn thấy cách này sẽ không hiệu quả hoặc sẽ gây những phiền toái ngoài cuộc sống thực mà bạn không mong muốn, thì bạn hãy hủy theo dõi hoặc hạn chế tương tác đối với người dùng đó. Việc làm này vừa giúp bạn có thể loại bỏ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội đồng thời loại bỏ những mối quan hệ không mang lại năng lượng tốt cho bản thân bạn.Trường hợp 2: Người thực hiện hành vi miệt thị người khác là người lạ

Đối với trường hợp này, vì là người lạ, bạn hoàn toàn không lo ngại mà hãy lên tiếng phản đối, tranh luận đồng thời bày tỏ sự chia sẻ, quan tâm đối với nạn nhân. Tuy nhiên, nếu bạn thấy rằng hành vi này không hiệu quả hoặc tốn thời gian vô lý để đối thoại, tranh luận với những người có tư tưởng xấu thì bạn đừng ngần ngại báo cáo (report) những bình luận, tài khoản đó vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng hay thậm chí chặn những người dùng đó trên mạng xã hội. 

Vậy nên, dù đối với bất kì trường hợp nào chúng ta cũng cần phải loại bỏ những nội dung rác ra khỏi mạng xã hội. Chúng ta cần phải chọn lọc những nguồn tin tích cực để luôn cảm thấy vui vẻ, giải trí, yêu đời và yêu chính bản thân mình khi sử dụng nền tảng trực tuyến này

IV. Người miệt thị người khác trên mạng xã hội có phải bồi thường thiệt hại không

Theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Theo đó, người có hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại thực tế cho người bị hại kèm theo một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu và việc bồi thường phải thực hiện kịp thời. Mức bồi thường cũng như hình thức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận.Ta có thể thấy rằng, khi đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng thăng tiến vượt bậc thì mạng xã hội giờ đây đã dần trở thành một con dao hai lưỡi. Do đó, mỗi cá nhân cần nâng cao trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, cẩn trọng và cân nhắc hơn khi bày tỏ quan điểm, bình phẩm về người khác để hạn chế gây nên những tổn thất về tinh thần, vật chất cho người khác hoặc thậm chí đối với chính bản thân mình. Hãy trở thành một người ứng xử văn minh trên các trang mạng xã hội bạn nhé!

Trên đây, là một số những bình luận, phân tích từ khía cạnh thực tiễn cho đến pháp lý đối với vấn nạn miệt thị người khác trên mạng xã hội đến từ đội ngũ luật sư và cộng sự của NPLaw. Nếu quý khách hàng có bất cứ nhu cầu gì, mong muốn được tư vấn và hỗ trợ liên quan đến những vấn đề trong cuộc sống thì hãy liên hệ với hãng luật NPLaw.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan