MUA BẢN QUYỀN BÀI HÁT

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều tranh chấp liên quan đến bản quyền bài hát. Điều này cho thấy các tác giả bài hát đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo vệ thành quả lao động sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, việc nhiều nền tảng mạng internet phát triển công cụ đánh vi phạm bản quyền âm nhạc cũng làm cho các tổ chức, cá nhân ý thức hơn về bản quyền tác giả khi sử dụng bài hát của người khác.

BẢN QUYỀN ÂM NHẠC LÀ GÌ?

Theo điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Như vậy, bản quyền âm nhạc là quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.

Ngoài ra, Điều 10 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/02/2018 cũng quy định về tác phẩm âm nhạc như sau: “Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.

BẢN QUYỀN ÂM NHẠC LÀ GÌ?

LUẬT BẢN QUYỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM

Pháp luật điều chỉnh về bản quyền âm nhạc tại Việt Nam là Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Sở hữu trí tuệ đã dành ra hẳn 1 phần gồm 06 chương để quy định các vấn đề liên quan đến quyền tác giả như sau:

- Điều kiện bảo hộ quyền tác giả

- Nội dung, giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

- Chủ sở hữu quyền tác giả.

- Chuyển giao quyền tác giả.

- Chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

- Tổ chức đại diện, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả.

MUA BẢN QUYỀN BÀI HÁT LÀ GÌ?

Mua bản quyền bài hát là từ thông dụng trong cuộc sống dùng để chỉ việc nhận chuyển nhượng quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.

Theo quy định tại Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ thì chuyển nhượng quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu đối với tác phẩm âm nhạc cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

MUA BẢN QUYỀN BÀI HÁT LÀ GÌ?

HƯỚNG DẪN KIỂM TRA BẢN QUYỀN BÀI HÁT TRƯỚC KHI MUA

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phát sinh kể từ khi tác phẩm âm nhạc được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Tổ chức, cá nhân có thể kiểm tra bản quyền bài hát trước khi mua thông qua các kênh sau đây:

- Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp đăng ký bản quyền tác giả cho bài hát đó.

- Liên hệ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (viết tắt là VCPMC) để tìm hiểu thông tin về tác giả.

- Tra cứu thông tin về tác giả trên mạng internet.

THỦ TỤC MUA BẢN QUYỀN BÀI HÁT

Mua bản quyền bài hát ở đâu?

Để mua bản quyền bài hát, bạn cần liên hệ trực tiếp với tác giả của bài hát. Trong trường hợp tác phẩm âm nhạc có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm âm nhạc có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền chuyển nhượng quyền tác giả đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

Tuy nhiên, việc tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua bản quyền bài hát chủ động liên hệ trực tiếp làm việc với tác giả bài hát trong nhiều trường hợp sẽ gặp khó khăn. Hiện nay, các tác giả bài hát có xu hướng ủy quyền cho VCPMC để thay mặt họ làm việc với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng hoặc mua bản quyền bài hát. Vì vậy, bạn có thể liên hệ làm việc trực tiếp với VCPMC về vấn đề mua bản quyền bài hát nếu tác giả bài hát đã ủy quyền cho VCPMC, theo các địa chỉ dưới đây:

- Trụ sở chính: Tầng 8, số 66 Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

- Chi nhánh phía Nam: 42 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: 168 Lý Tự Trọng, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.

Hình thức của hợp đồng mua bản quyền bài hát

Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền bài hát phải được lập thành văn bản và bao gồm các nội dung chủ yếu như: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng, căn cứ chuyển nhượng, giá, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Mua bản quyền bài hát giá bao nhiêu tiền? Phí tác quyền âm nhạc?

Giá mua bán bản quyền bài hát sẽ phụ thuộc vào độ nổi tiếng và giá trị của bài hát đó trên thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định và do các bên thỏa thuận.

MUA BẢN QUYỀN BÀI HÁT ĐƯỢC DÙNG TRONG BAO NHIÊU NĂM?

Như đã nêu ở trên, mua bản quyền bài hát chính là việc nhận chuyển nhượng quyền tác giả đối với bài hát đó. Người mua sẽ trở thành chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát và được độc quyền đối với các quyền tài sản và quyền công bố bài hát trong thời hạn bảo hộ bài hát như sau: Suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Sau khi hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với bài hát, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền sử dụng bài hát với điều kiện phải tôn trọng và không được xâm phạm quyền nhân thân của tác giả đã sáng tác bài hát.

SAU KHI HẾT THỜI HẠN MUA BẢN QUYỀN BÀI HÁT, NẾU TIẾP TỤC SỬ DỤNG SẼ BỊ GÌ?

Như đã nêu ở trên, mua bản quyền bài hát chính là việc chuyển dịch chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát đó từ người này sang người khác. Vì vậy, không đặt ra vấn đề thời hạn khi mua bán bản quyền bài hát.

MUA BẢN QUYỀN BÀI HÁT ĐƯỢC DÙNG TRONG BAO NHIÊU NĂM?

COVER BÀI HÁT ĐÃ ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ thì việc biểu diễn tác phẩm trước công chúng là quyền của tác giả bài hát. Như vậy, về nguyên tắc, mọi chủ thể khi cover bài hát của người khác đều phải được sự đồng ý của tác giả bài hát đó, trừ trường hợp biểu diễn trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào (theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ).

COVER BÀI HÁT CHƯA MUA BẢN QUYỀN BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị buộc phải dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan