MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM

Tư tưởng về phòng ngừa tội phạm và sự cần thiết của phòng ngừa tội phạm đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử loài người để bảo vệ, duy trì trật tự và công bằng xã hội, góp phần bảo vệ các lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Vậy hoạt động phòng ngừa tội phạm là gì? Có tầm quan trọng ra sao đối với xã hội loài người. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin có liên quan tới vấn đề này. 

I. Phòng ngừa tội phạm là gì? Mục đích của phòng ngừa tội phạm?

Như chúng ta đã biết, một trong những hoạt động quan trọng nhất của cơ quan nhà nước, xã hội và toàn thể cộng đồng nhằm xây dựng một đất nước phát triển đó là phòng ngừa tội phạm. Vậy phòng ngừa tội phạm là gì? Hiện nay, chưa có 1 khái niệm thống nhất về vấn đề này nhưng có thể hiểu phòng ngừa tội phạm là hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội của toàn thể cộng đồng và công dân nhằm nhanh chóng và sớm phát hiện, ngăn chặn, khắc phục nguyên nhân và làm giảm tội phạm. Đây là tư tưởng chỉ đạo của cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cũng như cách thức, biện pháp của công dân được thực hiện nhằm hạn chế và phòng ngừa tội phạm xảy ra, nếu tội phạm xảy ra thì phải hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả và tác hại của nó. Phòng ngừa tội phạm mang tính hệ thống, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và có sự phối hợp nhịp nhàng, quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức và công dân.

II. Mục đích và ý nghĩa của phòng ngừa tội phạm là gì?

Việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm với mục đích và ý nghĩa sau:

Một là, loại trừ và thủ tiêu các nguyên nhân và điều kiện phạm tội, xóa bỏ các tác nhân là điều kiện tạo thuận lợi việc phát sinh ra tội phạm. 

Hai là, nghiên cứu môi trường sống (gia đình - nhà trường - xã hội) xung quanh các nguyên nhân và điều kiện phạm tội và người phạm tội, qua đó hạn chế, ngăn ngừa những hiện tượng có ảnh hưởng bất lợi và không đúng đến việc hình thành các phẩm chất cá nhân tiêu cực chống đối xã hội của bản thân người phạm tội. 

Ba là, trên cơ sở này, đưa ra các giải pháp tổng thể và có hệ thống phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực và tội phạm, các tác nhân ảnh hưởng và những thiếu sót trong cơ chế quản lý về các mặt (như: kinh tế, xã hội, công tác tổ chức cán bộ...), cũng như kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và các ngành luật khác.

III. Chủ thể của việc phòng ngừa tội phạm?

Phòng ngừa tội phạm là hoạt động chung của cả xã hội được thực hiện thông qua các chủ thể khác nhau. Các chủ thể đó có thể là tổ chức hoặc cá nhân theo trách nhiệm của mình có các hoạt động cụ thể nhằm không cho tội phạm xảy ra. Từ nội dung của hoạt động phòng ngừa tội phạm cũng như từ các định hướng phòng ngừa tội phạm cơ bản được trình bày ở mục trên có thể xác định được các chủ thể phòng ngừa tội phạm và nhóm thành các nhóm chủ thể phòng ngừa tội phạm khác nhau theo các tiêu chí khác nhau và sắp xếp theo một trật tự nhất định. Các chủ thể phòng ngừa tội phạm được sắp xếp theo trật tự bắt đầu từ các chủ thể có hoạt động trực tiếp và cụ thể nhất. Theo đó chủ thể phòng ngừa tội phạm bao gồm:

- Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm không làm phát sinh vi phạm và tội phạm như lực lượng an ninh nhân dân và lực lượng cảnh sát nhân dân…

- Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong đấu tranh chống tội phạm. Đây là các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phòng ngừa tội phạm thông qua hoạt động đấu tranh chống tội phạm của mình. Đó là hoạt động điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.

- Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc kiểm tra. giám sát và qua đó phát hiện vi phạm và tội phạm. Đó là hệ thống các cơ quan thanh tra từ trung ương đến địa phương, bao gồm cả thanh tra chung và thanh tra chuyên ngành.

- Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ mình trước nguy cơ trở thành nạn nhân của vi phạm và tội phạm. Tức là toàn thể công dân.

Như vậy, có thể thấy các chủ thể tham gia phòng ngừa tội phạm là rất rộng. Tất cả mọi người đều có trách nhiệm chung tay phòng ngừa tội phạm để có 1 xã hội an toàn, văn minh. 

IV. Phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm?

Biện pháp phòng ngừa tội phạm là hệ thống các biện pháp, cách thức do các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các tổ chức xã hội và công dân thực hiện nhằm hạn chế, ngăn chặn, loại trừ nguyên nhân điều kiện phạm tội. Các biện pháp phòng ngừa tội phạm có thể được phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Trong đó có tiêu chí theo tính chất tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm, tiêu chí theo nội dung tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm và tiêu chí theo phạm vi tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm:

- Xét về tính chất tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm có thể phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm thành 2 nhóm sau:

+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm cơ bản - gián tiếp: Là các biện pháp tuy hướng tới các nguyên nhân “gốc rễ” của tội phạm nói chung nhưng đó không phải là mục đích trực tiếp. Đây là các biện pháp nhằm tới mục đích trực tiếp là các vấn đề kinh tế-xã hội nhưng gián tiếp lại là các biện pháp bao trùm, có ý nghĩa đối với tất cả các tội phạm, đối với tất cả mọi người và có tính triệt để, giải quyết tận gốc vấn đề nguyên nhân của tội phạm. Các biện pháp này là các biện pháp có tính lâu dài, có tác dụng dần dần từng bước. 

+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp: là các biện pháp hướng tới các “nguy cơ phạm tội” cụ thể, tác động đến các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm với nội dung cụ thế và trực tiếp là hạn chế, triệt tiêu hoặc “trung hoà” các thành tố này. 

- Xét về nội dung tác động của các biện pháp phòng ngừa tội phạm có thể phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm thành:

+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về kinh tế-xã hội;

+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về văn hoá, giáo dục;

+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về tổ chức và quản lý và

+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về pháp luật.

V. Nguyên tắc phòng ngừa tội phạm

 Nguyên tắc tổ chức và hoạt động phòng ngừa Tội phạm là những quan điểm, phương châm xuyên suốt toàn bộ việc tổ chức và hoạt động phòng ngừa Tội phạm. Bao gồm các nguyên tắc sau: 

Nguyên tắc pháp chế XHCN: Phòng ngừa tội phạm là hoạt động thực hiện nhiệm vụ chung của nhà nước và xã hội cho nên ở mức độ nhất định mang tính quyền lực nhà nước, do đó việc tổ chức và hoạt động phòng ngừa tội phạm phải tuân theo Hiến pháp và Pháp luật. Nói cách khác là chỉ khi tuân theo đúng hiến pháp và pháp luật thì phòng ngừa tội phạm mới bảo đảm mục đích của nó là phục vụ lợi ích xã hội, nhà nước và công dân.

Nguyên tắc dân chủ xã hội: Là đặc điểm nổi bật của bản chất xã hội Việt Nam, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp của xã hội (sáng kiến, đoàn kết, kết hợp, phối hợp …)

Nguyên tắc nhân đạo: Bản thân phòng ngừa tội phạm là hoạt động mang tính nhân đạo (bảo vệ xã hội, bảo vệ con người: không để họ thực hiện tội phạm cũng như không để con người bị hoạt động tội phạm xâm hại). nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động phòng ngừa tội phạm không xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của xã hội, nhà nước và công dân; hoạt động phòng ngừa tội phạm phải có hiệu quả (hiệu quả càng cao thì tính nhân đạo càng được đảm bảo).

Nguyên tắc bảo đảm sự phối hợp đồng bộ hoạt động phòng ngừa tội phạm: Để thực hiện được nguyên tắc này đòi hỏi phải có chương trình, kế hoạch, chiến lược xây dựng một cách khoa học, quá trình áp dụng phải đồng bộ, có sự chỉ đạo thống nhất, tập trung.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: Module 'mysqli' already loaded

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: